Cùng với cả nước, Bắc Ninh có nhiều chính sách hỗ trợ để bảo vệ môi trường giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện mục tiêu vừa phát triển sản xuất vừa bảo vệ môi trường bền vững.
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 2.400 vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao với quy mô 3 ha/vùng trở lên, 270 vùng chuyên canh rau màu quy mô từ 5 ha trở lên với các sản phẩm chủ lực: Cà rốt, khoai tây, bí xanh, bí đỏ, hành, tỏi, rau xanh các loại, 94 vùng trồng cây ăn quả quy mô 2 ha/vùng trở lên. Tỉnh cũng đã hình thành 86 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 167 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 700 trang trại; trong đó, 45 trang trại quy mô lớn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi, 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Sản xuất thuỷ sản, đặc biệt sản xuất cá lồng trên sông có vai trò quan trọng gia tăng sản lượng thuỷ sản, phương thức chăn nuôi thuỷ sản chuyển từ quảng canh sang thâm canh cao, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp giảm sức lao động, nâng cao năng suất, kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Ngọc Ninh, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, phát triển công nghệ cao Bắc Ninh cho biết, nhờ những chính sách hỗ trợ của tỉnh trong những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã không ngừng phát triển và mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình nuôi gà đẻ trứng của Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia công thuộc Tập đoàn DABACO Việt Nam đã ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà đẻ trứng vào áp dụng cho ăn uống, thu trứng tự động.
Toàn bộ chất thải được tự động đưa ra khu xử lý và được tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Trung bình mỗi năm, nhà máy cung cấp ban thị trường khoảng 30 triệu trứng gà thương phẩm và hàng nghìn tấn phân hữu cơ đã qua xử lý để bón cho cây trồng.
Bên cạnh đó, có một số hộ dân đã áp dụng sản xuất tuần hoàn theo quy mô nông hộ như mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt của ông Nguyễn Văn Long ở xã Lãng Ngâm huyện Gia Bình. Với quy mô từ 60 đến 100 con bò thịt, trang trại bò của gia đình ông Long luôn sạch sẽ, đàn bò phát triển tốt do đã được xử lý bởi mô hình tuần hoàn.
Ông Long chia sẻ: “Với quy mô trang trại hàng trăm con bò, lượng phân thải ra mỗi ngày rất lớn nếu không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Do đó, gia đình đã tận dụng số phân này để xử lý làm phân bón cho vườn bưởi và cam. Bằng cách này, đã tiết kiệm được chi phí mua phân bón cho vườn cây ăn quả”.
Là tỉnh công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh luôn được lãnh đạo tỉnh coi trọng theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và ngành nghề nông thôn trên địa bàn.
Theo đó, nhiều chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao.
Cụ thể, hỗ trợ 50 % chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng như xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị để xây dựng trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư; hỗ trợ một lần 50% giá trị xây dựng công trình bể biogas, làm đệm lót sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi; hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất trong một năm đầu sau khi được cấp chứng nhận cho tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hồng Quang khẳng định, cùng với cả nước, Bắc Ninh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để bảo vệ môi trường giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp. Để cụ thể hóa các chỉ đạo của cấp trên, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động, biện pháp để hưởng ứng thực hiện mục tiêu vừa phát triển sản xuất vừa bảo vệ môi trường bền vững.
Cụ thể, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn kỹ thuật sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất lúa rau màu an toàn mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn sinh học để người dân học tập nhân rộng. Tỉnh cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sản xuất nâng cao ý thức kỹ năng phương pháp canh tác chăn nuôi khoa học hiện đại thân thiện với môi trường.
Khánh Ly