Bắc Kạn kêu gọi đầu tư vào nông, lâm nghiệp và du lịch

0
323
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bắc Kạn.

Ngày 19/11, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bắc Kạn đã diễn ra tại thành phố Bắc Kạn – một tỉnh vùng Đông Bắc có nhiều tiềm năng phát triển về nông lâm nghiệp, du lịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đầu tư để đối tượng hưởng lợi nhiều nhất

Đích thân giới thiệu hàng loạt các lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn trước hàng trăm doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng với trữ lượng quặng lớn như chì, kẽm, sắt. Bên cạnh đó, tỉnh này còn có lợi thế và tiềm năng phát triển trung tâm du lịch với Hồ Ba bể và Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận di sản thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của Bắc Kạn rất lớn với một trung tâm du lịch là Hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới với diện tích 500 ha. Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Bắc Kạn có nhiều hang động kỳ vĩ như Động Puông, động Hua Mạ, động Nàng Tiên, động Thạch Long… các bản làng dân tộc với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, quyến rũ; nhiều sản vật với hương vị đặc biệt của núi rừng Việt Bắc như hồng không hạt, lê, cam, quýt…

Thủ tướng nhấn mạnh, “một tỉnh giàu truyền thống như Bắc Kạn thì cũng phải là một tỉnh giàu ý chí vươn lên trong làm ăn kinh tế”. Là một tỉnh kháng chiến, ngày nay Bắc Kạn còn phải là một tỉnh đổi mới sáng tạo trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là hình mẫu tiên phong về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Nhưng để làm được điều đó, “Tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tỉnh cần tìm được một số doanh nghiệp có năng lực tài chính, có quyết tâm cao để thúc đẩy đầu tư”, Thủ tướng nói.

Về các phương án, chính sách của tỉnh này trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Bắc Kạn cần phải tái thiết chính sách trợ cấp và phân bổ nguồn lực theo hướng khuyến khích cải thiện hiệu quả hay hoạch định nguồn lực dựa trên hiệu quả chứ không chỉ biết quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu.

“Đầu tư phải tính tới làm sao đối tượng hưởng lợi là nhiều nhất. Phải có chính sách không dàn trải, một mặt thu hút doanh nghiệp có tiềm lực nhưng mặt khác không gây tổn hại môi trường, làm tiêu hao tài nguyên và chi phí cơ hội phát triển sau này”, Thủ tướng lưu ý.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng mong “các bạn nói và làm”. “Chúng ta dứt khoát nói không với nhà đầu tư không đóng góp gì cho kinh tế và phúc lợi của người dân địa phương mà chủ yếu nhà đầu tư đó đi khai thác, tàn phá tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trong khi không chia sẻ lợi ích tương xứng với địa phương và cộng đồng dân cư”.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch

Chủ tịch UBND Bắc Kạn Lý Thái Hải cho biết, Bắc Kạn có diện tích khá rộng, gần 5.000 km2. Địa hình bị chia cắt do đồi núi cao nhưng có lợi thế trong phát triển kinh tế rừng. Diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm 86% diện tích tự nhiên. Đất rừng sản xuất chưa có rừng gần 38.000 ha sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện trồng rừng gỗ lớn, rừng có giá trị kinh tế cao.

Về tiềm năng phát triển nông nghiệp, tỉnh có nhiều giống cây bản địa là đặc sản như cam quýt, hồng không hạt, dong riềng. Tiểu khí hậu của vùng Đông Bắc với nhiệt độ bình quân năm 23,3 độ C, lượng mưa bình quân 1.235 mm/năm rất phù hợp để phát triển cây có múi và cây ăn quả, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Khi đường cao tốc Hà Nội – Bắc Kạn được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện để sản phẩm nông nghiệp lưu thông thuận tiện về các chuỗi siêu thị tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, ông Lý Thái Hải cho biết.

Về công nghiệp, tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chế biến gỗ gắn với phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn còn có tiềm năng về công nghiệp khai khoáng. Mặc dù các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh phân tán nhưng có khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất chì kẽm, gang thép, đá xẻ công nghiệp với trữ lượng rất lớn.Về tiềm năng du lịch, Bắc Kạn có quần thể du lịch Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 10.000 ha đã được UNESCO công nhận là Vườn Di sản ASEAN, trong đó Hồ Ba Bể với diện tích khoảng 500ha đã  được xếp hạng là di tích đặc biệt quốc gia, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá lớn nhất thế giới, khu Ramsar thứ 1.938 trên thế giới và khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Hồ Ba Bể đã được Công ty NIKKEN Nhật Bản tư vấn lập quy hoạch du lịch đến năm 2030. Đây chính là điểm nhấn để phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

Theo ông Lý Thái Hải, Bắc Kạn kêu gọi các nhà đầu tư vào một số lĩnh vực và ngành nghề có tiềm năng nêu trên của tỉnh với 33 dự án trọng điểm. Trong đó, tỉnh Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ mức cao nhất cho các nhà đầu tư theo các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ; đồng thời hỗ trợ tích tụ đất đai cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng cây dược liệu, và các chính sách hỗ trợ khác như quảng bá tạo thương hiệu sản phẩm, tiếp cận vốn vay và hỗ trợ lãi suất.

Ngoài ra, “Để thực hiện thành công những dự án trọng điểm đó, tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó trọng tâm là thúc đẩy cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh Bắc Kạn”, ông Lý Thái Hải nói.

Văn Nguyễn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here