Tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường, nhiều nhất là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Hàng hóa bị điều tra gồm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra – ba sa, máy xịt rửa áp lực cao…, hay các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như: đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong…
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), phòng vệ thương mại là biện pháp rất phổ biến được các nền kinh tế, các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thường xuyên áp dụng trong trao đổi thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, tùy từng sản phẩm, ngành hàng, hay thị trường xuất khẩu mà khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là khác nhau.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
“Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm khoảng 9,5% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2022) và công ăn việc làm của hàng triệu người lao động trong các lĩnh vực sản xuất trong nước. Đặc biệt trong các lĩnh vực ngành hàng nhạy cảm như nông nghiệp, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời với sản phẩm đường đã góp phần bảo vệ lợi ích của hàng trăm nghìn hộ nông dân trồng mía trên khắp cả nước”, Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế; các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng của hàng nhập khẩu, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Ông Trung nêu rõ: “Việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần bảo vệ, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước”.
Thời gian tới, với quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh thực thi các cam kết của các FTA, ông Chu Thắng Trung cho biết, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục thực hiện cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu một cách công bằng, công khai, minh bạch.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh: “Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, không chỉ với ngành sản xuất trong nước mà cả với những bên liên quan bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách công bằng theo đúng quy định của pháp luật và cam kết quốc tế”.
Khánh Ly