Ngày 5/3, Mỹ đã quyết định xóa bỏ các ưu đãi thuế nhập khẩu trong phạm vi thuế suất từ 1% đến 6%, theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là chương trình dành cho hàng hóa nhập khẩu chính sách ưu đãi miễn thuế đơn phương đối với một số sản phẩm từ một số nước đang phát triển. Hiện có khoảng 120 quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Ấn Độ, Brazil, Afghanistan và Botswana đang được hưởng lợi từ những ưu đãi này. Quyết định này của Mỹ có thể tác động đến xuất khẩu của Ấn Độ trị giá 5,6 tỷ USD theo chương trình GSP. Việc bị mất lợi ích sẽ dẫn đến việc Mỹ áp thuế đối với 2.000 mặt hàng và làm cho các hàng hóa không cạnh tranh được trên thị trường Mỹ về giá cả.
Trước kế hoạch xóa bỏ các lợi ích thương mại theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Mỹ, Ấn Độ đang lên nhiều phương án khác nhau, bao gồm cả tiếp cận cơ quan tranh chấp WTO, để đối phó với quyết định của Mỹ.
Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng đó có thể là một quá trình lâu dài trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và lựa chọn tốt hơn là giải quyết các vấn đề thông qua các cuộc đối thoại song phương, vì Ấn Độ có thặng dư thương mại với Mỹ. Cách Ấn Độ tiếp cận cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO có trụ sở tại Geneva sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có phân biệt giữa các nước đang phát triển hay không, bằng cách loại trừ Ấn Độ dựa trên các tiêu chí không phù hợp của WTO. Năm 2003, Ấn Độ đã thắng kiện trong WTO chống lại Ủy ban châu Âu sau khi Châu Âu từ chối các ưu đãi GSP cho các nhà xuất khẩu hàng dệt may và dược phẩm.
Ngoài ra, Ấn Độ còn có phương án lựa chọn áp thuế trả đũa đối với 29 sản phẩm của Mỹ, thời hạn được kéo dài đến ngày 1/4. Ấn Độ đã gia hạn thời hạn áp dụng các mức thuế này trong sáu lần. Các chuyên gia thương mại cho rằng Ấn Độ có quyền lựa chọn kéo Mỹ vào tranh chấp WTO về vấn đề GSP và áp dụng thuế quan trả đũa. Ấn Độ có thể nộp đơn khiếu nại lên cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Nhưng các cuộc đàm phán song phương có lẽ là lựa chọn tốt nhất để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Theo Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), quyết định xóa bỏ lợi ích thuế quan của Mỹ sẽ có tác động đến một số ngành trong nước như thực phẩm chế biến, da, nhựa và hàng kỹ thuật. Các lĩnh vực khác được hưởng lợi ích ưu đãi thuế quan bao gồm vật liệu xây dựng và gạch; dụng cụ cầm tay (cờ lê, thiết bị khoan); hàng hóa kỹ thuật (như đánh lửa, tuabin và đường ống, các bộ phận của máy phát điện); gối và vỏ đệm; váy dệt của phụ nữ. Ấn Độ cho biết việc chính phủ Mỹ xóa bỏ các nhượng bộ thuế sẽ không có tác động đáng kể đến xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ vì phần ưu đãi thuế chỉ khoảng 190 triệu USD mỗi năm. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên 74,5 tỷ USD trong năm 2017-2018 từ mức 64,5 tỷ USD trong năm 2016-2017. Mỹ là một trong số ít các quốc gia mà Ấn Độ có thặng dư thương mại, ở mức 21 tỷ USD trong năm 2017-2018./.
Theo congthuong.vn