Bài toán thu hút FDI thời 4.0

0
63
Thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đang trong xu hướng tích cực, nhưng điều mà Việt Nam mong muốn là hướng đến dòng vốn đầu tư có chất lượng của “thời đại” cách mạng công nghiệp 4.0.
.
Sau 3 quý, đà tăng trưởng dương trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã quay trở lại.

Sốt ruột vì d án quy mô còn nhỏ

Một thông tin đáng mừng vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đó là trong 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy mức tăng không cao, chỉ 3,1%, song cũng đã góp phần quan trọng thay đổi “cục diện” thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam những tháng gần đây.

Ba tháng qua, thu hút đầu tư nước ngoài liên tục trong tình trạng “tăng trưởng âm” so với cùng kỳ năm trước. Nay, sau 3 quý, đà tăng trưởng dương mới quay trở lại.

Mặc dù vậy, có thể thấy rất rõ, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trở lại trong 9 tháng đầu năm chủ yếu là do phần đóng góp của các khoản đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, kể từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 10,4 tỷ USD thông qua góp vốn, mua cổ phần, tăng tới 82,3% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này chiếm tới 39,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, dù vốn đầu tư nước ngoài nói chung đăng ký vào Việt Nam tăng, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại vẫn đang giảm. 9 tháng, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt 10,97 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn FDI tăng thêm đạt 4,79 tỷ USD, giảm 13,6%.

Điều đáng quan tâm, theo Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đó là trong khi số dự án đăng ký mới (2.759 dự án) tăng 26,4% so với cùng kỳ, thì vốn đăng ký lại giảm tới 22,3%. “Như vậy là mới chỉ thu hút được dự án nhỏ. Từ đầu năm tới nay, không có dự án FDI đăng ký mới nào có vốn đầu tư trên 300 triệu USD”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã có lần bày tỏ rằng, dù đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nhưng những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam, do Việt Nam chỉ nằm ở “tầm trung” trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới.

“Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn vào Việt Nam cũng tăng lên, nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng”, ông Thành nhận định.

Thu hút FDI thời 4.0

Không chỉ là câu chuyện làm sao đón đầu được sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang căng thẳng, mà “bài toán” quan trọng của Việt Nam hiện nay là nâng chất được dòng vốn FDI trong thời đại 4.0.

Chia sẻ về định hướng chiến lược này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc tới đây, Việt Nam sẽ tập trung thu hút FDI trong các lĩnh vực nghiên cứu – phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo; các dự án đầu tư, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ sử dụng các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cũng như tập trung thu hút đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới; thu hút đầu tư mạo hiểm nước ngoài cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam…

“Chúng ta đã ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, với hy vọng thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng, nhưng không thể tự dưng mà các tập đoàn lớn sẽ đầu tư vào”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đúng là tập đoàn lớn, dòng vốn tốt sẽ không tự dưng mà đến. Bởi thế, thông tin cho biết, Chính phủ đang dự thảo Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị. Theo đó, các vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài được đặc biệt coi trọng.

Cụ thể, ngoài việc xây dựng danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế, xây dựng các tiêu chí về đầu tư, như suất đầu tư, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa… để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn…, Chính phủ cũng sẽ bổ sung quy định về không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

Đồng thời, xây dựng các thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, cũng sẽ có chính sách thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0.

Một khi thể chế, chính sách này thành hiện thực, thì bài toán thu hút FDI thời 4.0 sẽ có lời giải đáp.

Quy mô vốn dự án FDI chưa đến 300 triệu USD

Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, 9 tháng qua, ngoại trừ dự án tăng vốn thêm 410 triệu USD của LG Display – vừa xuất hiện trong tháng 9 – các dự án FDI quy mô lớn được “điểm danh” cũng chỉ có quy mô vốn chưa đến 300 triệu USD. Chẳng hạn, Dự án Chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD; Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD của Goertek (Hồng Kông)…

(Nguyên Đức, Báo Đầu tư)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here