Ngày 11/1/2022, WEF đã công bố Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2022 dựa trên kết quả Khảo sát Nhận thức Rủi ro Toàn cầu (GRPS) mới nhất.[1] Báo cáo cho rằng các rủi ro xã hội và môi trường là nghiêm trọng nhất nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong đó “xói mòn liên kết xã hội”, “khủng hoảng sinh kế” và “suy giảm sức khỏe tâm thần” là ba trong số năm nguy cơ được coi là mối đe dọa đáng lo ngại nhất đối với thế giới trong hai năm tới. Rủi ro môi trường – cụ thể là “thời tiết khắc nghiệt” và “thất bại trong hành động khí hậu” được xem là những rủi ro hàng đầu trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trong trung hạn, các rủi ro kinh tế như “khủng hoảng nợ” và “vỡ bong bóng tài sản” cũng xuất hiện khi các chính phủ phải vật lộn để cân bằng các ưu tiên tài khóa. Về mặt dài hạn, các rủi ro địa chính trị và công nghệ cũng rất đáng lo ngại – bao gồm “đối đầu địa kinh tế”, “tranh chấp tài nguyên địa chính trị” và “thất bại an ninh mạng”. Những người tham gia khảo sát từ Việt Nam nêu 5 rủi ro toàn cầu lớn nhất là mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái, bong bóng tài sản bùng nổ ở các nền kinh tế lớn, các bệnh truyền nhiễm, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và địa chính hóa các nguồn tài nguyên chiến lược.
Theo khảo sát, thách thức nghiêm trọng nhất từ đại dịch là sự trì trệ kinh tế. Triển vọng vĩ mô của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu, dự kiến sẽ giảm khoảng 2,3% vào năm 2024 so với mức tăng trưởng dự kiến nếu không có đại dịch. Giá cả hàng hóa, lạm phát và nợ đang tăng ở các nước phát triển lẫn đang phát triển. Đại dịch và những hậu quả kinh tế của nó tiếp tục cản trở khả năng kiểm soát vi-rút và tạo điều kiện phục hồi bền vững của các quốc gia. Cùng với sự mất cân bằng của thị trường lao động, các chính sách bảo hộ và sự chênh lệch ngày càng lớn về giáo dục và kỹ năng, sự suy thoái kinh tế do nguy cơ đại dịch chia cắt thế giới thành những quỹ đạo phục hồi khác nhau – điều có thể dẫn đến các ưu tiên và chính sách khác nhau vào thời điểm mà xã hội và cộng đồng quốc tế phải hợp tác để kiểm soát COVID-19 và chữa lành các vết thương do đại dịch gây ra.
Các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chuyển đổi sang các nền kinh tế trung hòa carbon. Một quá trình chuyển đổi tích cực và nhanh chóng sẽ làm giảm bớt những hậu quả lâu dài về môi trường nhưng có thể gây ra những tác động ngắn hạn nghiêm trọng, chẳng hạn như khiến hàng triệu công nhân trong ngành công nghiệp có cường độ carbon mất việc làm hoặc gây ra căng thẳng xã hội và địa chính trị. Ngược lại, một quá trình chuyển đổi chậm hơn nhưng có trật tự hơn sẽ kéo dài sự suy thoái môi trường, yếu tố cấu trúc và bất bình đẳng toàn cầu.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các hệ thống kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch đã làm thay đổi cơ bản các xã hội. Đồng thời, các mối đe dọa an ninh mạng đang gia tăng và vượt xa khả năng ngăn chặn hoặc ứng phó hiệu quả của các xã hội. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, thông tin sai lệch, gian lận và an toàn kỹ thuật số sẽ tác động đến lòng tin của công chúng đối với các hệ thống kỹ thuật số và tăng chi phí cho tất cả các bên liên quan.
Tình trạng mất an ninh ngày càng gia tăng do khó khăn kinh tế, tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và đàn áp chính trị sẽ buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế gia tăng và các động lực thị trường lao động mới đang dẫn đến các rào cản gia nhập lớn hơn đối với những người di cư để có thể tìm kiếm cơ hội hoặc nơi ẩn náu. Việc giảm cơ hội di cư có trật tự và tác động lan tỏa đối với kiều hối có nguy cơ làm mất đi một con đường tiềm năng để khôi phục sinh kế, duy trì ổn định chính trị và thu hẹp khoảng cách thu nhập và lao động.
Báo cáo cũng vạch ra nguy cơ va chạm cao hơn giữa cơ sở hạ tầng gần Trái đất và các vật thể không gian mà có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo vệ tinh của các hệ thống quan trọng trên Trái đất, làm hỏng thiết bị không gian có giá trị hoặc gây ra căng thẳng quốc tế. Việc quân sự hóa không gian ngày càng tăng cũng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là khi các cường quốc vũ trụ không hợp tác với nhau để đưa ra các quy tắc mới để quản lý địa bàn.
Về triển vọng tương lai, chỉ 11% số người tham gia khảo sát của WEF cho rằng thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng trên toàn cầu vào năm 2024, trong khi 89% cho rằng triển vọng ngắn hạn là mong manh, rạn nứt hoặc ngày càng tồi tệ. 84% người được hỏi bày tỏ cảm xúc tiêu cực về tương lai. Sự bi quan lan tỏa này có thể tạo ra một chu kỳ vỡ mộng khiến cho hành động kiến thiết trở nên khó khăn hơn.
Khảo sát của WEF về 15 lĩnh vực quản trị khác nhau cho thấy sự thất vọng lớn về hiệu quả của các nỗ lực giảm thiểu rủi ro quốc tế. “Tạo thuận lợi thương mại”, “tội phạm quốc tế” và “vũ khí hủy diệt hàng loạt” được đánh giá là những lĩnh vực có nỗ lực tốt nhất. Ngược lại, “trí tuệ nhân tạo”, “khai thác không gian”, “tấn công mạng xuyên biên giới và thông tin sai lệch” và “di cư và tị nạn” được cho là những lĩnh vực chưa có nhiều nỗ lực giảm thiểu tác động quốc tế.
[1] Toàn văn báo cáo tại trang: https://www3.weforum.org/docs/WEF_The_Global_Risks_Report_2022.pdf
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)