Tóm tắt: Vận chuyển giao thương hàng hóa là một khâu thiết yếu trong quá trình sản xuất và kinh doanh của mọi doanh nghiệp. Những mất mát, tổn thất về hàng hóa trong quá trình vận chuyển là điều không thể tránh khỏi, và trong nhiều trường hợp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế việc phát triển hảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế là rất cần thiết. Trong nghiên cứu này tác giả đưa ra một số đánh giá về thực trạng phát triển hảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong gừủ đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đề xuất một số giải pháp phù hợp nhằm thức đẩy phát triển ngành này.
1. Mở đầu
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt nền kinh tế Việt Nam trước những thời cơ mới và thách thức mới. Cùng với việc gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế, hàng hóa Việt Nam đã vươn tới các thị trường khu vực và quốc tế…. Tuy nhiên, dưới áp lực của sự canh tranh trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó để bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho chính mình, thì các thương nhân, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần tận dụng triệt để lợi ích của các sản phẩm bảo hiểm: tín dụng xuất khẩu; trách nhiệm sản phẩm xuất khẩu; hàng hóa, vận chuyển; phương tiện và trách nhiệm của người chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu…
Ngoài ra, ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng cần chủ động hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, tăng cường tiềm lực tài chính… để hội nhập thành công và cạnh tranh có hiệu quả với các công ty bảo hiểm nước ngoài, tạo cơ sở nâng cao tỷ trọng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tham gia bảo hiểm trong nước.
- Thực trạng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu ở Việt Nam
2.2. Thực trạng xuất nhập khẩu và thị trường bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu ở Việt Nam
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Xuất nhập khẩu tăng trưởng với nhịp độ bình quân khá cao về kim ngạch, đa dạng và phong phú về mặt hàng. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Tính đến hết 12 tháng năm 2017, tổng trị giá xuất nhâp khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 73,74 tỷ USD so với năm 2016, trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD, tăng 21,2%, tướng ứng tăng 37,44 tỷ USD, và tổng trị giá nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 21%, tương ứng tăng 36,3 tỷ USD so với năm 2016(1).
Cũng đến hết năm 2017, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường là 58 doanh nghiệp, trong đó gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm vẫn đạt được kết quả nhất định. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành bảo hiểm cao nhất giai đoạn 2016-2020(2).
Bảo hiểm trong xuất nhập khẩu nói chung hay bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng đều nằm trong bảo hiểm phi nhân thọ. Theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ ước đạt 40.561 tỷ đồng, tăng trưởng 10,61% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số doanh thu kể trên, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đạt doanh thu 4.795 tỉ đồng, giảm 3,67%. Số tiền đã bồi thường 3.830 tỉ đồng, chiếm 46% (chưa kể dự phòng bồi thường). Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 7.927 tỉ đồng, tăng trưởng 6,2%. Tỉ lệ đã bồi thường chiếm 27% tương đương 2016 tỉ đồng(3).
2.2. Đánh giá thực trạng bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Trong những năm qua, bảo hiểm trong xuất nhập khẩu hàng hóa có những thành tựu và hạn chế nhất định có thể kể đến như:
Về thành tựu:
Thứ nhất, kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm và cung cấp dịch vụ khách hàng ngày càng mở rộng. Tính đến cuối năm 2017, số lượng đại lý có mặt là 404.607 người tăng 37,3% so với 2015(4). Đại lý bảo hiểm là hạt nhân tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục, giải thích cho khách hàng tham gia bảo hiểm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm được phủ khắp toàn quốc từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thiết lập hệ thống kênh phân phối bán sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng thương mại (đạt khoảng 7% tổng doanh thu toàn ngành). Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đơn giản hóa thủ tục ký kết hợp đồng bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm theo hướng tạo thuận lợi cho khách hàng. Mạng lưới hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đã phủ khắp toàn quốc.
Thứ hai, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã và đang ngày càng lớn mạnh. Trong những năm qua, ngành bảo hiểm Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc khai thác khách hàng mới. Chất lượng phục vụ được nâng lên đáng kể. Ngoài việc cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động tăng cường tiếp cận khách hàng để tư vấn kỹ thuật chuyên môn, giúp khách hàng lựa chọn rủi ro tham gia bảo hiểm cho phù hợp và đạt hiệu quả. Hiện nay các ngân hàng, doanh nghiệp, công ty bảo hiểm có những cán bộ chủ chốt am hiểu về dịch vụ bảo hiểm và đội ngũ nhân viên được đào tạo đầy đủ về kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng ngày một tăng cao, tính đến nay toàn thị trường có 29 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và có xu hướng tăng qua các năm về số lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có năng lực tài chính mạnh, biên khả năng thanh toán tốt và được xếp hạng nhóm A theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính quy định.
