Ấn Độ – Thị trường tiềm năng cho hàng Việt

0
595
Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho hàng Việt. (Nguồn: Getty Images)

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong mối quan hệ song phương, với sự tăng trưởng bền vững suốt 26 năm qua.

Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho hàng Việt. (Nguồn: Getty Images)

Điểm sáng hợp tác thương mại

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt gần 8,67 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 5,37 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 1,15 tỷ USD, tăng mạnh 102%, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch 945 triệu USD, chiếm 17,5% tỷ trọng. Tiếp theo là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với kim ngạch đạt 507 triệu USD, chiếm 9,4% tỷ trọng.

Đáng chú ý, một số nhóm ngành xuất khẩu khác của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 cũng có mức tăng trưởng rất mạnh, điển hình như: hạt tiêu tăng 87,5% (đạt 38,5 triệu USD), sản phẩm từ chất dẻo tăng 75%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 65,7%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 57,2%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 56,6%, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 55,3%, cao su tăng 42,9%, sản phẩm gốm sứ tăng 27%, hạt điều tăng 25,5%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 16,6%.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ trong giai đoạn này chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng 1,55% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 2,06 tỷ USD với Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2024, tăng mạnh 101,8% so với cùng kỳ năm trước.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong mối quan hệ song phương, với sự tăng trưởng bền vững suốt 26 năm qua. Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia đã đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2022 từ mức chỉ khoảng 200 triệu USD vào năm 2000, đưa Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại chính của Việt Nam.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm bốn quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại chặt chẽ nhất với Ấn Độ. Tại Nam Á, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này.

Cơ cấu hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ được xem là có sự cân bằng và bổ sung lẫn nhau. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu và thành phẩm thiết yếu cho Việt Nam, bao gồm sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam tập trung xuất khẩu các sản phẩm như máy tính cá nhân, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu… sang thị trường Ấn Độ.

Trước đó, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đã đạt 14,36 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022, chiếm hơn 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, hai bên sẽ triển khai tích cực các thoả thuận ký kết, phấn đấu thương mại 2 chiều đến năm 2030 tăng gấp đôi so với hiện tại, đạt xấp xỉ 30 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu tiềm năng

Tại hội thảo “Kinh doanh tại Ấn Độ – Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho hàng Việt.

Cụ thể, các chuyên gia đánh giá, với mức chi tiêu dự kiến sẽ tăng từ 1.500 tỷ USD hiện nay lên mức 6.000 tỷ USD vào năm 2030, Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn trên toàn cầu.

Ngoài ra, Ấn Độ hiện cũng là nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ lớn thứ ba trên toàn cầu, với hơn 38.000 công ty khởi nghiệp, hơn 5.500 nhà đầu tư và hơn 100 kỳ lân, trong đó gần một nửa được sinh ra vào năm 2021.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh sức mua trên thị trường toàn cầu giảm sút thì quy mô dân số 1,4 tỷ dân của Ấn Độ với dân số trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm hơn 60% là thị trường hấp dẫn mà các doanh nghiệp Việt có nhiều tiềm năng xuất khẩu hàng hóa.

Theo ông Chia Zhi Wei, Giám đốc Growth Impact Group (GIG), với kinh nghiệm 5 năm làm việc tại cơ quan xúc tiến thương mại và công nghiệp ở Singapore và 2 năm làm việc tại Nam Ấn, ông cho rằng sự phát triển của các mặt hàng tiêu dùng nhanh còn được hỗ trợ bởi sự kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng, đã thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua các cổng thương mại điện tử tại Ấn Độ. Đồng thời, hiện Ấn Độ sẵn sàng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai thế giới vào năm 2034.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp những nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), nhận định, quốc gia Nam Á này là thị trường lớn mà nhiều doanh nghiệp Việt có thể chỉ cần có 1 – 2 hợp đồng với Ấn Độ thì có thể xuất được số lượng hàng rất lớn.

Dù vậy, để chinh phục thị trường Ấn Độ, bà Thu Hiền lưu ý doanh nghiệp cần chú trọng chuẩn mực giao tiếp khi kinh doanh, trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc được ưa thích. Trong giao thương, “mặc cả” cũng là một phần không thể thiếu trong văn hóa Ấn Độ, cùng với thủ tục và nghi thức kinh doanh.

“Người Ấn Độ đánh giá cao tầm quan trọng của mạng lưới kinh doanh và mối quan hệ. Do đó để thành công trong kinh doanh, doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin và mối quan hệ tích cực lâu dài với các đối tác. Song song đó, mối quan hệ cá nhân, sự giới thiệu của bên thứ ba có thể đóng một vai trò quan trọng vì người Ấn Độ thích làm việc với những người mà họ biết và tin tưởng”,  bà Thu Hiền nhấn mạnh.

An Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here