Chính phủ Việt Nam đang áp dụng nhiều ưu đãi để vực dậy khối doanh nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất-xuất khẩu “xương sống” của nền kinh tế vốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6%/năm kể từ năm 2012, mặc dù gần như hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch.
VOA News nhận định, Việt Nam đang chuẩn bị cho sự hồi sinh kinh tế ở mức hạn chế trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn ở mức thấp. Mike Lynch, giám đốc điều hành Công ty Institutional Brokerage (SSI) tại Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: “Nguyên vật liệu đã bắt đầu được nhập về và các nhà máy “gom góp” được chút ít, song mối quan tâm thực sự của họ là du lịch và dòng vốn nước ngoài, vì vậy họ thực sự phải thắt chặt kiểm soát”.
Ngày 17/3, Dezan Shira & Associates cho biết, cũng như các nước khác ở Đông Nam Á, chính phủ Việt Nam đang giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế và cho phép thanh toán phí sử dụng đất muộn cho các công ty bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngày 17/3, Ngân hàng nhà nước đã cắt giảm tái cấp vốn 1 điểm % để kích thích hoạt động kinh doanh.
Song Seng Wun, nhà kinh tế thuộc ngân hàng CIMB tại Singapore, nhận định: “Đây là tất cả những gì Việt Nam có thể làm để đối phó với sự bùng phát dịch COVID-19, giúp giảm thiểu gián đoạn và duy trì công ăn việc làm cho người lao động”.
Lãnh đạo Việt Nam đã phản ứng với dịch bệnh từ sớm bằng cách tạm ngừng nhập cảnh du khách đến từ Trung Quốc. Một bài viết đăng trên trang The Diplomat hôm 17/3 cho biết những đối tượng không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch sẽ bị chỉ trích trên truyền thông xã hội.
Các học giả nhận thấy Việt Nam đã công khai minh bạch thông tin về các ca nhiễm mới và cũng không cấm người dân bàn luận về dịch bệnh. Điều này cho thấy Việt Nam đang cố gắng tránh lặp lại cách phản ứng của Trung Quốc.
Việt Nam dừng cấp thị thực cho hầu hết du khách nước ngoài trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 18/3. Chính quyền Tp. Hồ Chí Minh có kế hoạch hạn chế các cuộc họp có hơn 1.000 người tham dự. Các quán bar và rạp chiếu phim đóng cửa đến hết ngày 31/ 3.
Các nhà phân tích tại Việt Nam cho rằng việc dừng cấp thị thực sẽ làm “tổn thương” lĩnh vực khách sạn, hàng không và các đơn vị lữ hành. Du lịch nội địa tăng từ 5 triệu lên 15 triệu lượt khách quốc tế trong giai đoạn 2010-2018. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn khách du lịch hàng đầu tới Việt Nam.
Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội, cho rằng khi chính phủ tuyên bố hết dịch COVID-19, nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi tối đa khả năng trong hoàn cảnh không có du khách nước ngoài, bao gồm cả khách du lịch. Ông nhấn mạnh: “Kinh tế trong nước có thể hồi sinh. Tất cả có thể tháo bỏ khẩu trang và một sự kích thích lớn có thể xảy ra trong vòng chưa đầy 1 tháng kể từ bây giờ”.
Nền kinh tế đất nước vẫn đang hoạt động tương đối tốt, ít nhất là đến thời điểm hiện nay. Các nhà máy vẫn đang hoạt động dựa trên lao động địa phương. Tăng trưởng xuất khẩu từ ngày 1/1 đến ngày 15/3 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bản cập nhật thị trường hôm 19/3, SSI cho biết: “Ngay cả khi quý đầu tiên nhanh chóng khép lại, các số liệu vẫn khả quan hơn những đồn đoán tiêu cực mà chúng ta cho là đúng. Nền kinh tế Việt Nam thực sự đã có một màn thể hiện mà các nền kinh tế khác còn phải chạy dài mới theo kịp”.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa ở các nước phương Tây dự kiến sẽ giảm. Theo báo cáo của Harvard Business Review ngày 3/3, sự bùng phát của dịch bệnh dường như là một “cú giáng trực tiếp mạnh mẽ”. Kể từ năm 1986 đến năm 2018, khoảng 55% nền kinh tế Việt Nam dựa vào sản xuất-xuất khẩu. Tỷ lệ này lớn hơn mức trung bình toàn cầu.
Thu Hằng