Với sức mua hợp lý, trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra phức tạp, không quốc gia nào ngoài Ấn Độ có thể “cứu cánh” cho hàng hóa Trung Quốc.
Tăng xuất, nhập khẩu
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn khi các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đổ vỡ vào tuần trước. Washington đã tiến hành tăng thuế trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nâng từ 10% lên 25% và cũng bắt đầu quá trình tăng thuế đối với hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, trị giá khoảng 300 tỷ USD. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tuyên bố tăng thuế từ 10% đến 20% hoặc 25% đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá 60 tỷ USD bao gồm bia, rượu, đồ bơi, áo sơ mi và khí tự nhiên hóa lỏng.
Liệu rằng xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế “khổng lồ” này có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế Ấn Độ? Trong ngắn hạn, việc Mỹ tăng thuế sẽ buộc Trung Quốc phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác. Với dân số 1,3 tỷ người và sức mua hợp lý, thị trường Ấn Độ hoàn toàn trở thành tầm ngắm của Trung Quốc. Do đó, chiến thương mại sẽ dẫn đến tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc cũng có thể tăng, đặc biệt đối với mặt hàng đồ uống có ga và hàng may mặc. Tuy nhiên, xem xét độ co giãn xuất khẩu và nhập khẩu của các sản phẩm này, mức tăng nhập khẩu dự kiến sẽ nhiều hơn mức tăng xuất khẩu, dẫn đến Ấn Độ có thâm hụt thương mại cao hơn với Trung Quốc trong những tháng tới.
Tuy nhiên, trong dài hạn, chiến tranh thương mại ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và thương mại toàn cầu. IMF đã dự đoán rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu chậm lại hơn 0,8% vào năm 2020. Điều này sẽ dẫn đến việc thu hẹp xuất khẩu của Ấn Độ, không chỉ đối với Mỹ và Trung Quốc mà còn cả các nước khác. Không chỉ vậy, những hệ lụy từ chiến tranh thương mại còn ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập, thị trường việc làm trong các ngành định hướng xuất khẩu, thâm hụt thương mại cao hơn và sự sụt giảm về giá trị đồng Rupee của Ấn Độ, gây áp lực lên các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Chiến thương mại Mỹ – Trung cũng làm giảm uy tín của WTO. Các hành động đơn phương của Mỹ và Trung Quốc sẽ làm suy yếu sức mạnh của hệ thống thương mại đa phương vốn dựa trên luật lệ. Đây cũng là điều mà Ấn Độ hết sức quan tâm bởi vì New Delhi không chỉ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ mà còn được hưởng lợi trực tiếp từ hệ thống thương mại đa phương.
Thay Trung Quốc ở thị trường Mỹ?
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (Unctad) ước tính, trong số 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc chịu thuế của Mỹ, khoảng 82% sẽ được “thanh lý” ở các quốc gia khác,12% được các công ty Trung Quốc giữ lại và chỉ khoảng 6% bị mắc kẹt tại Mỹ.
Tương tự, trong số 110 tỷ USD xuất khẩu của Mỹ chịu thuế quan của Trung Quốc, khoảng 85% sẽ được “thanh lý” ở các quốc gia khác, các công ty Mỹ giữ lại dưới 10%, các công ty Trung Quốc sẽ chỉ giữ khoảng 5%. Do đó, hơn 80% hàng hóa vốn sẽ vào thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ được “thả” ra các thị trường còn lại của thế giới, trong đó có cả Ấn Độ.
Liệu rằng Ấn Độ có nên chớp lấy các cơ hội, tăng nhập khẩu từ Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ? Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ khó có thể nắm bắt được cơ hội này bởi lẽ Trung Quốc và Ấn Độ xuất khẩu các mặt hàng khác nhau sang thị trường Mỹ. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ chủ yếu là nguyên liệu thô, bán thành phẩm, dược phẩm và khoáng sản, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chủ yếu bao gồm hàng thành phẩm, điện tử, nhựa, đồ chơi… Do đó, không có nhiều tương đồng trong xuất khẩu của Ấn Độ và Trung Quốc sang Mỹ. Hơn nữa, Ấn Độ cũng không có khả năng cạnh tranh trong nhiều mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Về lâu dài, việc Mỹ áp đặt thuế có thể dẫn đến việc di dời các công ty sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Đây sẽ là một cơ hội khác mà Ấn Độ có thể tận dụng nhưng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nền kinh tế khác để thu hút đầu tư của Trung Quốc vào lãnh thổ của mình.
Mặc dù vậy, theo số liệu của Ngân hàng thế giới về chỉ số Kinh doanh dễ dàng thì so với các nước ASEAN, Ấn Độ vẫn ở vị trí xếp hạng sau. Cụ thể, Malaysia (15), Thái Lan (27), Việt Nam (69), Indonesia (73) và Ấn Độ (77). Các quốc gia khác, chẳng hạn như Bangladesh, Myanmar, Lào và Campuchia, mặc dù cũng xếp hạng sau về chỉ số này nhưng họ cung cấp các ưu đãi đáng kể và lợi thế chi phí thấp cho đầu tư nước ngoài cũng có thể là điểm cộng đối với đầu tư từ Trung Quốc. Ngoài ra, đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ cũng sẽ bị hạn chế bởi các quy định cấm mua hoặc chuyển nhượng bất động sản ở Ấn Độ. Nếu muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Phạm Hằng (theo The Economic Times)