ASEAN thúc đẩy thương mại điện tử nội khối

0
325
Đã đến lúc cần “mạnh tay” với các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Theo thống kê của Wearesocial (một công ty có trụ sở ở Anh Quốc, chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan), dân số của ASEAN tính tới tháng 7/2019 là khoảng 662 triệu người, với 416 triệu người dùng internet, chiếm 63% dân số và 853 triệu thuê bao di động, chiếm 129% dân số.

Trong khi đó, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, nếu như năm 2015, quy mô thị trường thương mại điện tử của ASEAN chỉ khoảng 6 tỷ USD thì đến năm 2018 tăng lên 13 tỷ USD, đạt 22 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến tăng lên mức 88 tỷ USD vào năm 2025.

Các số liệu thống kê trên cho thấy ASEAN là khu vực có dân số lớn thứ 3 thế giới, số lượng người dùng internet lớn, cơ sở hạ tầng công nghệ tăng trưởng nhanh, thu nhập tăng… khiến ASEAN là thị trường thương mại điện tử lớn với nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN, đặc biệt là trong việc nâng cao niềm tin trong thương mại điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của niềm tin trong thương mại điện tử, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã thông qua chương trình hành động ASEAN về thương mại điện tử (AWPEC) 2017-2025, nhằm mục đích thuận lợi hóa thương mại điện tử trong ASEAN.

Chương trình này bao gồm những sáng kiến về nhiều khía cạnh trong các lĩnh vực của thương mại điện tử, đặc biệt là về các sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến niềm tin đối với giao dịch trực tuyến. Một trong những ưu tiên của Ủy ban điều phối là xây dựng Bộ quy tắc hướng dẫn về trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển các nền tảng thương mại điện tử, mở ra các cơ hội cho thương mại điện tử xuyên biên giới và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong khu vực.

Trong khuôn khổ Năm ASEAN 2020 do Việt Nam là nước chủ nhà, Hội nghị Ủy ban điều phối Thương mại điện tử ASEAN lần thứ 16 đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm tập trung thảo luận và đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong ASEAN. Các hoạt động ưu tiên của Ủy ban điều phối Thương mại điện tử trong năm 2020 bao gồm:
Xây dựng Chỉ số hội nhập số trong ASEAN; Thực thi Hiệp định thương mại điện tử. Đây là Hiệp định đầu tiên trong lĩnh vực thương mại điện tử được ký kết bởi các nước ASEAN vào tháng 11/2018 nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng môi trường đáng tin cậy trong sử dụng thương mại điện tử; giảm các rào cản; thúc đẩy hợp tác sâu hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển và ủng hộ phát triển kinh tế khu vực; Chương trình làm việc về thương mại điện tử giai đoạn 2020 đến 2025: các thành viên ASEAN sẽ trao đổi các sáng kiến để triển khai thương mại điện tử trong giai đoạn 2020 đến 2025. Đây là những nội dung trọng tâm mà Ủy ban điều phối tập trung xây dựng trong Chương trình nghị sự năm 2020 do Việt Nam chủ trì.

Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng đang có sự thay đổi đáng kể. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang phương thức mua hàng trực tuyến thay vì mua hàng theo cách truyền thống như trước đây. Việt Nam là một trong những nước có sự dịch chuyển sang phương thức mua hàng trực tuyến rất cao. Trong hợp tác ASEAN, thương mại điện tử ASEAN dự kiến sẽ tăng gấp ba lần từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD vào năm 2025.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN, một mặt nhằm mở ra cơ hội để các doanh nghiệp thương mại điện tử trong khu vực ASEAN mở rộng thị trường trong khu vực, mặt khác cũng giúp tăng cường nhận thức cũng như trải nghiệm của người tiêu dùng trong khu vực ASEAN về thương mại điện tử xuyên biên giới dựa trên nền tảng của các mô hình sẵn có từ các doanh nghiệp. Sáng kiến này của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của các nước, thể hiện qua việc chính thức triển khai Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN vào ngày 8/8/2020.

Chương trình mua sắm trực tuyến ASEAN được xây dựng nhằm thúc đẩy và khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp tích cực tương tác và thực hiện các giao dịch thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử uy tín trong khu vực. Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại trong khu vực, góp phần tăng giá trị thương mại điện tử lên 300 tỷ USD vào năm 2025 như dự kiến. Cùng với đó, đây là dịp tăng cường hội nhập số và xây dựng niềm tin, uy tín cho doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là với doanh nghiệp vừa và nhỏ đang nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19. Đặc biệt, chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN” cũng là một trong những hoạt động tích cực góp phần thực thi Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử.
Ngày 16/7 vừa qua, Ủy ban điều phối ASEAN về thương mại điện tử (ACCEC) đã chính thức ra mắt trang web dành riêng cho Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (www.asean.onlinesaleday.com). Dự kiến sẽ có khoảng hơn 100 doanh nghiệp thương mại điện tử của 10 nước trong khu vực ASEAN tham gia. Các doanh nghiệp này sẽ cung cấp một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ với mức giá khuyến mại hoặc chiết khấu trong ngày duy nhất 8/8.

Tùng Lâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here