Bảy năm liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công

0
55
(minh hoạ)
(minh hoạ)
Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai chương trình công tác năm 2023 vừa được tổ chức, lãnh đạo Cục Quản lý giá cho biết, đây là năm có nhiều khó khăn đối với công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát mục tiêu. Bởi lẽ, sau dịch Covid-19, hệ thống cung ứng toàn cầu bị đứt gãy; xung đột ở Nga – Ukraine đã khiến cho giá xăng dầu, chất đốt trở nên khan hiếm, lạm phát tăng cao trên toàn thế giới…
Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn, biến động, năm 2022 công tác quản lý và điều hành giá đã được triển khai toàn diện; cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ giao.
KIỂM SOÁT LẠM PHÁT THÀNH CÔNG
Còn theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Cùng với đó, bình quân năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.
Cục phó Cục Quản lý giá Nguyễn Văn Truyền cho biết mặt bằng giá cả được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Qua đó, “công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 7 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công”, ông Truyền nói.
Với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Cục Quản lý giá đã phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình thị trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, trước những diễn biến phức tạp của giá xăng dầu thế giới, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả đã giúp cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng/giảm với mức phù hợp, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá. Năm 2022 cũng là năm Cục Quản lý giá ban hành nhiều văn bản phối hợp công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu với Bộ Công Thương.
Cũng trong năm 2022, trong quá trình xây dựng các Nghị định, Thông tư, Cục Quản lý giá thường xuyên cập nhật các quy định pháp luật liên quan tới ngành, lĩnh vực của mình, đồng thời, tiến hành rà soát các nội dung để hạn chế tối đa việc phát sinh thủ tục hành chính.
Trong năm 2022, Quốc hội thảo luận về dự án Luật giá (sửa đổi), Cục Quản lý giá cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách và các cơ quan của Quốc hội để tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật giá (sửa đổi).
Theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, hiện Quốc hội đang thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Để đảm báo tính kế thừa, thống nhất, khả thi triển khai và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý nhà nước về giá dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian tới, Cục Quản lý giá đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của chính sách dự kiến đề xuất, những mục tiêu, nội dung sẽ đạt được, để có cơ sở sửa đổi hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật giá (sửa đổi).
DOANH NGHIỆP VI PHẠM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TĂNG ĐỘT BIẾN
Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá, Cục Quản lý giá thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức; tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thẩm định giá…

Tính đến tháng 12, Cục Quản lý giá tiến hành đình chỉ 37 doanh nghiệp thẩm định giá và thu hồi 45 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Đồng thời, Cục chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm định giá như cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; cập nhật thông tin về các doanh nghiệp và thẩm định viên về giá đủ điều kiện hành nghề.
Triển khai thực hiện Quyết định số 187/QĐ-BTC ngày 22/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá, Bộ Tài chính thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá đối với các doanh nghiệp thẩm định giá.
Năm 2022 cũng là năm số lượng doanh nghiệp bị đình chỉ và bị thu hồi giấy chứng nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tăng đột biến trong nhiều năm trở lại đây.
TRỌNG TÂM HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ GIÁ NĂM 2023
Chia sẻ về nhiệm vụ của Cục Quản lý giá trong năm 2023, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến, cho biết trọng tâm trong năm 2023 là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó hoàn thiện, trình ban hành Luật giá (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn Luật; trình Bộ ban hành 3 Thông tư Thông tư quy định về quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; Thông tư ban hành các Tiêu chuẩn thẩm định giá về quy tắc đạo đức của thẩm định viên; cơ sở giá trị trong thẩm định giá; phạm vi công việc thẩm định giá; báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá; Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng.
Đồng thời, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Thông tư giá dịch vụ chứng khoán; Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ năm 2023 đối với các bộ, ngành, địa phương…
Trong năm 2023, để hoàn thành mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5% Quốc hội đã đề ra, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Minh Tiến, nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá theo cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan đề ra.
(Trâm Anh/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here