Việt Nam đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, nhưng đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào Việt Nam do nền kinh tế phụ thuộc vào các ngành sản xuất và du lịch. Dù vậy, nhiều khả năng Việt Nam sẽ có được hưởng lợi từ những cơ hội dài hạn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Trên trang Citywire.co.uk của tập đoàn thông tin và xuất bản tài chính trụ sở tại London (Anh), dù nhà kinh tế trưởng tại VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) Michael Kokalari, vẫn dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề, nhưng ông cho rằng, COVID-19 (giống như cuộc chiến thương mại) rốt cuộc sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ “tác động mạnh hơn tới tâm lý” doanh nghiệp.
Chuyên gia Kok Kokari khẳng định, có cơ sở để tin rằng tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2020 sẽ tồi tệ hơn dự đoán do tác động của dịch bệnh đối với du lịch quốc gia và đối với lĩnh vực sản xuất. Ông chỉ rõ, du lịch và sản xuất lần lượt chiếm khoảng 12% và 20% GDP của Việt Nam, trong khi khoảng 2/5 đầu vào sản xuất của Việt Nam đến từ Trung Quốc, dẫn đến sự gián đoạn.
Nhưng ông Kokari dẫn một báo cáo của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s hồi tháng 2, trong đó dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam rốt cuộc sẽ tăng thêm 2% do sự kết hợp giữa COVID-19 và căng thẳng thương mại.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý khung thời gian cho sự thay đổi này là không rõ ràng và không tính đến nguy cơ Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của Việt Nam.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 4,9% trong năm 2020, giảm 1,6% so với dự đoán trước đó. Báo cáo cũng lưu ý, việc khống chế thành công đại dịch COVID-19 có nghĩa là những tác động tồi tệ nhất đã bị hạn chế. Theo WB, khả năng phục hồi của Việt Nam lớn hơn nhiều so với nước láng giềng Campuchia, dự kiến tăng trưởng giảm từ 7,1% năm 2019 xuống 2,5% trong năm nay.
Tăng trưởng của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trở lại, lên mức 7,5% vào năm 2021. Báo cáo cũng nhấn mạnh lợi ích của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đối với VOF, việc Việt Nam tăng trưởng tiêu thụ nội địa là động lực thực sự cho đầu tư trong nước. Trong báo cáo thường niên gần đây, Giám đốc đầu tư Vina Capital, ông Andy Ho cho biết, điều đặc biệt đáng chú ý là tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng đã tăng từ mức 8% hàng năm lên hơn 9% vào năm 2019.
Ông Andy Ho nhận định: “Ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển khi du khách nội địa thực sự chấp nhận các lựa chọn thuận tiện và chi phí thấp, trong khi du khách quốc tế cuối cùng sẽ quay trở lại, khiến cả du lịch và đầu tư trực tiếp tăng mạnh”.
Thu Hằng