ADB công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2018

0
116

Ngày 18/4/2018, tại Washington DC, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2018, dưới sự chủ trì của Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada. Báo cáo năm nay với chủ đề Công nghệ ảnh hưởng thế nào đến việc làm có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Báo cáo cho rằng châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng vững chắc với tốc độ 6,0% trong năm 2018 và 5,9% vào năm sau 2019 nhờ xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng. Trong đó, Đông Nam Á được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm 2018. Tăng trưởng ở Indonesia, Philippines và Thái Lan tăng nhờ đầu tư và tiêu dùng nội địa tăng mạnh, trong khi Việt Nam hưởng lợi từ mở rộng sản xuất công nghiệp. ADB cho rằng nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, nông nghiệp và nhu cầu tiêu dùng trong nước nên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 có thể đạt mức 7,1% và giảm nhẹ còn 6,8% trong năm 2019; lạm phát tăng nhưng vẫn trong vùng kiểm soát, thặng dư cán cân thanh toán được thu hẹp lại. Năm 2018, Ấn Độ được dự báo là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á với tỷ lệ 7,3% và dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng này với mức tăng 7,6% trong năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc đang tập trung ưu tiên ổn định tài chính, tiền tệ nên tăng trưởng giảm nhẹ về mức 6,6% năm 2018 so với mức 6,9% năm 2017.

Thứ hai, Báo cáo của ADB cũng đề cập đến các nguy cơ và thách thức đặt ra cho phát triển kinh tế khu vực trong năm 2018, trong đó nổi lên là nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng với các hình thức trả đũa, bảo hộ, việc Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất dẫn đến giảm nguồn vốn đầu tư vào khu vực và tình trạng nợ khu vực tư nhân của các nước tăng lên. Ngoài ra, do tăng trưởng của khu vực phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng, trong giá cả hàng hóa tăng lên, nên lạm phát cũng tăng lên 2,9% trong năm nay và năm sau, tuy nhiên vẫn dưới ngưỡng lạm phát trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây.

Thứ ba, liên quan chủ đề của báo cáo năm nay “tác động của công nghệ tới việc làm”, ADB cho rằng cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 dường như không dẫn tới tình trạng mất việc làm lớn do các nền kinh tế châu Á mới ứng dụng công nghệ tự động hóa một phần, một số khâu trong dây chuyền sản xuất và mới chỉ phát triển ở một số lĩnh vực như công nghiệp điện tử, vô tuyến điện, sản xuất xe hơi. Còn trong các ngành chiếm tỷ trọng lớn lao động của châu Á như dệt may, da giầy, thực phẩm, đồ uống, tự động hóa mới chỉ chiếm 1,4% trong toàn bộ khâu dâu chuyền sản xuất. Ngoài ra, theo số liệu ADB ghi nhận tại 12 nền kinh tế phát triển nhất châu Á thì mặc dù tự động hóa với các công cụ máy móc hiện đại làm giảm tới 66% nhu cầu lao động trong các ngành sản xuất công nghệ sao song nhu cầu việc làm lại tăng cao trong lĩnh vực dịch vụ và hàng hóa với tỷ lệ tăng tới 88%. Do vậy về tổng thể, nhu cầu việc làm vẫn gia tăng tại khu vực, thậm chí công nghệ mới còn tạo ra việc làm và tự động hóa không làm tổn thương người lao động thông thường trong các ngành nghề phổ thông. Trong báo cáo, ADB cho rằng để khai thác tối đa sự phát triển của khoa học công nghệ, người lao động có thể tận dụng thành quả của công nghệ trong sản xuất, các chính phủ châu Á cần tăng cường giáo dục công nghệ và đào tạo kỹ năng cho mọi lứa tuổi; có chính sách tạo sự linh hoạt cho các thị trường lao động với các chương trình hỗ trợ người thất nghiệp, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội, khuyến khích các chương trình phát triển giáo dục, đào tạo tay nghề, giảm tình trạng thu nhập bất bình đẳng./.

(ĐSQVN tại Washington)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here