Theo ý kiến của nhiều doanh nhân Bangladesh, Bangladesh cần phải ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Anh nếu muốn tăng cường thương mại song phương và đầu tư của khu vực tư nhân giữa hai nước.
Vương quốc Anh là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Bangladesh với lượng xuất khẩu năm ngoái lên tới gần 3,5 tỷ USD, trong đó các mặt hàng may mặc chiếm hơn 93%. Trong năm tài khóa 2018-19, xuất khẩu của Bangladesh sang Anh đạt 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động thương mại giữa hai nước.
Ngoài việc là một điểm xuất khẩu chính, Vương quốc Anh còn đóng vai trò là trung tâm vận chuyển hàng hóa của Bangladesh đến các khu vực khác của châu Âu. Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cung cấp một khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể cho Bangladesh vì hơn 200 công ty của Anh với 2,5 tỷ USD đầu tư vào nước này.
Chính vì những lý do này và mối quan hệ lịch sử quan trọng giữa hai quốc gia mà Vương quốc Anh là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu của Bangladesh. Hơn 700.000 người Bangladesh hiện đang cư trú, học tập, làm việc, kinh doanh tại Vương quốc Anh. Hơn nữa, một số lượng lớn người Anh gốc Bangladesh tham gia vào các lĩnh vực kinh tế và chính trị quan trọng ở Anh. Vì vậy, quốc đảo này đã trở thành một đối tác thương mại rất quan trọng của Bangladesh. Do dân Bangladesh ở Anh khá lớn nên nhu cầu về các mặt hàng thực phẩm Bangladesh như gạo, trái cây và cá đã tăng lên.
Do đó, đã đến lúc Bangladesh phải ký một FTA với Anh để có thể tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh tiềm năng khi Anh rời khỏi khối thương mại EU vào cuối năm.
Mặc dù chính phủ Anh đã đảm bảo rằng Bangladesh sẽ tiếp tục được hưởng các lợi ích không thuế quan kể cả sau Brexit do thuộc các quốc gia kém phát triển nhất, các doanh nhân Bangladesh muốn hai quốc gia ký một FTA để đảm bảo các lợi ích trong tương lai.
Ahsan Khan Chowdhury, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Pran-RFL cho biết: “Chúng tôi phải đa dạng hóa xuất khẩu của mình sang Anh. Pran đã hoạt động ở Anh và các thị trường nước ngoài khác trong nhiều năm”. Nhu cầu ở Vương quốc Anh đối với các sản phẩm của công ty ông như bánh mì, bánh quy và các mặt hàng thực phẩm sản xuất tại Bangladesh khác đang gia tăng do sự đa dạng về sắc tộc ở đó. Hơn nữa, Bangladesh là nhà cung cấp xe đạp lớn nhất cho Anh, ông nói thêm rằng Pran-RFL xuất khẩu 40.000 chiếc sang Anh mỗi tháng. “Do đó, chúng tôi cần ký một FTA với thị trường quan trọng này”, ông nói tại cuộc hội thảo trực tuyến về ‘Khám phá cơ hội thương mại và FDI với Vương quốc Anh’, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) tổ chức.
Ngoài các sản phẩm may mặc, Bangladesh có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng khác như hàng đay, dược phẩm và giày dép sang Anh, Hossain Khaled, giám đốc điều hành của Anwar Group of Industries cho biết.
Nhập khẩu của Vương quốc Anh lên tới 692 tỷ USD trong tài khóa 2019-20 và do đó, với tư cách là quốc gia xuất khẩu hàng đầu, Bangladesh có thể chiếm thị phần lớn hơn trong thị trường này.
Syed Almas Kabir, chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Thông tin Bangladesh (BASIS) trong năm tài khóa 2019-20, 13% tổng xuất khẩu phần mềm của nước này được dành cho Vương quốc Anh. Vương quốc Anh là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai đối với phần mềm được phát triển tại Bangladesh.
Bangladesh cũng kêu gọi các doanh nhân Anh đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô của Bangladesh. Asif Ibrahim, giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, kêu gọi các nhà đầu tư Anh chuyển doanh nghiệp của họ sang Bangladesh và thành lập thêm các nhà máy dệt sợi nhân tạo. Abul Kasem Khan, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Sáng kiến Kinh doanh cho biết khi Bangladesh được hưởng lợi miễn thuế với Trung Quốc, các nhà đầu tư Anh có thể tận dụng lợi thế bằng cách thiết lập nhà máy của họ ở đây.
Theo quan chức cấp cao Bộ Thương mại, Bangladesh cần phải tìm hiểu liệu việc ký kết một FTA có thực sự quan trọng trong thời điểm này hay không vì nước này đã được hưởng các đặc quyền ưu đãi thuế quan với một số nước đang phát triển và phát triển do Bangladesh được phân loại là nước kém phát triển.
Ông Shams Mahmud, Chủ tịch DCCI, người điều hành cuộc thảo luận, cho biết Vương quốc Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Bangladesh. Ông cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của cả hai nước tiến hành các bước đối thoại cần thiết để ký kết một FTA với trọng tâm là hội nhập kinh tế toàn diện.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)