ASEAN: “Điểm trũng” hút vốn đầu tư toàn cầu

0
96
ASEAN: "Điểm trũng" hút vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung đang gây ra “cơn bão” mạnh, thì khu vực Đông Nam Á vẫn có hy vọng “vượt bão” nếu họ có những bước đi phù hợp.

ASEAN: “Điểm trũng” hút vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo The Straits Times, nhiều chuyên gia đã dự liệu về một “cuộc chiến tranh” Mỹ-Trung. Nguyên nhân ngoài các vấn đề về thương mại còn có một loạt những bất đồng xung quanh các vấn đề liên quan đến công nghệ, sự cạnh tranh không công bằng, nền dân chủ cũng như trật tự khu vực và toàn cầu.

Cuộc chiến này không chỉ làm ảnh hưởng đến Mỹ và Trung Quốc mà còn có tác động đến toàn thế giới, trong đó có các nước ASEAN.

Sở hữu nhiều đặc điểm “hút” vốn đầu tư

Trong khi những khó khăn về thương mại toàn cầu sẽ tác động đến tất cả các nước trên thế giới, nhiều nhà phân tích dự đoán một số nước có thể được lợi.

Những mức thuế cao hơn và các biện pháp trừng phạt khác đang được áp đặt đối với Trung Quốc, khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách rút khỏi nước này, hay ít nhất là đặt cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng mới song song với những cơ sở đã được đặt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để đề phòng trường hợp chi phí và những hạn chế khác gia tăng.

Và nhiều nhà đầu tư đã đặt cơ sở sản xuất thay thế ở các nước ASEAN khi các báo cáo chỉ rõ rằng các dòng thương mại và đầu tư đang chảy vào Thái Lan, Malaysia và có lẽ ở mức độ ít hơn là Myanmar.

Trong một số trường hợp, những thay đổi này nhằm kiếm soát yếu tố rủi ro Trung Quốc nếu các biện pháp trả đũa lẫn nhau với Mỹ leo thang. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, giữa bối cảnh bản thân những điểm đến ASEAN này cũng đã có sức hấp dẫn riêng.

Lực lượng lao động dồi dào và chi phí lao động rẻ hơn là những lợi thế cạnh tranh của một số nước ASEAN. Thái Lan và một số khu vực của Malaysia, đặc biệt là xung quanh Penang, có được kinh nghiệm và kỹ năng trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Ở mức độ đáng chú ý, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các nước ASEAN thậm chí đã bắt đầu diễn ra trước khi căng thẳng Mỹ-Trung xảy ra.

Đối với nhiều công ty Nhật Bản, đầu tư của họ vào các nước ASEAN đã tăng mạnh khi Nhật Bản xảy ra căng thẳng với Trung Quốc sau các cuộc biểu tình của người dân và Trung Quốc đe dọa ngừng cung đất hiếm cho Nhật Bản hồi năm 2010. Các công ty Nhật Bản cho biết đầu tư hàng năm của họ vào ASEAN đã vượt mức đầu tư vào Trung Quốc kể từ năm 2013.

Trong khi đó, các nhà chức trách ở Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã làm phần việc của mình là điều chỉnh chính sách của chính phủ nhằm làm sâu sắc sự can dự và đầu tư xuống phía Nam. Ngoài ra, chiến lược của ASEAN nhằm hướng đến hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Những hạn chế và biện pháp đối phó

Tuy nhiên, cũng có những ví dụ cho thấy xu hướng dòng vốn dịch chuyển sang các nước ASEAN bị hạn chế bởi điều kiện ở bản thân mỗi nước. Lấy Indonesia làm ví dụ, cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng Tư, vốn gây ra những tranh cãi ban đầu về kết quả, là một lý do khiến các nhà đầu tư tiềm năng vẫn đứng ở bên ngoài.

Giờ đây, khi ông Joko Widodo đảm bảo được nhiệm kỳ thứ hai làm Tổng thống, rào cản đó đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chờ xem liệu Chính quyền của ông có thúc đẩy cải cách và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế hay không.

Trong một số lĩnh vực, Indonesia cũng có một số hạn chế trong việc cung cấp nguồn lao động đủ về số lượng và chất lượng. Hai đến ba năm tới là thời điểm then chốt để các nhà đầu tư xét xem liệu Indonesia có thể đáp ứng và duy trì lợi ích của các nhà đầu tư quốc tế hay không.

Ngoài Indonesia, Singapore cũng phải đối mặt với những hạn chế trong việc đối phó với tình hình mới của tranh chấp Mỹ-Trung. Là một nền kinh tế mở cửa phát triển thịnh vượng về thương mại tự do, Singapore chịu tác động sớm và mạnh mẽ hơn các nước khác trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, các dịch vụ hỗ trợ, trong đó có tài chính, đã góp phần duy trì sự hấp dẫn của Singapore. Những dịch vụ này cũng sẽ là yếu tố giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng và tính kết nối của “đảo quốc sư tử”.

Kế hoạch tổng thể và đặc biệt là các nỗ lực nhằm xây dựng các trung tâm hàng không và cảng biển, cho thấy ý định của Chính phủ Singapore khi tiếp tục đầu tư mạnh vào tương lai của quốc gia này.

Cùng với đó, những thỏa thuận mới được ký kết trong năm nay giữa Singapore và Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng được kỳ vọng sẽ đem lại bệ phóng cho việc kết nối Đông Nam Á.

Căng thẳng giữa các nước lớn sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng tin tức tốt đẹp là các nước ASEAN có thể có hy vọng trong cơn bĩ cực này. Mặc dù vậy, nếu căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài, các nước ASEAN sẽ cần phải tăng cường biến đổi chính sách hơn nữa.

Các nước trong khu vực cần có sự ổn định chính trị để các chính phủ thúc đẩy cải cách kinh tế. Nhiều nước ASEAN đang tìm cách cải thiện tăng trưởng kinh tế, đi đôi với các nỗ lực nhằm tiến tới hội nhập kinh tế như Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) rộng lớn hơn. Trong bối cảnh như vậy, ASEAN đặc biệt cần mở cửa hơn nữa khi làm việc với các đối tác quốc tế.

Trong khi có những rủi ro, cũng có những lý do hợp lý để các nước ASEAN tiếp tục làm sâu sắc cam kết hướng ngoại để đem lại lợi ích cho khu vực và cho bản thân nền kinh tế của mỗi nước./.

(TTXVN tại Singapore) 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here