Thứ ba, các công ty bảo hiểm có tình hình tài chính an toàn, tổng tài sản, doanh thu phí bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng khả quan. Hầu hết công ty bảo hiểm có tỷ lệ biên khả năng thanh toán cao hơn chuẩn an toàn. Trong đó bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu đang là một trong những thị trường mục tiêu mà các công ty bảo hiểm Việt Nam đặc biệt quan tâm(5). Đặc biệt bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đạt doanh thu 4.795 tỉ đồng, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 7.927 tỉ đồng(6). Bên cạnh đó trong năm 2018, ngành Bảo hiểm đặt mục tiêu doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng 22,38% so với 2017, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ dự kiến đạt doanh thu 44.676 tỷ đồng.
Thứ tư, các công ty bảo hiểm Việt Nam đang tích cực hợp tác, giúp đỡ nhau cùng có lợi. Các công ty bảo hiểm đã có được bản đồng thoả thuận về khai thác bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt. Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam đại diện cho các doanh nghiệp cũng thể hiện những bước tiến tích cực của bảo hiểm Việt Nam.
Bên canh những cơ hội kể trên, còn không ít những khó khăn, những điểm hạn chế cần khắc phục đối với bảo hiểm các hàng hóa trong xuất nhập khẩu.
Một số vấn đề đặt ra
Thứ nhất, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta chủ yếu áp dụng phương thức xuất khẩu theo FOB và nhập khẩu theo CIF. Với các phương thức xuất nhập khẩu trên đã hạn chế khả năng ký kết của các công ty bảo hiểm Việt Nam bởi quyền vận tải và bảo hiểm thuộc phía nước ngoài. Với các quyền đó, đối tác nước ngoài tuỳ ý thuê tàu và mua bảo hiểm. Theo lẽ thường, họ ký hợp đồng với các công ty của nước mình, như vậy các công ty bảo hiểm nước ngoài có điều kiện phát triển hơn.
Thứ hai, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế, chưa mang tầm quốc tế. Ngoại trừ Bảo Việt thành lập năm 1965 có vốn lớn, các công ty khác đều vừa mới được thành lập sau Nghị định 100/CP ngày 18/12/1993 với mức vốn kinh doanh chưa đến 80 tỷ đồng, trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài ra đời cách đây hàng trăm năm, vốn kinh doanh hàng tỷ Đôla Mỹ. Thêm vào đó, trình độ cán bộ làm công tác bảo hiểm nói chung còn thấp so với đòi hỏi của thị trường và còn non yếu so với mặt bằng thế giới.
Thứ ba, hành vi trục lợi trong bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu. Hàng hoá được yêu cầu bảo hiểm trong hàng trình vận chuyển nhưng chưa đóng phí bảo hiểm. Khi biết hàng về đến nới an toàn, khách hàng xin huỷ đơn bảo hiểm hoặc huỷ hợp đồng bảo hiểm để khỏi phải đóng phí. Thậm chí có chủ hàng biết thông tin hàng hoá của mình bị tổn thất rồi mới đến mua bảo hiểm hoặc thông đồng với cán bộ của doanh nghiệp bảo hiểm để mua bảo hiểm và nhận bồi thường cho tổn thất đó. Trên thực tế còn có việc tạo hiện trường giả các vụ tai nạn, cháy hoặc chìm tàu, cố ý gây tai nạn trong bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm, gian lận đối với người thứ ba, mặc dù đã nhận tiền bảo hiểm…
Thứ tư, kinh nghiệm hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam còn hạn chế, chưa mang tầm quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài thường gặp phải một số vấn đề như: Rủi ro với hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, trách nhiệm của người vận chuyển, rủi ro trong thanh toán, trách nhiệm của sản phẩm và trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp trong quá trình giao thương với đối tác bao gồm cả những thiệt hại không lường trước. Việc xử lý bồi thường ở nước ngoài thường khó khăn do các công ty bảo hiểm không có đại lý, đại diện tại nước xảy ra tổn thất, đặc biệt đối với các vụ tổn thất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Thêm vào đó, trình độ cán bộ làm công tác bảo hiểm của Việt Nam còn bất cập so với đòi hỏi của thị trường, làm giảm sức thuyết phục khi các nhà đàm phán ngoại thương yêu cầu đối tác nước ngoài trao cho ta quyền mua bảo hiểm.
Thứ năm, các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam đã quen với tập quán thương mại xuất khẩu theo điều kiện FOB, nhập khẩu theo điều kiện CIF. Mặc dù tập quán cũ này đã dần thay đổi khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, với phương thức giao hàng như trên, phía Việt Nam sẽ tránh được nghĩa vụ thuê tàu và mua bảo hiểm, đôi khi công việc này khó thực hiện do phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác nước ngoài trong bối cảnh năng lực hoạt động của hệ thống các công ty logistics và đội tàu biển Việt Nam còn hạn chế. Đa phần doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất. Điều này thực sự bất lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa khi họ muốn sử dụng dịch vụ trong nước…
(Còn tiếp)
(Dương Trọng Khoa – Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á số 3/2018)