Trang tin Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) đăng bài cho rằng việc mô tả mối quan hệ của Australia với Trung Quốc như thế nào là điều khiến nhiều lãnh đạo chính trị quốc gia này đau đầu.
Cựu Thủ tướng Kevin Rudd cho rằng Australia có thể đóng vai trò là “người bạn chân thật” của Trung Quốc, cựu Thủ tướng Tony Abbott thì mô tả mối quan hệ này đặc trưng bởi “sợ hãi và tham lam”, còn cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull châm biếm rằng Trung Quốc là “kẻ thù dưới danh nghĩa bạn bè” của Australia. Những thuật ngữ mà 3 cựu thủ tướng sử dụng biểu trưng cho những khó khăn mà Australia phải đối mặt trong những năm gần đây khi suy nghĩ về cách định hình mối quan hệ nhiều mặt của mình với Trung Quốc.
Việc định hình mối quan hệ của Australia với Trung Quốc dễ dàng hơn nhiều vào những năm 1980 và 1990, một phần vì bản thân Trung Quốc khi đó vận hành theo châm ngôn chiến lược của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) là “giấu mình chờ thời”, nhưng cũng vì cộng đồng chính sách an ninh và kinh tế của Australia thống nhất trong việc xác định lại các lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu theo khía cạnh kinh tế.
Báo cáo Garnaut năm 1989 và Đánh giá chiến lược quốc phòng năm 1993 đều công nhận rõ ràng rằng tương lai của Australia nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phần lớn là vì các cơ hội kinh tế trước tiên đến từ sự trỗi dậy của Nhật Bản và sau đó là Trung Quốc, và vì Australia có thể tận hưởng thành quả từ sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc mà không phải quá lo lắng về những tác động chiến lược từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những rạn nứt bắt đầu xuất hiện vào những năm 2010, khi con đường kinh tế và an ninh phân kỳ. Sự bi quan xuất hiện trong Sách trắng Quốc phòng năm 2009 của Australia với những cảnh báo về xung đột giữa các cường quốc và thay đổi trong trật tự khu vực do sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, trái ngược với sự lạc quan của Sách trắng Australia trong Thế kỷ châu Á năm 2012, trong đó nhấn mạnh rằng tổng thương mại của Australia với Nhật Bản và Trung Quốc chiếm một nửa tổng thương mại của Australia.
Năm 2013, Bộ trưởng Truyền thông Australia khi đó là Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb bất đồng nghiêm trọng với Tổng chưởng lý George Brandis và cộng đồng an ninh quốc gia Australia nói chung về vai trò của công ty viễn thông Trung Quốc Huawei trong mạng băng thông rộng quốc gia của Australia. Sự kiện này báo hiệu nhận thức ngày càng tăng rằng Australia không có khuôn khổ chính sách và thể chế cần thiết để theo đuổi cách tiếp cận tích hợp đối với chính sách quốc phòng, kinh tế và đối ngoại, để đồng thời hiện thực hóa an ninh và thịnh vượng kinh tế.
Tất cả những điều này có vẻ giống như lịch sử xa xưa. Tất nhiên, 10 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi triệt để mối quan hệ giữa kinh tế và an ninh tại Australia để đáp lại thách thức được cho là từ Trung Quốc và thay đổi lớn trong cách Mỹ định hình lại cách nhìn của mình đối với các thách thức kinh tế và an ninh quốc gia do Trung Quốc đặt ra. Tại Australia, người ta chứng kiến việc an ninh hóa rộng rãi các vấn đề kinh tế và sự gia tăng các sắp đặt thể chế được thiết kế để đối phó với việc đe dọa sử dụng có tính cưỡng bức các công cụ kinh tế: cách mà viện trợ nước ngoài, thương mại và đầu tư có thể bị Trung Quốc “vũ khí hóa” khi nước này tìm cách tăng cường sức mạnh và an ninh quốc gia của chính mình.
