ADB: Việt Nam cần chú ý đến các nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế

0
199
Báo cáo của ADB nói tới triển vọng tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, song cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng chưa phải là phát triển nếu thiếu phẩm chất.

Trong công trình nghiên cứu gần 400 trang dành cho 45 quốc gia đang phát triển do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố về viễn cảnh kinh tế châu Á, với một số triển vọng và rủi ro cho các nước “đang phát triển”, phần phân tích về kinh tế Việt Nam chiếm 5 trang, với cả chục biểu đồ khá công phu.

Nhận định các rủi ro

Báo cáo của ADB nhận định rủi ro bên ngoài chính với Việt Nam là sự giảm tốc nhanh hơn dự báo của các nền kinh tế lớn, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đây đều là các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam.

Báo cáo của ADB nói tới triển vọng tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, song cần nhấn mạnh rằng, tăng trưởng chưa phải là phát triển nếu thiếu phẩm chất.

Dù Việt Nam có thể hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài, ADB cho rằng các lợi ích này sẽ không thể hiện ngay lập tức. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ năng suất lao động đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các rủi ro nội địa cũng sẽ thành hiện thực nếu quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước chậm lại.

Nhận định về các thách thức chính sách của Việt Nam, ADB cho rằng quá trình hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu được thúc đẩy chủ yếu bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Việc này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. ADB khuyến nghị Việt Nam có các chính sách cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, để nhóm này áp dụng tốt hơn công nghệ mới và đạt giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba vấn đề cần đặc biệt chú ý

Theo đó, ADB đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dù sẽ có đình trệ đôi chút thì vẫn thuộc loại khả quan trong khu vực, nhưng nhấn mạnh đến rủi ro hay nguy cơ tiềm ẩn về dài hạn và trong ngắn hạn.

Sau khi ca ngợi một số thành quả của Việt Nam như có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực với sự ổn định về vật giá, ADB cho rằng kinh tế Việt Nam có thể gặp rủi ro trong ngắn hạn, mấu chốt là vì yếu tố ngoại nhập từ các nền kinh tế ở bên ngoài, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, vốn là đối tác của Việt Nam. Về dài hạn thì vấn đề cần đặc biệt chú ý lại tiềm ẩn bên trong.

Thứ nhất, dù biết và muốn cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa hay tư nhân hóa, Việt Nam vẫn tiến hành quá chậm so với chỉ tiêu đặt ra.

Thứ hai, hệ thống doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa nhỏ, với đóng góp gần một nửa cho sản lượng kinh tế quốc dân lại chưa được hỗ trợ đúng mức để tham gia và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lý do của sự yếu kém là doanh nghiệp tư nhân khó tìm ra nguồn tài trợ và thu hút được công nhân có tay nghề để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn trong một thị trường ngày càng đòi hỏi các chuẩn mực khắt khe về phẩm chất, kỹ thuật, môi sinh, y tế và kiểm dịch.

Với dân số gần trăm triệu người và thu nhập bình quân đầu người đã khá hơn, Việt Nam nên thúc đẩy khả năng tiêu thụ nội địa để góp phần cho đà tăng trưởng, thay vì lệ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu và bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố ngoại nhập. Sức tiêu thụ nội địa là một trong các yếu tố tích cực giúp Việt Nam có đà tăng trưởng cao như ADB đã nhắc đến. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam vẫn lệ thuộc quá nhiều vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên đa số nguồn lợi lại trút vào giới đầu tư quốc tế chứ không vào Việt Nam.

Thứ ba, muốn phát huy nội lực bên trong, Việt Nam lại gặp trở ngại vì tay nghề của nhân công quá thấp mà lợi thế thu hút đầu tư là nhân công rẻ là chuyện không bền và thật ra đã hết. Cho nên, Việt Nam nên xác định lại ưu tiên về chính sách.

Xác định ưu tiên chính sách
Thứ nhất, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước là điều được quy định trong các hiệp ước thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ hai là ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam cần có chính sách toàn diện và nhất quán là ưu tiên nâng trình độ sản xuất của doanh nghiệp nhỏ như về tín dụng và đầu tư để tận dụng các thiết bị và công nghệ cao cũng như về mặt giáo dục và đào tạo để nhân công có tay nghề cao cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Báo cáo của ADB nói tới triển vọng tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, song cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng chưa phải là phát triển nếu thiếu phẩm chất, như tình trạng môi sinh, điều kiện lao động và cả công bằng xã hội. Ngoài ra, trong các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á, Việt Nam là nước đi sau và mới chỉ gia nhập ASEAN từ năm 1995 sau khi đổi mới từ năm 1987-1991, cho nên đà tăng trưởng có thể cao hơn các nước đã tiến hành cải cách từ trước. Nhưng nếu hài lòng với tốc độ tăng trưởng đó mà không cải cách thêm thì vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng.

Việt Nam cần thêm một đợt cải cách nữa để giải quyết được bài toán quốc doanh và phát huy sức mạnh của tư doanh làm nội lực cho nền kinh tế.

Nguyễn Hằng (theo ADB)

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here