ASEAN+3 hợp tác đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại

0
97

Sáng 4/8, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (ASEAN +3) đã nhóm họp tại Singapore, thảo luận về sự cần thiết cùng hợp tác đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu.

Đây là sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Singapore, nước chủ tịch ASEAN năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng với xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng hiện nay, hợp tác ASEAN +3 đã có những thay đổi thể hiện mong muốn và quyết tâm của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do thương mại.

Ông Vương Nghị cho biết: “Với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, hợp tác ASEAN +3 đã biến đổi và thể hiện rõ nguyện vọng và quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy thương mại tự do và duy trì chủ nghĩa đa phương.”

Ông khẳng định cần thúc đẩy ASEAN +3 thành “kênh chính để xây dựng Tổ chức Kinh tế Đông Á (EAEC) và nền kinh tế thế giới mở” đồng thời nhấn mạnh “đây là trách nhiệm chung và điều mà cộng đồng quốc tế hy vọng ở chúng ta.”

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết khả năng phối hợp cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung, đặc biệt là ứng phó với khủng hoảng, có vai trò “đặc biệt quan trọng.”

Bà cảnh báo sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chống toàn cầu hóa ở các nước lớn đang làm leo thang căng thẳng và đe dọa khát vọng của chúng ta về một sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết: “Nhật Bản mong muốn sớm hoàn tất cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tạo ra các quy tắc kinh tế toàn diện, cân bằng và chất lượng cao.”

Trước đó, các bộ trưởng ASEAN đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, có thể gây tổn hại tới các nước khác.

Căng thẳng thương mại giữa hai nước nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, mà giới chuyên gia phân tích cảnh báo có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đầu tháng 7, Mỹ đã áp thuế 25% đối với một lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc và có kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa bổ sung khác trị giá 16 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với tổng giá trị lên tới hơn 500 tỷ USD.

Cũng tại hội nghị, các nước đã đạt nhất trí cao về sự cần thiết sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo đúng thời hạn đề ra và ASEAN+3 tiếp tục đóng góp vào việc duy trì đà liên kết kinh tế và mở cửa ở khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 đã trao đổi và tích cực ghi nhận kết quả triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 và việc thực hiện các khuyến nghị trong Báo cáo của Nhóm Tầm nhìn Đông Á II thời gian qua. Các nước cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực thuộc quan tâm và ưu tiên chung, như chống khủng bố và bạo lực cực đoan, hợp tác biển, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, ổn định tài chính vĩ mô, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, y tế, biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, an ninh lương thực, trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân…

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN+3 như công cụ hướng đến mục tiêu lâu dài xây dựng cộng đồng ở Đông Á. Các bộ trưởng khẳng định sau 20 năm hình thành và phát triển, đây là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của cấu trúc hợp tác khu vực.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 đã thống nhất về dự kiến chương trình hoạt động, chương trình nghị sự và dự thảo văn kiện sẽ báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 vào tháng 11 tới.

Theo TTXVN