Hôm 26/6, cuộc họp thường niên lần thứ ba của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) đã bế mạc với lời kêu gọi của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng nguồn vốn cho vay lên gấp 10 lần trong vòng 2 năm tới. Ông Modi cho biết với nguồn vốn cam kết là 100 tỷ USD và nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng của các nước thành viên, AIIB cần tăng nguồn vốn cho vay từ 4 tỷ lên 40 tỷ USD vào năm 2020; tới năm 2025, nguồn vốn cho vay cần tăng lên 100 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Modi nhấn mạnh, điều này cũng đòi hỏi quá trình xét duyệt đơn giản và nhanh chóng, đồng thời các dự án và đề xuất phải có chất lượng cao. Kể từ khi AIIB được thành lập từ tháng 1/2016, AIIB đã thông qua 26 dự án ở một loạt các nước, trong đó có Bangladesh (3 dự án), Ấn Độ (7) và Pakistan (2) với tổng vốn cam kết hỗ trợ là trên 4 tỷ USD. Ông Modi cho rằng đây là khởi đầu tốt đẹp; đồng thời tái khẳng định cam kết của Ấn Độ và AIIB nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững hơn. Ấn Độ là nước đóng góp tài chính cho AIIB lớn thứ hai sau Trung Quốc; vốn đóng góp của Ấn Độ chiếm 8,72% cổ phần tại AIIB.
Thủ tướng Modi cho rằng AIIB có vai trò quan trọng đối với khu vực Châu Á. Các quốc gia đang phát triển tại Châu Á hiện đóng góp 60% vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu; 2/3 các hoạt động thương mại toàn cầu diễn ra tại Châu Á. Tuy nhiên, 11% trong tổng số người dân Châu Á vẫn sống trong cảnh nghèo. Đây là khu vực hiện vẫn phải đối mặt với khoảng cách lớn về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và cơ hội việc làm. Trong khi đó, những lĩnh vực như năng lượng, điện, giao thông, viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp, cung cấp nước và vệ sinh, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị và hạ tầng kho bãi cần vốn đầu tư trong dài hạn. Do vậy, theo Thủ tướng Modi tỷ lệ lãi suất của những khoản vốn vay này cần hợp lý và bền vững. Chia sẻ nhận định trên, ông Jin Liqun, Chủ tịch AIIB cho rằng mở cửa kinh tế và đầu tư về cơ sở hạ tầng cần tiếp tục triển khai nhằm đảm bảo tương lai phát triển của Châu Á. Từ nay đến năm 2030, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Châu Á cần tăng lên 2 nghìn tỷ USD mỗi năm. Đây là thách thức rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, chỉ dựa vào nguồn tài chính là chưa đủ, mà cần dựa vào sự sáng tạo và hợp tác. Ông Jin đề xuất việc kết nối các dự án đầu tư của AIIB với sáng kiến “Vành đai và con đường” nhằm giải quyết thách thức trên.
Cuộc họp thường niên năm nay của AIIB cũng chứng kiến sự ra đời của Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIF). AIF được thành lập nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà tài trợ, bao gồm cả các công ty và chính phủ, qua đó tạo ra các cơ hội phát triển.
(ĐSQVN tại Bangladesh)