Kinh nghiệm phát triển một số cảng hàng không ở Nhật Bản và những hàm ý cho Việt Nam (phần 1)

0
145

Thống kê của Hội đồng Cảng hàng không quốc tế (ACI) cho thấy lưu lượng hành khách toàn cầu tại các sân bay lớn trên thế giới tăng khoảng 5,5% mỗi năm. Để bắt kịp với tốc độ phát triển này và nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải thương mại, các cảng hàng không quốc tế tại Việt Nam cần không ngừng cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong số những quốc gia có cảng hàng không điển hình về năng lực cạnh tranh ở Châu Á là Nhật Bản. Bài báo nghiên cứu năng lực cạnh tranh của một số cảng hàng không quốc tế tại Nhật Bản để đưa ra các hàm ý chính sách cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tế.

Nhật Bản có các cảng hàng không quốc tế lớn với chỉ số về năng lực cạnh tranh cao, trong đó nổi bật nhất là các cảng hàng không quốc tế tại Tokyo. Chính phủ Nhật Bản và các công ty cảng hàng không ở Nhật luôn đề cao nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tế này bằng các chính sách thiết thực như giảm chi phí sân bay, phát triển các phân khúc vận tải mới qua quảng cáo và tiếp thị hay xúc tiến thị trường trọng điểm… Đây là những kinh nghiệm thiết thực giúp Việt Nam đưa ra những chiến lược, kế hoạch xây dựng và quy hoạch hợp lý, hỗ trợ, huy động vốn cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay cũng như phát triển marketing cảng hàng không để nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng hàng không quốc tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Hàng không Nhật Bản có thị trường nội địa lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 5,5% lưu lượng toàn cầu và 11% doanh thu toàn cầu. Theo một nghiên cứu của Oxford Economics cho biết, ngành hàng không có vị trí đáng kể trong nền kinh tế Nhật Bản, đóng góp 0,7% GDP (3,135 nghìn tỷ yên) và 0,7% lực lượng lao động Nhật Bản (429.000 việc làm). Xét thêm về đóng góp của ngành hàng không cho du lịch, con số này tăng lên 1% GDP (4,501 nghìn tỷ yên) và 1% lực lượng lao động (620.000 việc làm).

Hiện nay, Nhật Bản có 97 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế như sân bay quốc tế Tokyo, sân bay quốc tế Osaka, sân bay quốc tế Nagoya (Chubu), sân bay quốc tế Narita, sân bay Quốc tế Kansai phục vụ các chuyến bay giữa các châu lục với sổ lượng hành khách phục vụ lớn mỗi năm.

Sân bay quốc tế Tokyo còn được gọi là sân bay Haneda để phân biệt với sân bay Narita ở tỉnh Chiba. Sân bay Narita đảm trách gần như hầu hết các chuyến bay quốc tế đến khu vực trong khi sân bay Haneda chủ yếu là các chuyến bay nội địa, chỉ có một số chuyến bay quốc tế đến Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông. Sân bay Haneda đã phục vụ 64.211.074 lượt khách trong năm 2010, là sân bay bận rộn thứ hai Châu Á. Nếu tính theo lượng khách của sân bay Haneda và sân bay Narita cộng lại thì sân bay Tokyo là sân bay thành phố bận rộn thứ 3 thế giới (tổng cộng lượng khách tại sân bay Haneda và sân bay quốc tế Narita là 98.024,708 năm 2010), sau các hệ thống sân bay tại London và các sân bay tại New York. Năm 2015, sân bay này đã phục vụ 75.254.942 lượt khách và 1.173.752 hàng hóa, là sân bay nhộn nhịp nhất Nhật Bản và mức độ bận rộn xếp thứ tư thế giới, đồng thời xếp thứ năm về sân bay tốt nhất thế giới năm 2015. Haneda nổi tiếng với dịch vụ tốt, sạch sẽ cũng như khu vực mua sắm khổng lồ theo đánh giá và bình chọn của tổ chức Skytrax.

