WTO gần đây đã công bố ấn phẩm mang tên “Báo cáo Thương mại thế giới 2020 của WTO: Các chính sách của Chính phủ để thúc đẩy đổi mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số”[1].Báo cáo này là ấn phẩm thường niên trong đó phân tích các xu hướng trong thương mại, các vấn đề chính sách thương mại và hệ thống thương mại đa phương (MTS).
Báo cáo 2020 của WTO cho biết, 115 quốc gia đã thiết lập các chính sách công nghiệp mới và các chiến lược phát triển công nghiệp và kỹ thuật số khác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhiều quốc gia đã thiết lập “chính sách công nghiệp mới” và các chiến lược phát triển công nghiệp và kỹ thuật số nhằm thúc đẩy nền kinh tế hướng tới các quy trình sản xuất và dịch vụ được hỗ trợ bởi kỹ thuật số, nói chung là hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số thông qua nâng cấp và đổi mới công nghệ. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển đổi mới kỹ thuật số và thương mại điện tử, đồng thời khiến các quốc gia tăng cường các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới và nâng cấp công nghệ.
Báo cáo nêu bật một số công cụ chính sách mới đang được sử dụng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, bao gồm các chính sách nhằm giải quyết quyền truy cập dữ liệu, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chẳng hạn như giảm thuế để tạo điều kiện cho đổi mới kỹ thuật số và các trung tâm công nghệ để tối đa hóa sự lan tỏa và truyền bá kiến thức. Các chính phủ cũng đang tiếp tục sử dụng một số công cụ chính sách thông thường, bao gồm ưu đãi đầu tư và thuế để phát triển công nghệ địa phương, khuyến khích thúc đẩy bằng sáng chế và tạo ra tài sản trí tuệ khác. Theo thông cáo báo chí của WTO, các nước đang phát triển “thể hiện sự quan tâm rõ ràng đến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số”. Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội liên quan đến việc đưa vào chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật số mới, giảm chi phí tiếp cận thị trường quốc tế thông qua internet và số hóa quá trình sản xuất. Những thách thức bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này.
Báo cáo cũng nêu các cách thức mà WTO đã hỗ trợ đổi mới, bao gồm thông qua việc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm hạ tầng viễn thông và internet thông qua Hiệp định về Công nghệ Thông tin (ITA). Thông cáo báo chí của WTO lưu ý rằng WTO đã khuyến khích thương mại điện tử thông qua việc tạm hoãn thuế đối với kỹ thuật số xuyên biên giới, tự do hóa các dịch vụ internet thông qua Hiệp định về Công nghệ thông tin, cung cấp khuôn khổ ổn định để phát triển các tiêu chuẩn mở và toàn cầu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các quy tắc quan trọng khác dựa trên các nguyên tắc không phân biệt đối xử, minh bạch và có đi có lại. Trong tương lai, WTO sẽ tiếp tục đóng vai trò giảm thiểu sự không chắc chắn trên thị trường hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số, các thành viên WTO sẽ cần xem xét các biện pháp cần thiết để tạo điều kiện đầu tư, khuyến khích chia sẻ lợi ích từ đổi mới các chính sách. Báo cáo nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của dữ liệu đầu vào trong quá trình sản xuất và khả năng sử dụng dữ liệu đó dẫn đến nhu cầu về các quy tắc quốc tế mới về truyền dữ liệu, bản địa hóa dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư.[2]
Trong tương lai, WTO có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự không chắc chắn trên thị trường hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi phải cập nhật khuôn khổ WTO để giải quyết những thách thức và yêu cầu mới. Các hiệp định của WTO và các nguyên tắc không phân biệt đối xử, minh bạch, có đi có lại và cấm các biện pháp hạn chế thương mại không cần thiết, kết hợp với không gian chính sách cho phép các chính phủ giải quyết các mối quan tâm xã hội quan trọng, từ lâu đã thúc đẩy tự do hóa và đổi mới.
Báo cáo lưu ý thêm rằng thương mại mở có thể làm cho các chính sách đổi mới hiệu quả hơn trong việc đạt được các mục tiêu đã nêu. Các thành viên sẽ phải xem xét cách thức khuyến khích chia sẻ lợi ích phát sinh từ các chính sách đổi mới, những biện pháp nào sẽ cần thiết để tạo điều kiện đầu tư và liệu các chính phủ có thể mở rộng sự linh hoạt mới để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số trong nước hay không.
Báo cáo cũng lưu ý về tính di động của những người lao động có tay nghề cao, các luồng dữ liệu và mối quan tâm về quyền riêng tư cũng như hành vi chống cạnh tranh trong ngành công nghiệp kỹ thuật số. Do các chính sách của chính phủ có tác động tích cực và tiêu cực đối với các quốc gia khác, nên cần tham gia hợp tác quốc tế. Báo cáo kết luận rằng hợp tác quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của các quốc gia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các chính sách quốc gia, bao gồm bóp méo thương mại, chuyển hướng đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh không lành mạnh. Hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chung về các chính sách này sẽ giúp ngăn chặn căng thẳng thương mại và do đó đặt nền tảng vững chắc hơn cho sự đổi mới, đầu tư và hoạt động xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.[3]
[1] https://www.wto.org/english/res_e/booksp_e/executive_summary_world_trade_report20_e.pdf
[2] https://www.wto.org/english/news_e/news20_e/wtr_23nov20_e.htm
[3] http://sdg.iisd.org/news/wto-world-trade-report-examines-policies-on-digital-innovation/
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)