Các dự án điện gió, điện mặt trời do ADB tài trợ là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi đang diễn ra tại Việt Nam, mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo, đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng O.
Ngày 21/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ký kết gói tài trợ trị giá 107 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió BIM (Điện gió BIM) để hỗ trợ vận hành một trang trại điện gió công suất 88 MW ở tỉnh Ninh Thuận.
Nhà máy điện gió này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch và hành động khí hậu bằng cách bù trừ khoảng 215.000 tấn carbondioxit/năm.
Gói tài trợ dự án sáng tạo trị giá 107 triệu USD do ADB thu xếp với vai trò Bên chủ trì thu xếp và bảo lãnh chính thức, gồm 25 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, 25 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, 13 triệu USD từ Công ty TNHH Tập đoàn Tín chấp Hong Kong (Trung Quốc), 17 triệu USD từ Tập đoàn Ngân hàng Sumitomo Mitsui; 18 triệu USD từ Ngân hàng ING và 9 triệu USD từ Ngân hàng Cathay United.
Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch. Dự án này là bước đi quan trọng góp phần nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi đang diễn ra tại Việt Nam bằng cách mở rộng hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia và đóng góp cho các mục tiêu phát thải ròng bằng O”.
ADB cũng sẽ quản lý một khoản viện trợ trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ. Khoản viện trợ này sẽ được sử dụng cho các sáng kiến liên quan tới các biện pháp bảo đảm an toàn môi trường và xã hội như giảm tác động của bóng tối đối với các cư dân tại khu vực dự án và bảo tồn môi trường sống hoang dã.
Ông Đoàn Quốc Huy, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Điện gió BIM, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự được nhận tài trợ từ một tổ chức tài chính phát triển hàng đầu ở châu Á cũng như các ngân hàng thương mại quốc tế. Thành công của giao dịch này giúp hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp”.
Điện gió BIM thuộc sở hữu của Tổng Công ty ACEN và Tập đoàn BIM. Đây là 2 đơn vị đã và đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2019.
Trước đó, ngày 27/5/2021, ADB đã ký kết một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD để phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam. Dự án sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.
Đối tác (là các công ty cổ phần điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên) sẽ xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió công suất 48 MW, tổng công suất 144 MW, tại tỉnh Quảng Trị.
Khoản vay nói trên là một phần của gói tài trợ khoản vay xanh cho dự án trị giá 173 triệu USD do ADB thu xếp và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính.
Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam. Gói tài trợ gồm 35 triệu USD do ADB cấp vốn trực tiếp và 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B.
Dự án sẽ tạo ra lương điện năng trung bình 422 GWh và tránh phát thải 162.430 tấn khí CO2/năm.
Trước nữa, vào tháng 9/2020, ADB và Công ty Cổ phần TTP Phú Yên (CTCP Phú Yên) ký kết khoản vay trị giá 186 triệu USD để xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời có công suất 257 MW tại tỉnh Phú Yên, đây là khoản vay được chứng nhận xanh đầu tiên của Việt Nam.
Lãnh đạo ADB cho hay, khoản tài trợ này bao gồm khoản vay trị giá 27,9 triệu USD từ nguồn vốn của ADB, một khoản vay hợp vốn (khoản vay loại B) từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với ADB là bên cho vay chính thức, và một khoản vay trị giá 9,3 triệu USD từ nguồn vốn của Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP).
Khoản vay loại B này là khoản vay loại B đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương được chứng nhận xanh bởi tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu, và là một trong những khoản vay loại B lớn nhất từng được huy động ở Việt Nam.
Các ngân hàng thương mại tham gia bao gồm Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Kasikorn, Ngân hàng Kiatnakin, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, và Ngân hàng Standard Chartered. Các khoản vay xanh được sử dụng để tài trợ cho những dự án mới hoặc đang được thực hiện giúp mang lại lợi ích cho môi trường hoặc khí hậu.
Dự án này sẽ hỗ trợ sự gia tăng nhanh chóng công suất điện mặt trời ở Việt Nam, thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng các-bon thấp của đất nước.
Đây là dự án nhà máy điện mặt trời đang vận hành lớn nhất tại Việt Nam, một trong những dự án lớn nhất ở Đông Nam Á và sẽ giúp giảm phát thải 123.000 tấn khí CO2 mỗi năm. Nhà máy điện này đáp ứng trực tiếp nhu cầu điện năng của các thành phố Quảng Ngãi và Nha Trang cùng các khu vực lân cận, tại nơi đang nổi lên như là một trong những trung tâm du lịch then chốt của Việt Nam.
Trần Liễu