Tóm tắt: Sau Đại hội XVIII, công dân của Trung Quốc đã tham gia vào quá trình hoạch định chính sách công thông qua nhiều con đường khác nhau, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh việc ý thức tham gia chính sách được nâng cao, quá trình tham gia hoạch định chính sách của công dân Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế. Đẻ làm rõ những điều này, bài viết lần lượt trình bày các nội dung như: Phương thức, lĩnh vực, mức độ và nêu ra một số nhận xét về việc tham gia hoạch định chính sách công của công dân Trung Quốc.
1. Khái niệm “sự tham gia của công dân”
Có nhiều định nghĩa khác nhau về sự tham gia của công dân. Việc công dân tham gia vào các hoạt động chính trị, vào việc hoạch định các chính sách đã xuất hiện từ sớm, từ thời Hy Lạp cổ đại. Khi những nam thanh niên đủ tuổi trưởng thành, họ có quyền tham gia nêu ý kiến trong tất cả những sự việc từ chiến tranh, bầu cử, cho đến xử lý tội phạm trong đất nước của mình (lúc đó gọi là polis). Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, các học giả trên thế giới bắt đầu có những nghiên cứu mang tính đại diện về sự tham gia của công dân. Sherry Amstein cho rằng “sự tham gia của công dân là một hình thức vận dụng quyền lực của công dân, là sự tái phân phối quyền lực, khiến cho ý kiến của người dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị được đưa vào thảo luận trong tương lai”. Học giả người Mỹ Huntington đưa ra định nghĩa về sự tham gia của công dân từ cách thức tham gia “có thể bao gồm cả những biện pháp hợp pháp hoặc phi pháp, những biện pháp bạo lực hoặc hòa bình, nó là tất cả những nỗ lực làm ảnh hưởng một cách thành công hoặc không thành công đến các quyết sách của chính phủ”. Cuốn Bách khoa toàn thư về Chính trị học của David Blackwell cho rằng, sự tham gia của công dân là những hành động tham gia vào việc hoạch định, thông qua hoặc quán triệt thực thi các chính sách công.
Tại Trung Quốc, các học giả cũng đã nghiên cứu và đưa ra các định nghĩa về sự tham gia của công dân. Học giả Du Khả Bình (ThS. Viện Nghiên cứu Trung Quốc) cho rằng “sự tham gia của công dân là những hành động của người dân hoặc những tổ chức công cộng có nhu cầu tham gia vào phạm vi các lĩnh vực công, họ thông qua các biện pháp khác nhau nhằm làm ảnh hưởng đến chính sách công và đời sống công cộng, từ đó có thể biểu đạt hoặc thực hiện được những nhu cầu lợi ích của bản thân”. Học giả Dương Quang Bân đưa ra định nghĩa như sau: “Sự tham gia của công dân là những hành động chính trị mà công dân thông qua các phương thức nhất định để có thể làm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quyết định của Chính phủ hoặc đời sống chính trị của Chính phủ”. Quan điểm của học giả Lý Đồ Cường lại cho rằng “sự tham gia của công dân là những hoạt động của cá nhân công dân hoặc các tổ chức của công dân can thiệp vào các sự việc công nhằm mục đích thực hiện lợi ích công. Những sự việc công này có giới hạn là không can thiệp vào tự do của mỗi cá nhân công dân, có nguyên tắc là bảo đảm chế độ hiến pháp hiện thời, có cơ sở là liên quan đến những sự việc công mang tính địa phương của mỗi cá nhân công dân.
Tại Việt Nam, quyền tham gia của công dân vào các hoạt động quản lý nhà nước cũng được quy định rõ trong các bộ luật. Khái niệm “tham gia của công dân” hầu hết được các học giả nhìn nhận chung là việc công chúng bày tỏ ý kiến, ý tưởng về các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội. Cụ thể hơn, tham gia ở đây nghĩa là góp phần vào thực hiện một hoạt động hay giữ một vị trí, vai trò nào đó trong một quy trình hoạt động nhằm đạt được hiệu quả chung.
Nhìn chung, khái niệm “sự tham gia của công dân” được các học giả định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, điểm tương đồng ở đây được thể hiện ở một số khía cạnh sau, đó cũng là các yếu tố quan trọng của việc tham gia của công dân:
Thứ nhất, chủ thể tham gia. Từ các định nghĩa trên có thể nhận thấy, chủ thể tham gia ở đây là cá nhân công dân, hoặc cũng có thể là các tổ chức mà người dân tham gia, các tổ chức xã hội khác… Tất cả đều có thể là chủ thể, đều có thể tham gia vào các quá trình quản lý nhà nước, gây ảnh hưởng đến các quyết sách của chính phủ.
Thứ hai, lĩnh vực tham gia. Lĩnh vực tham gia ở đây rất rộng lớn, bao gồm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến trong tất cả các sự việc liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân, gây ảnh hưởng đến quyết sách của Chính phủ, nhằm bảo đảm lợi ích cá nhân của mình.
Thứ ba, phương thức tham gia. Có rất nhiều phương thức, hay nói cách khác là con đường để người dân có thể thông qua đó, biểu đạt ý kiến của mình với Chính phủ, bảo đảm lợi ích của bản thân. Có thể sử dụng con đường chính thức (bầu cử), hay con đường phi chính thức (diễu hành, biểu tình).
