Báo nước ngoài: Việt Nam sẽ vẫn thiếu điện trong năm 2024 và các năm sau nữa?

0
125
(minh hoạ)

Trang asia.nikkei.com của Nhật Bản mới đây dẫn ý kiến giới chuyên gia cho rằng, dù Chính phủ Việt Nam đang gấp rút ổn định nguồn cấp điện, tình trạng mất điện tại Việt Nam vẫn có thể tái diễn trong năm 2024 do các nhà máy điện chậm tiến độ và lưới điện quá tải.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. (Nguồn: Baodautu)

Nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng nguồn cấp điện, tháng 7/2023, tập đoàn Khí đốt Việt Nam (PV Gas) đã tiếp nhận lô khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên từ tập đoàn Shell (Anh) và đang đàm phán với tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) và Novatek (Nga) về nguồn cung LNG.

Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII (QHĐ VIII) được công bố vào tháng 5/2023, Việt Nam đang đặt mục tiêu xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG vào năm 2030 trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng của chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch đầu tư ước tính khoảng 270 nghìn tỷ đồng (11 tỷ USD) để mở rộng kho chứa dầu khí của Việt Nam đến năm 2030, nâng sức chứa dầu khí nhập khẩu ròng tương đương 75-80 ngày so với mức 65 ngày hiện nay.

Giới chức Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng sự bùng nổ về năng lượng Mặt Trời và gió ở miền Trung. Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 7/2023 đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến tháng 6/2023 phải đưa vào vận hành đường dây điện 500 kilovolt nối miền Trung với miền Bắc, sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, Việt Nam có lẽ vẫn bị thiếu điện trong năm 2024 và các năm sau nữa. Mới đây, EVN cho biết tình trạng thiếu điện có thể tái diễn trong năm 2024 và 2025, đồng thời khuyến nghị mua thêm điện từ nước láng giềng Lào. Ngoài ra, một nhóm giám sát đặc biệt của Quốc hội được giao nhiệm vụ điều tra tình hình năng lượng của đất nước mới đây cho rằng nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu trong ngắn hạn và trung hạn, kéo dài đến tận năm 2050.

Ông Đào Nhật Đình thuộc Tạp chí Năng Lượng Việt Nam cho rằng: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện thời gian gần đây là do tiến độ xây mới các nhà máy điện bị chậm hoặc bị hủy bỏ. Tiến độ nâng cấp lưới điện cũng chậm chạp. Những nguyên nhân này vẫn chưa được giải quyết”.

Hầu hết các dự án điện than ở Việt Nam đều bị chậm do những ý kiến phản đối việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như những khó khăn về nguồn vốn trong bối cảnh một số ngân hàng trong nước hoạt động yếu kém và các nhà tài trợ toàn cầu rút lui. Nhiều nhà cho vay quốc tế đã bị các nhà môi trường và những người khác kêu gọi ngừng tài trợ cho các dự án điện than.

Thêm vào đó, một số nhà đầu tư điện tái tạo và LNG bị bế tắc trong đàm phán với EVN do thiếu cơ chế định giá mới.

Ông Đào Nhật Đình cũng cho rằng các dự án nhà máy điện LNG có thể chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chậm, ngân hàng khó có thể cấp vốn và lưới điện yếu kém. Chính sách giá kém hấp dẫn cũng là một vấn đề khác: “Các nhà đầu tư nước ngoài chán nản vì giá bán thấp”.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, bày tỏ lo ngại về tính khả thi của QHĐ VIII khi chưa quy định về các nhà phát triển, nguồn tài chính hoặc ưu đãi cho các dự án điện theo quy hoạch.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng Việt Nam cần đảm đảm nguồn cấp điện ổn định, tin cậy cho các hoạt động trong nước. Một số doanh nghiệp đề xuất cho phép các khu công nghiệp tự sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Đề xuất này chưa được Bộ Công Thương phê duyệt.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội cho hay: “Đây là giải pháp kịp thời nhất để giải quyết nhu cầu về điện khi bị cắt điện”.

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phái đoàn Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cũng cho rằng: “Giải pháp này cho phép các doanh nghiệp chủ động hơn trong trường hợp bị cắt điện”.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here