Để duy trì đà tăng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Australia, thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã giới thiệu hàng dệt may tại triển lãm nguồn hàng toàn cầu lớn nhất châu Đại Dương (Global Sourcing expo – Australia), đồng thời, sử dụng các nền tảng số để mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu của toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay giảm, thì xuất khẩu sang Australia vẫn tăng, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương giảm nhập khẩu dệt may từ các nước.
Cụ thể, theo thống kê tại trang https://textalks.com/aussie, sau 9 tháng, nhập khẩu hàng may mặc của Australia giảm 11,5 % so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng đến 10% so với cùng kỳ.
Còn theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu ngành hàng này sang Australia sau 10 tháng tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Thương vụ nhấn mạnh, để duy trì đà tăng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Australia cũng như đảm bảo cơ hội tiếp cận thị trường Australia hiệu quả, bền vững, thời gian qua, Thương vụ đã liên tục trưng bày, giới thiệu hàng dệt may Việt Nam tại triển lãm nguồn hàng toàn cầu lớn nhất châu Đại Dương (Global Sourcing expo – Australia), đồng thời, sử dụng các nền tảng số để mở rộng cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.
Năm nay, triển lãm thu hút, kết nối gần 1.000 doanh nghiệp từ nhiều nước trưng bày và khoảng 4.000 nhà nhập khẩu đến tìm kiếm nguồn hàng. Những năm gần đây, Thương vụ chọn những mặt hàng gợi mở các hướng xuất khẩu mới như: Ba lô trẻ em, lụa, vải, quần áo trẻ em, đồng phục…
Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm dệt may, cơ quan Việt Nam cũng đồng thời quảng bá xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày da. Sau 10 tháng, xuất khẩu mặt hàng nguyên phụ liệu này đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh gian hàng của Thương vụ, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có khu gian hàng lớn tại triển lãm. Quyết định này là “cú hích” cho hàng dệt may Việt Nam tại Australia năm tiếp theo, trong bối cảnh bất chấp khó khăn, thị trường vẫn quan tâm hàng sản phẩm của Việt Nam.
Cũng theo Thương vụ, trong bối cảnh yêu cầu sản xuất xanh, cùng với việc doanh số bán lẻ hàng dệt may, quần áo và giày dép tại Australia trong 9 tháng giảm 3,9% so với cùng kỳ, thách thức tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào Australia sẽ trở nên rõ hơn. Tại triển lãm, đại diện Việt Nam không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn trở thành quầy thông tin (one-stop-shop) để quảng bá nỗ lực xanh hóa của ngành; Cung cấp thông tin mời gọi đầu tư song phương, thông qua các dự án mới hoặc mua cổ phần lẫn nhau và thúc đẩy xuất khẩu nguyên liệu dệt may, giày da, bên cạnh thành phẩm.
Như vậy, mức tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may 8%, không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay mà còn đảm bảo giữ vững được mức kim ngạch dệt may đã đạt được trong 2 năm gần đây (năm nay giữ mức khoảng gần 500 triệu USD). Cùng với đó, mức tăng 17,6 % nguyên phụ liệu dệt may, giày da cũng mở ra một hướng xuất khẩu, hợp tác trong ngành giữa hai nước.
Kỳ vọng, với việc Hiệp hội Dệt may Việt Nam tham gia triển lãm nguồn hàng toàn cầu vừa qua tại Australia và cùng các nỗ lực chung, dệt may Việt Nam sẽ có bước phát triển trong năm tiếp theo tại Australia.
Mặc dù năm 2023 gặp nhiều khó khăn, dự kiến xuất khẩu dệt may giảm hơn so với năm 2022 nhưng năm 2023 cũng ghi nhận sự bứt phá kỷ lục của ngành dệt may về thị trường xuất khẩu.
Thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vẫn là Mỹ, trong 9 tháng, sản phẩm may mặc xuất khẩu vào thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,4 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) gần 2,9 tỷ USD. Đây là 4 thị trường trọng điểm của ngành dệt may.
Tiếp đó, ngành dệt may xuất khẩu sang Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia hơn 600 USD, Anh 504 triệu USD.
Hoàng Nam