Vậy có thể đưa ra một định nghĩa chung về sự tham gia của công dân là những hành động mà cá nhân công dân hoặc tổ chức công dân thông qua các phưorng thức khác nhau để can thiệp vào các sự việc công cộng, nhằm bảo đảm hoặc thực hiện lợi ích cá nhân.
2. Thực trạng công dân tham gia hoạch định chính sách công ở Trung Quốc sau Đại hội XVIII
2.1. Phương thức tham gia hoạch định chính sách của công dân Trung Quốc
Công dân tại Trung Quốc có nhiều phương thức khác nhau để tham gia hoạch định chính sách. Họ có thể thông qua nhiều con đường, con đường chính thức (thông qua việc bầu cử, thông qua chế độ trưng cầu dân ý, tiếp nhận đơn thư…) và cả con đường phi chính thức để tham gia (biểu tình, bãi công…).
Thứ nhất, thông qua việc bầu chọn ra các đại biểu của Đại hội Đại biểu nhân dân và đại biểu của Chính Hiệp. Bằng con đường này, công dân Trung Quốc có thể tìm ra được những đại diện xứng đáng, thay bản thân biểu đạt ý kiến, kiến nghị lên Chính phủ. Ngày nay, công dân Trung Quốc đối với việc bầu cử rất tích cực, họ rất muốn tham gia bầu cử để lựa chọn đại biểu đại diện cho mình, phản ánh ý kiến lên chính quyền. Tuy nhiên, có thể thấy hiệu quả của công tác bầu cử chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Cuốn “Sách xanh về sự tham gia chính trị (2015)” đã thể hiện số liệu điều tra trên phạm vi toàn Trung Quốc về việc người dân tham gia bầu cử đại biểu ở các cấp huyện và xã. Số liệu này cho thấy tổng thể tình hình bầu cử ở cấp huyện chỉ đạt 3,39/10 điểm. Trong đó chỉ số thể hiện người dân muốn tham gia bầu cử ở mức tương đối cao (3,19/5 điểm) nhưng chỉ số thể hiện mức độ hài lòng của người dân khi tham gia bầu cử lại ở mức tương đối thấp (2,82/5 điểm). Tương tự với tình hình bầu cử ở cấp huyện, tình hình bầu cử ở cấp xã cũng không mấy khả quan. Tổng thể tình hình bầu cử ở cấp xã chỉ đạt 3,41/10 điểm, ở mức tương đối thấp. Trong khi chỉ số thể hiện người dân muốn tham gia bầu cử ở mức tương đối cao (3,2/5 điểm) thì chỉ số thể hiện sự hài lòng khi tham gia bầu cử ở cấp xã lại ở mức thấp (2,86/5 điểm).
Thứ hai, thông qua các phương thức biểu đạt dân ý như: Chế độ trưng cầu ý kiến, chế độ tiếp nhận đơn thư… Thông qua những con đường này, người dân có thể gián tiếp phản ánh nguyện vọng và kiến nghị của bản thân, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách công. Ngày nay, công dân Trung Quốc đã có ý thức cao hơn, tinh thần tham gia chính sách thông qua phương thức này ngày càng cao. Ví dụ, thông qua chế độ tiếp nhận đơn thư, bản Báo cáo tổng kết công tác của Cục Tiếp nhận đơn thư năm 2016 của Trung Quốc đã cho thấy rõ điều này. Trong năm 2016, Cục Tiếp nhận đơn thư của Trung Quốc tổng cộng tiếp nhận 248 yêu cầu, kiến nghị. Trong đó có đến 247 kiến nghị của cá nhân công dân, tăng 90,77% so với cùng kỳ năm trước. Nội dung đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của công dân chủ yếu liên quan đến nhu cầu của cá nhân (chiếm 52,42%).
Thứ ba, ngoài việc thông qua những con đường mang tính chính thống, công dân Trung Quốc còn thông qua những con đường phi chính thức để gây sức ép, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách. Ví dụ như thông qua việc biểu tình, bãi công, phát tán thông tin qua mạng… Xu hướng này cũng đang trở nên ngày càng phổ biến trong những năm sau Đại hội XVIII. Chúng ta có thể thông qua một vài số liệu cụ thể để nhìn nhận cụ thể hơn. Từ tháng 1 đến tháng 8-2012, Trung Quốc xảy ra 120 vụ bãi công với quy mô trên 100 người liên quan đến mâu thuẫn về lợi ích tiền lương, những cuộc bãi công biểu tình với quy mô trên 30 người xảy ra ở 19 tỉnh thành, số lượng lên đến hơn 270 vụ. Đến năm 2015, các vụ bãi công với quy mô trên 30 người cũng lên đến vài trăm vụ vì nợ lương công nhân. Đến năm 2016, chỉ trong quý I, tòa án của Trung Quốc xử lý đến 1028 vụ phá sản, từ đó có thể nhìn nhận thấy số lượng các vụ biểu tình, bãi công cũng tăng lên rất nhiều…
(còn tiếp…)
Nguyễn Diệu Hương – Ths. Viện Nghiên cứu Trung Quốc
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 01-2018.