Châu Phi là khu vực quan trọng và sự can dự vào khu vực này mang lại cho nền ngoại giao Ấn Độ một viễn cảnh toàn cầu và hướng tới tương lai. Trong bài viết của GS. Rajiv Bhatia phân tích về xu hướng tiếp cận của Ấn Độ đối với châu Phi đăng trên trang thông tin của Hội đồng Ấn Độ về quan hệ toàn cầu (ICGR) mới đây khẳng định rõ điều đó.
Cách tiếp cận mới với Châu Phi
Không giống như năm 2015, khi New Delhi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ – Châu Phi lần thứ ba và năm 2016, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ đi đến nhiều quốc gia Châu Phi để củng cố quan hệ hữu nghị và thúc đẩy liên kết kinh tế, thì trong năm 2017, đã có các xu hướng khác nhau xuất hiện.
Một xu hướng đáng chú ý là sự đóng góp của Ấn Độ vào việc tạo ra cách tiếp cận của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) tới Châu Phi. Ấn Độ đã làm việc tích cực với Đức – Chủ tịch luân phiên G20 năm 2017 bằng sự có mặt của các chuyên gia nghiên cứu về Châu Phi thuộc Bộ ngoại giao Ấn Độ trong các cuộc thảo luận chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20. Kết quả là G20 dường như đã sắp xếp lại các ưu tiên, theo đó xác định tầm quan trọng cao hơn đối với sự phát triển bền vững và các vấn đề kinh tế xã hội khác để cải thiện việc thiết kế chính sách kinh tế toàn cầu.
Như là một phần của sự điều chỉnh này, Đức đã đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác ở cấp độ chính phủ, doanh nghiệp và học giả để tạo ra “thỏa thuận hợp tác với Châu Phi” (CWA). Cách để đạt được mục đích này là giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của Châu Phi, thông qua gia tăng đáng kể cơ sở hạ tầng và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào châu lục đen này.
Sự kết hợp trí tuệ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu (B20) và các nhà lãnh đạo tư tưởng (T20) cho thấy Châu Phi sẽ có một khoản đầu tư nước ngoài lớn hơn khi nó đạt được sự cải thiện đáng kể về điều kiện kinh tế, chất lượng quản lý và môi trường. Vì vậy, có thể thấy rằng Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khái niệm CWA, và ở cấp chính sách, Ấn Độ cùng đồng hành với các đối tác của G20.
Xu hướng thứ hai là việc các công ty Ấn Độ tiếp tục khám phá những cơ hội đầu tư mới và bắt đầu triển khai các dự án ở bất cứ nơi nào họ có lợi thế cạnh tranh. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley gần đây đã tiết lộ rằng vào năm 2015, Ấn Độ đã nổi lên là nhà đầu tư lớn thứ tư ở Châu Phi với 45 dự án xanh, sau Mỹ, Anh và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tỷ trọng của Ấn Độ trong các dự án xanh được công bố đã tăng từ 3,3% trong giai đoạn năm 2003-2008 lên 6,1% trong giai đoạn 2009-2015. Cùng thời gian đó, tỷ trọng của Trung Quốc lại giảm từ 4,9% xuống còn 3,2%.
Mặc dù vậy, điều dễ thấy là Trung Quốc vẫn đang đi trước Ấn Độ và các cường quốc khác về thương mại, đầu tư, phạm vi và giá trị của các dự án được thực hiện ở Châu Phi.
Châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu
Chiến lược của Ấn Độ để chống lại thực tế này là tạo ra một xu hướng thứ ba, bao gồm cả cách tiếp cận hợp tác và cách tiếp cận trực tiếp. Một số nước phát triển – như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Singapore và UAE – đều quan tâm đến việc tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của các công ty Ấn Độ và sự có mặt của cộng đồng kiều bào Ấn Độ ở một số nước Châu Phi.
Ấn Độ tích cực hoan nghênh về khả năng cam kết của các nước này thông qua hỗ trợ vốn, công nghệ và quản lý. Hợp tác ba bên gồm Ấn Độ, các nước Châu Phi và một nước không phải ở Châu Phi mang đến nhiều hứa hẹn.
Chính đánh giá này là động lực cho đề xuất về thiết lập một “Hành lang tăng trưởng Châu Á – Châu Phi” được công bố gần đây, trong đó nổi lên là sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Ý tưởng trên đã đựợc phát triển từ đối thoại giữa hai nước trong 5 năm trước và được thảo luận chi tiết trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11/2016.
Khái niệm này cần phải nhanh chóng vượt qua các phòng hội thảo của các nhóm chuyên gia để đến các cơ quan chính sách của Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Châu Phi trong các lĩnh vực đã được xác định như y tế, dược phẩm, nông nghiệp và chế biến nông sản, quản lý thiên tai và nâng cao kỹ năng. Chỉ có như vậy, nó mới được thực hiện nghiêm túc và giành được những kết quả cụ thể. Một số chuyên gia cho rằng thông qua nỗ lực tập thể, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có thể “cân bằng được ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”.
Kết quả nổi bật từ cách tiếp cận trực tiếp của Ấn Độ đối với Châu Phi trong những tháng gần đây là việc thuyết phục Ngân hàng phát triển Châu Phi (AfDB) tổ chức cuộc họp hàng năm lần đầu tiên tại Gandhinagar của Ấn Độ. Qua đây, Ấn Độ đã tham gia vào nhóm các quốc gia gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Trung Quốc – từng được lựa chọn để tổ chức sự kiện này trong quá khứ – ngay khi AfDB muốn tổ chức ở một nước ngoài Châu Phi. Quyết định trên cho thấy sự tin tưởng của AfDB vào nền kinh tế và mối quan tâm của Ấn Độ trong việc đóng vai trò ngày càng tăng trong liên kết kinh doanh giữa Ấn Độ và Châu Phi.
Chủ tịch ngân hàng AfDB – TS Akinwumi A. Adesina lý giải rằng, người Châu Phi muốn làm việc với Ấn Độ trong lĩnh vực chế biến và gia tăng giá trị để quốc gia của họ không chỉ là nhà xuất khẩu nguyên liệu. Hơn nữa, Châu Phi sẽ có lợi từ việc hợp tác với các công ty của Ấn Độ trong mục tiêu hướng tới mục tiêu tự chủ về lương thực và nông nghiệp.
Một ưu tiên khác của Châu Phi là thúc đẩy sự phát triển của con người – vốn đòi hỏi có sự đầu tư lớn hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo kỹ năng. Viễn cảnh kinh tế Châu Phi 2017 cho thấy “mặc dù đã có một thập kỷ tiến bộ, song 54% dân số ở 46 quốc gia Châu Phi vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo”. Chính phủ đã sử dụng các cuộc họp của AfDB để tạo ra sự tương tác rộng lớn giữa các nhà lãnh đạo kinh doanh, chuyên gia ngân hàng, chuyên gia và quan chức của Ấn Độ và Châu Phi.
Hy vọng rằng những hạt giống được gieo trồng sẽ sớm mang lại kết quả. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã khẳng định rằng “Châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế và ngoại giao của Ấn Độ”.
Chu Văn