Do dồn tất cả mọi sự chú ý vào các lệnh trừng phạt kinh tế, chính sách ngoại giao và “địa kinh tế” trong thập kỷ qua, Australia bỏ qua thực tế rằng ở châu Á, các quốc gia từ lâu đã đưa ra những lựa chọn có tính toán để hợp tác kinh tế với các đối thủ của mình. Ở Trung Quốc, Nhật Bản và khắp Đông Nam Á, an ninh được hiểu theo nghĩa toàn diện hơn nhiều trong nhiều thập kỷ, và trong một số trường hợp là hơn 1 thế kỷ.
Thay vì tranh luận không ngừng về việc nên ủng hộ thịnh vượng kinh tế hay an ninh quốc gia, như thể đó là lựa chọn đối kháng, các nước láng giềng của Australia trong khu vực từ lâu đã coi các vấn đề kinh tế gắn bó sâu sắc và là nền tảng cho an ninh quốc gia. Mặc dù điều này có vẻ như là một tuyên bố khá đơn giản, nhưng nó dẫn đến việc các nước láng giềng của Australia đưa ra những lựa chọn chính sách mà dường như rất đáng ngạc nhiên trong bối cảnh của Australia.
Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Đây là quốc gia hiểu được nền tảng kinh tế sâu sắc của an ninh quốc gia kể từ khi đối mặt với cuộc khủng hoảng xâm lược của đế quốc phương Tây ở Đông Á vào giữa thế kỷ XIX. Cuộc khủng hoảng đó ban đầu khiến Nhật Bản theo đuổi chiến lược quốc gia lớn về hiện đại hóa kinh tế và quân sự do nhà nước lãnh đạo – một hình thức lập kế hoạch kinh tế phát xít – với hậu quả thảm khốc cho các nước láng giềng Đông Á. Thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai không chấm dứt sự hiểu biết của Nhật Bản về mối quan hệ quan trọng giữa an ninh quốc gia và an toàn nguồn cung nguyên liệu thô, phát triển công nghệ và công nghiệp tiên tiến trong nước và thị trường xuất khẩu được đảm bảo.
Thay vào đó, việc Nhật Bản tiếp tục nhận thức về tính cấp thiết an ninh của các vấn đề kinh tế khiến nước này theo đuổi chiến lược “an ninh toàn diện” và tăng cường mở cửa kinh tế, cũng như các hình thức đa phương khu vực và toàn cầu như cách để bảo vệ nguồn lực kinh tế và sự thịnh vượng của Nhật Bản trong thế giới bất ổn và đầy thách thức.
Chính nhận thức rằng Nhật Bản chỉ có thể an toàn trong một thế giới kinh tế cởi mở đã khiến Nhật Bản đi đầu trong các sáng kiến khu vực có thể lôi kéo cả Trung Quốc và Mỹ, và duy trì mở cửa kinh tế với Trung Quốc, ngay cả khi nước này đi đầu thế giới trong việc tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình để tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ của Nhật Bản khỏi bị Trung Quốc làm cho suy yếu.
Trên khắp Đông Nam Á, Australia cũng chứng kiến một loạt quốc gia đang cân nhắc và lựa chọn cẩn thận về cách giải quyết bài toán kinh tế-an ninh. Như Cheng-Chwee Kuik chỉ ra gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các hạn chế của Mỹ đối với công nghệ viễn thông của Trung Quốc đã buộc các quốc gia Đông Nam Á phải suy nghĩ cẩn thận về cách đi giữa 2 cường quốc này. Mặc dù có sự khác biệt trong cách tiếp cận, nhưng điểm chung là không có quốc gia Đông Nam Á nào hoàn toàn chấp nhận lời kêu gọi của Mỹ về “mạng lưới sạch” hoặc Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc.
Thay vào đó, các quốc gia như Singapore và Việt Nam, những quốc gia cảnh giác nhất với các rủi ro an ninh do Trung Quốc gây ra, vẫn đang thận trọng việc đa dạng hóa quan hệ đối tác để duy trì an ninh của mình và để đảm bảo rằng mình không phụ thuộc quá mức vào một cường quốc kinh tế duy nhất (và do đó là gót chân Achilles). Các quốc gia này tránh chọn Huawei cho mạng 5G chính của mình, nhưng vẫn cho phép Huawei và ZTE trong các mạng nhỏ hơn và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực chức năng khác của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Và cuối cùng, trong hơn một thế kỷ, Trung Quốc chủ ý chọn hợp tác kinh tế với Nhật Bản – đối thủ lớn – chính xác là vì, chứ không phải bất chấp, mối đe dọa an ninh do Nhật Bản gây ra. Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, hợp tác kinh tế với Nhật Bản được thúc đẩy bởi sự thừa nhận rằng Trung Quốc không thể hiện thực hóa sự phát triển công nghiệp và công nghệ của mình nếu không hợp tác và học hỏi từ đối thủ tiềm tàng Nhật Bản. Và đối với Trung Quốc, hợp tác kinh tế với Nhật Bản cung cấp con đường quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế Trung Quốc khỏi nguy cơ phụ thuộc quá mức trước tiên vào Liên Xô và sau đó là Mỹ.
