Ấn Độ đang có kế hoạch tăng cường giám sát nhập khẩu đồng và nhôm đồng thời phát triển các chính sách hạn chế các lô hàng từ Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Các quan chức ở New Delhi dự kiến sẽ sớm yêu cầu các nhà nhập khẩu đăng ký với chính quyền, như bước đầu tiên hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ hơn yêu cầu giấy phép đối với các lô hàng riêng lẻ của hai kim loại này.
Bộ Khai khoáng viết trong một lá thư gửi Bộ Thương mại vào cuối tháng trước rằng động thái thắt chặt giám sát nhằm thúc đẩy sự độc lập kinh tế. Bức thư đề cập đến việc nỗ lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc đẩy giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng.
Các nguồn tin chính phủ cho biết mục đích của việc giám sát chặt chẽ hơn là để chuyển nhập khẩu đồng và nhôm vào danh sách các mặt hàng hạn chế, yêu cầu các nhà nhập khẩu phải có giấy phép do chính phủ cấp cho mỗi chuyến hàng. Hệ thống cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin để chính phủ có thể đưa ra biện pháp can thiệp chính sách thích hợp.
Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan là một trong những nhà xuất khẩu đồng lớn, chiếm 45% trong tổng số 5 tỷ USD nhập khẩu đồng của Ấn Độ trong năm tài chính 2019-20.
Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 4,4 tỷ USD nhôm trong năm tài chính 2019-20. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với trị giá hơn 1 tỷ USD. Kể từ tháng 4, khoảng 58% nhu cầu nhôm của Ấn Độ được đáp ứng bằng nhập khẩu phế liệu, với giá rẻ hơn 22% so với nhôm nguyên sinh trong nước.
B.K. Bhatia, Phó Tổng thư ký Liên đoàn các ngành công nghiệp khoáng sản Ấn Độ (FIMI) cho biết: “Trung Quốc là một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp nhôm của Ấn Độ”. Các nguồn tin cho biết Ấn Độ có kế hoạch về một cơ chế tương tự đối với nhập khẩu nhôm, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Ấn Độ đã gia tăng các rào cản thương mại và đầu tư chống lại các công ty Trung Quốc sau cuộc đụng độ gây thương vong vào tháng 6 dọc theo biên giới tranh chấp ở dãy Himalaya./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)