Vệ tinh đầu tiên của Bangladesh mang tên Bangabandhu-1 (BS-1) đã lên tới quỹ đạo sau 10 ngày được phóng thành công từ Trung tâm Không gian Kennedy của NASA, đặt tại Florida, Mỹ hôm 11/5. Tại buổi họp báo hôm 21/5, ông Md. Saiful Islam, Giám đốc điều hành Công ty Vệ tinh liên lạc Bangladesh (BCSCL) cho biết Vệ tinh đã lên tới quỹ đạo ở vị trí 119,1 độ Đông và đang hoạt động bình thường. Ông Islam cũng cho biết BCSCL đang tiến hành kiểm tra trước khi đưa vệ tinh vào khai thác thương mại. Ông Tajul Islam, Kỹ sư vận hành tại trạm mặt đất Gazipur (Bangladesh) cho biết Vệ tinh BS-1 đã bắt đầu chuyển tín hiệu về trạm mặt đất. Ông Tajul cho biết sẽ mất 2 tháng để các trạm mặt đất kiểm soát hoàn toàn hoạt động của Vệ tinh BS-1. Theo Thỏa thuận ký kết, Công ty Thales Alenia Space của Pháp sẽ phối hợp với kỹ sư địa phương để vận hành khai thác hoạt động của Vệ tinh trong vòng 3 năm tới. Thỏa thuận giữa Ủy ban quản lý viễn thông thuộc Chính phủ Bangladesh với Công ty Thales Alenia Space được ký vào tháng 11/2015 và có trị giá 248 triệu USD. Việc vệ tinh BS-1 được phóng thành công vào quỹ đạo đã đưa Bangladesh trở thành quốc gia thứ 57 trên thế giới có vệ tinh. Vệ tinh BS-1 sẽ giúp thúc đẩy quá trình số hóa của nước này. Hiện Bangladesh đang phải thuê băng thông của nước ngoài trị giá 14 triệu USD/năm nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối vệ tinh. Do vậy, việc phóng vệ tinh sẽ giúp Bangladesh tiết kiệm được nguồn ngoại tệ quốc gia. Ngoài ra, vệ tinh sẽ giúp cải thiện dịch vụ “Truyền hình trực tiếp đến hộ gia đình”, tạo điều kiện cho người dân được xem các kênh truyền hình quốc tế dễ dàng hơn và với tốc độ nhanh hơn. Bên cạnh đó, vệ tinh sẽ giúp các vùng xa xôi, hẻo lánh được tiếp cận internet, đồng thời sẽ hữu ích trong việc dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
(ĐSQVN tại Bangladesh)