Quyết tâm tránh phụ thuộc quá mức vào bất kỳ một đối tác kinh tế nào tiếp tục định hình thực tiễn “tự cường” của Chính quyền Tập Cận Bình. Chính quyền Tập Cận Bình thừa nhận sự cần thiết sống còn – vì lý do an ninh quốc gia – là Trung Quốc phải tăng cường hợp tác kinh tế với các khu vực rộng lớn trên toàn cầu.
Trên khắp Đông Á, nhận thức về sự bất an đã khiến các quốc gia Đông Á lựa chọn có chọn lọc và có chiến lược để thiết lập quan hệ kinh tế với các đối thủ của mình. Các quốc gia này làm như vậy không phải vì ngây thơ trước những rủi ro hay bị “mua chuộc”, hoặc vì niềm tin nào đó vào con đường tự do hướng tới hòa bình, mà đúng hơn là vì những tính toán chiến lược đầy lý trí về cách tốt nhất để đạt được sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của mình trong một thế giới bất ổn và thường bị cưỡng ép.
Đối với Australia, quốc gia dễ bị ảnh hưởng trước ngoại thương hơn so với Mỹ, lựa chọn của các nước láng giềng Đông Á cung cấp bài học quan trọng về cách các quốc gia quản lý những đánh đổi tất yếu do việc tăng cường quan hệ kinh tế với đối thủ thực sự hoặc đối thủ tiềm tàng gây ra. Có một số thực tế và sự công nhận trong khu vực rằng những đánh đổi này là không thể tránh khỏi, nhưng thay vào đó phải được quản lý; có sự công nhận rằng tất cả các quốc gia đều phải đưa ra lựa chọn, được định hình bởi bối cảnh, lịch sử, bản sắc và hồ sơ kinh tế của riêng họ, về mức độ hội nhập kinh tế nước ngoài cần thiết để đạt được an ninh quốc gia và quyền tự chủ trên thế giới.
Tuy nhiên, Australia vẫn không chú ý nhiều đến cách các nước láng giềng châu Á giải quyết những thách thức về chính sách như thách thức này và nhiều thách thức khác, và chú ý quá nhiều đến các chiến lược lớn và chính sách kinh tế của Mỹ, Anh và thậm chí là châu Âu.
Dưới thời Chính quyền ông Albanese, đã có sự điều chỉnh rất đáng hoan nghênh trong các thiết lập chính sách của Australia và sự công nhận về tầm quan trọng của việc can dự và hiểu biết sâu hơn về các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc. Nhưng sự điều chỉnh này vẫn còn ở giai đoạn đầu và do đó rất mong manh. Việc ông Donald Trump đắc cử làm cho sự điều chỉnh này càng trở nên mong manh hơn bởi vì tất cả chính sách, truyền thông và học giả bị cuốn vào việc theo dõi, dự đoán và cố gắng quản lý sự bất ổn trong nhiệm kỳ hai của ông Trump.
Sự điều chỉnh trong các thiết lập chính sách của Australia cũng rất mong manh vì diễn ra sau một giai đoạn đặc biệt khó khăn để xây dựng sự hiểu biết và tinh thông về khu vực, đặc biệt là về Trung Quốc. Chúng ta đã trải nghiệm tác động đáng sợ mà việc an ninh hóa mối quan hệ của Australia với Trung Quốc gây ra cho khả năng hiểu Trung Quốc và duy trì kiến thức chuyên môn rất cần thiết để làm cơ sở cho các chính sách của Australia.
Trần Quyên