Sân bay quốc tế Osaka là sân bay nội địa đầu tiên của vùng Kansai của Nhật Bản, bao gồm các thành phố Osaka, Kyoto, và Kobe. Sân bay này thường được gọi là sân bay Itami do phần lớn đất của sân bay này tọa lạc tại Itami, Hyogo. Tuy nhiên, tòa nhà ga hàng không tọa lạc tại Toyonaka, Osaka, và đường vào sân bay duy nhất từ phía Itami là thông qua một đường hầm dài chạy phía dưới đường băng và sân đỗ. Dù được gọi là “quốc tế”, các chuyến bay tại sân bay này chủ yếu là vận chuyển quốc nội.

Sân bay quốc tế Nagoya (Chubu) là sân bay trên một đảo nhân tạo ở miền Trung Nhật Bản, là sân bay hạng nhất và là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ chính của vùng Chubu (Trung Bộ) của Nhật Bản. Đây được xem là sân bay khu vực tốt nhất thế giới, sân bay Central Japan, hay còn gọi là Centrair, có hiên quan sát dài hơn 300 mét cho du khách ngắm cảng Nagoya. Ngoài ra, du khách còn có thể thư giãn ở nhà tắm truyền thống Nhật Bản và ngắm hoàng hôn trên vịnh. Sân bay đón tiếp chừng 9,8 triệu lượt khách mỗi năm, là trung tâm của các hãng hàng không ANA và Japan Airlines. Sân bay quốc tế Nagoya xếp thứ năm trong số các sân bay tốt nhất Châu Á được Skytrax bình chọn năm 2016.

Sân bay quốc tế Narita là một sân bay quốc tế nằm ở phía Đông của vùng Đại Tokyo. Narita phục vụ phần lớn các chuyến bay vận chuyển hành khách đến và đi tại Nhật Bản và cũng là điểm kết nối hàng không chính giữa Châu Á và Châu Mỹ. Đây là sân bay vận chuyển hàng hóa lớn thứ hai Nhật Bản, và là sân bay vận chuyển hàng hóa tấp nập thứ ba thế giới. Sân bay Narita còn là trung tâm hoạt động quốc tế của các hãng hàng không lớn như: Japan Airlines, All Nippon Airways, và là một trung tâm hàng không ở Châu Á của các hãng hàng không Mỹ Northwest Airlines và United Airlines. Sân bay Narita đón tiếp 35,6 triệu lượt khách mỗi năm, nơi này được đánh giá cao nhờ đội ngũ nhân viên thân thiện, môi trường trong lành, đồ ăn phong phú. Đây là sân bay xếp thứ bảy trong danh sách các sân bay tốt nhất Châu Á được Skytrax bình chọn năm 2016.

Sân bay quốc tế Kansai là sân bay quốc tế lớn của Nhật Bản, còn gọi là sân bay Osaka Kansai. Sân bay tiếp đón chừng 20 triệu lượt khách mỗi năm, là trung tâm chính của các hãng hàng không ANA và Japan Airlines. Sân bay quốc tế Kansai được đánh giá có kiến trúc hiện đại, tiện nghi, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đây là sân bay xếp thứ sáu trong danh sách các sân bay tốt nhất Châu Á được Skytrax bình chọn năm 2016.

Đặc biệt cũng trong năm 2016, Nhật Bản có tới ba sân bay quốc tế lọt top 10 sân bay tốt nhất thế giới theo bình chọn của Skytrax, bao gồm: Sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo (xếp thứ 4), Sân bay quốc tế Chubu Centrair ở Nagoya (xếp thứ 6) và sân bay quốc tế Kansai ở Osaka (xếp thứ 9). Điều này cho thấy rằng Nhật Bản rất chú trọng đầu tư và phát triển lĩnh vực hàng không.

1. Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không Nhật Bản

Nhân tố kinh tế

Có thể thấy quy mô lớn về tổng sản phẩm quốc nội, tổng thu nhập bình quân đầu người và đầu tư trực tiếp nước ngoài là những nhân tố kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không của Nhật Bản.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): GDP của Nhật Bản vào năm 2015 là 4.123,26 tỷ USD, chiếm 6,65% nền kinh tế thế giới. Mức trung bình của GDP Nhật Bản là 2.549,48 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2015, đạt mức cao kỷ lục 5.957,25 USD vào năm 2012; tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở Nhật Bản trung bình đạt 2,03% từ năm 1981 đến năm 2016. GDP ở Nhật Bản đã tăng 1,6% trong quý IV năm 2016 so với cùng kỳ năm trước. Quy mô nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và dung lượng thị trường lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không ở Nhật Bản.

GDP bình quần đầu người: Là một đất nước đông dân, ước tính khoảng 126,9 triệu người năm 2016, nhưng tổng thu nhập bình quân đầu người ở Nhật Bản đạt mức cao với 44.656,8 USD, tương đương với 354% mức trung bình của thế giới (năm 2015). GDP bình quân đầu người ở Nhật Bản trung bình đạt 30.238,91 USD/người trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 2015, đạt mức cao kỷ lục là 44.656,80 USD vào năm 2015 và thấp kỷ lục 8.369.20 USD vào năm 1960. Thu nhập bình quân đầu người là nhân tố quyết định sức mua của người tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản (FDI): Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật Bản đạt 1.111 tỷ yên vào tháng 1/2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Nhật Bản đạt mức trung bình 548,468 tỷ yên từ 1996 đến 2017. Đầu tư nước ngoài tăng đã thúc đẩy nhu cầu vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và hiện đại hóa ngành hàng không, qua đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không.

Nhân tố tiềm năng

Nhu cầu đi lại trong nước: Nhìn tổng thể thị trường hành khách trong nước trên toàn thế giới thì nhu cầu đi lại trong nước (chỉ số RPK) tăng 7,1% vào tháng 11 năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, RPK của Nhật Bản lại giảm 0,5% trong tháng 11 năm 2016, năng lực trong nước (chỉ số ASK) cũng giảm 2,6%, và hệ số tải tăng 1,6 điểm và phần trăm lên 72,9%.

Các hãng hàng không hoạt động tại Nhật Bản:

Japan Airlines (JAL) được biết đến là một trong những hãng hàng không lớn nhất ở Châu Á và trên thế giới. Được thành lập từ ngày 01/10/1953, Japan Airlines trở thành hãng hàng không quốc gia của Nhật Bản. Tuy nhiên, đến năm 1987, hãng đã được tư nhân hóa và năm 2002 thì sáp nhập với Japan Air System. Hiện nay, hãng có văn phòng đại diện đặt tại nhiều thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo, Osaka, Nagoya, Okinawa. Trong đó, trụ sở chính được đặt tại thủ đô Tokyo với trung tâm hoạt động chính là sân bay quốc tế Narita (NRT), sân bay quốc tế Tokyo (HND) và thêm cả cảng hàng không quốc tế Kansai (KIX) và sân bay quốc tế Osaka (ITM). Hãng Japan Airlines còn tối ưu hóa đường bay khi khai thác các chuyến bay với các đối tác trong liên minh hàng không quốc tế Oneworld, bao gồm: American Airlines, British Airways, Cathay Pacific, Finnair, Iberia và Qantas. Đồng thời, Japan Airlines còn ký hợp đồng thương mại với khoảng 15 hãng hàng không khác để mở rộng mạng lưới đường bay cũng như nâng cao chất lượng của chuyến bay.

Ngoài ra, Tập đoàn JAL cũng có bảy hãng nhỏ khác: Hokkaido Air System, JAL Express, JALways, J-Air, Japan Air Commuter, Japan Asia Airways, Japan Transocean Air. Du lịch hàng không nội địa bị chi phối bởi Tập đoàn JAL, bao gồm một số hãng hàng không và phục vụ hơn 50 sân bay trên toàn quốc. Ngoài ra, có một số công ty hàng không nhỏ cạnh tranh với JAL trên các tuyến đường phổ biến nhất của đất nước như: Skymark Airlines, Peach Aviation, Tetstar Japan, Vanilla Air …

(còn tiếp…)

Nguyễn Tiến Đức – ThS, NCS Học viện Khoa học xã hội
(Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á 04-2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here