Tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tháng 10/2024, các chuyên gia IMF đã chia sẻ các chiến lược để nền kinh tế ASEAN đối phó với căng thẳng thương mại và sự phân mảnh kinh tế toàn cầu. Các nước ASEAN đã được hưởng lợi từ thương mại và hội nhập quốc tế như những động lực tăng trưởng quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các nước ASEAN có thể chịu tác động tiêu cực từ sự phân mảnh thương mại toàn cầu khiến tăng trưởng toàn cầu giảm sút.
Theo IMF, để thích ứng với bối cảnh mới, các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Một giải pháp là đẩy mạnh hội nhập khu vực và giảm rào cản thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, vốn còn nhiều hạn chế so với thương mại hàng hóa. Cải cách cơ cấu có ý nghĩa quan trọng nhằm chuẩn bị nền kinh tế trước thay đổi trong cấu trúc thương mại theo hướng gia tăng vai trò của dịch vụ.
Trong dài hạn, IMF khuyến nghị các nước ASEAN đầu tư vào giáo dục và nâng cao kỹ năng lao động, giúp người lao động thích nghi và tận dụng tốt hơn cơ hội từ sự chuyển dịch các ngành công nghiệp. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ m thông qua chế độ tỷ giá linh hoạt sẽ phát huy hiệu quả giúp kinh tế ASEAN giảm tác động từ các cú sốc bên ngoài.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)