Toạ đàm về căng thẳng thương mại Mỹ – Trung

0
152

Ngày 18/4/2018, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi tọa đàm về những căng thẳng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tham dự Toạ đàm, từ phía Bộ Ngoại giao, có ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, bà Tô Minh Thu, Trợ lý Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, ông Phạm Minh Đạo, Trưởng phòng, Vụ Châu Mỹ; phía khách mời có  ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu và Chính sách.

Tọa đàm căng thẳng thương mại Mỹ – Trung ngày 19/4/2018

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam đã giới thiệu về tình hình, những diễn biến chính trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2017 là năm Mỹ có những điều chỉnh chính sách với việc tiến hành hàng loạt các vụ tự vệ thương mại: tháng 1/2018, Mỹ tuyên bố áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu pin mặt trời và máy giặt, sau đó là nhôm và thép; ngày 3/4, Mỹ đưa ra danh sách 1.300 mặt hàng của Trung Quốc dự kiến bị áp thuế quan, có giá trị khoảng 100 tỷ USD. Đáp lại, Trung Quốc đã có các biện pháp trả đũa của mình, tuyên bố áp dụng tăng 15-25% thuế vào hàng nông sản Mỹ trị giá khoảng 3 tỷ USD và hơn 106 mặt hàng của Mỹ trị giá lên tới 50 tỷ USD.

Nhìn lại quá trình kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền vào năm 2017, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định, nếu năm 2017 là năm Mỹ và các nước nghiên cứu, thăm dò chính sách và phản ứng của nhau thì năm 2018 là năm triển khai các chính sách này. Và trong “cuộc chơi” này, Mỹ là bên chủ động khởi xướng khiến Trung Quốc phải chạy theo và đưa ra các hành động đáp trả. Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng có thể đây là hệ quả tất yếu cả về chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Về đối nội, năm 2018 là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và đây là thời điểm chính quyền hiện tại của Mỹ tranh thủ phiếu bầu từ các cử tri nội bộ. Bên cạnh đó là sự điều chỉnh nhân sự ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với ngày càng nhiều các nhân vật ủng hộ tư tưởng bảo hộ được đưa vào bộ máy. Các động thái căng thẳng thương mại với Trung Quốc có thể xem như là biện pháp giải tỏa sức ép và đẩy lùi các hoài nghi ngày càng gia tăng về các cam kết mà vị Tổng thống Hoa Kỳ lần thứ 44 này đưa ra. Về đối ngoại, các biện pháp tự vệ thương mại này có thể nằm trong một mục tiêu lớn hơn là hạn chế năng lực cạnh tranh Trung Quốc với Mỹ, từ đó tập trung tạo sức ép lên các mặt hàng có tỷ trọng công nghệ cao và vấn đề sở hữu trí tuệ là những yếu tố tác động mạnh nhất lên năng lực cạnh tranh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Minh Đạo cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ xử lý các thâm hụt thương mại mà còn đang cạnh tranh về kinh tế và an ninh. Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu lớn hơn là tạo công cụ để gây sức ép đối với các quốc gia khác trong đàm phán thương mại với Mỹ, giúp Mỹ từng bước thay đổi luật chơi về kinh tế, thương mại. Ngoài ra, Tổng thống Trump vốn là một doanh nhân với quan điểm xuyên suốt từ năm 2013 là: (i) Nếu Mỹ tiếp tục chơi theo luật lệ quốc tế như dưới thời Tổng thống Obama thì sẽ chỉ thua thiệt hơn; (ii) Trung Quốc là một trong những nguyên nhân làm giảm tăng trưởng, doanh nghiệp và người dân Mỹ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều từ sự trỗi dậy của Trung Quốc; (iii) Mỹ có đòn bẩy lớn với Trung Quốc về thuế quan tuy nhiên chính quyền Obama không nắm bắt được.

Trong khi đó, Tiến Sỹ Phạm Sỹ Thành cho rằng căng thẳng hiện tại có thể không xuất phát từ lý do thương mại đơn thuần, vì các bên đều có thể tận dụng rất nhiều các thoả thuận thương mại tự do đã ký kết để thâm nhập lại vào thị trường đối phương thông qua một nước thứ ba. Có thể căng thẳng nổ ra là hệ quả của quan niệm cáo buộc bên kia cạnh tranh không công bằng và có thể là cái cớ để Mỹ buộc Trung Quốc phải nhìn nhận lại toàn bộ hệ thống chính sách của Trung Quốc với Mỹ về thương mại đầu tư. Ông nhấn mạnh, thâm hụt thương mại chỉ là số phụ, điều Mỹ muốn hướng đến là giải quyết với Trung Quốc về vấn đề đầu tư trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc ngày càng có xu hướng dâng cao ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, về tính chất của cuộc chiến thương mại này, nhiều học giả cho rằng đây có thể chỉ là những tuyên bố trên giấy tờ khi nhiều biện pháp cũng chưa được áp dụng trên thực tế, cho dù mức độ và quy mô trong các tuyên bố ngày càng tăng cao và thể hiện rõ việc “ăn miếng trả miếng” đến từ hai bên. Chính bởi vậy, hiện vẫn chưa có nhiều tác động đến thị trường thế giới từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Điều có thể thấy rõ nhất chính là việc một số đối tác lớn của Mỹ như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có những sự nhượng bộ, dàn xếp nhất định đối với Mỹ. Đối với các quốc gia khác như Việt Nam, các học giả cho rằng tác động sẽ ở mức bất lợi lớn một khi cuộc chiến thực sự nổ ra. Việc một cuộc chiến thương mại diễn ra không dựa trên luật lệ và tham vấn giữa các bên mà tập trung làm suy yếu hệ thống thương mại đa biên dựa trên cơ sở luật lệ sẽ khiến những quốc gia nhỏ đối diện những bất công trong thương mại. Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng là những tác động không hề nhỏ, đến từ sự sụt giảm trong dòng đầu tư, cổ phiếu, ảnh hưởng đến chuỗi giá trị sản xuất giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước khác.

Ban Quản trị Trang NGKT Trực tuyến

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here