Thế và lực về kinh tế của Trung Quốc hiện nay (phần 2)

0
124

2. Trung Quốc là cường quốc công nghệ cao

Như trên đã trình bày, các công ty đa quốc gia của Trung Quốc đang trở thành thế lực rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu, ban đầu nhờ lợi thế thị trường và nguồn lực nội địa, sau là nhờ đầu tư lớn cho công nghệ. Bên cạnh đó, mô hình công nghiệp hóa dựa vào cluster cũng là nguyên nhân khiến cho năng lực đổi mới – sáng tạo, năng lực công nghệ của doanh nghiệp và cả nước Trung Quốc tăng lên. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước mói là nhân tố quan trọng nhất.

Đảng và Nhà nước Trung Quốc luôn coi trọng công nghệ, ban đầu vì mục đích quân sự và sau này vì mục đích lưỡng dụng, ban đầu vì mục đích bản thân khoa học và chính trị (trước 1985) và sau này vì mục đích ứng dụng và hiệu quả kinh tế (từ 1985 tới nay). Tuy nhiên, chỉ từ khi bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc mới có điều kiện về tài chính và phần nào về nhân lực để thực hiện một loạt chương trình lớn về phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và các dự án khoa học – công nghệ. Hệ thống phát triển khoa học – công nghệ của Trung Quốc hiện nay có đặc điểm là do nhà nước dẫn đầu, có sự tham gia của toàn bộ bộ máy nhà nước, sử dụng ngân sách và quy chế của nhà nước, lập nên các hàng rào về đầu tư và thị trường để bảo vệ các doanh nghiệp công nghệ non trẻ trong nước, sử dụng gián điệp công nghệ của nhà nước để đánh cắp công nghệ, v.v…

Hiện tại, theo đánh giá của Mỹ, các lĩnh vực khoa học và công nghệ có khả năng ứng dụng thương mại của Trung Quốc đạt mức tiến bộ như sau:

  1. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc sánh ngang với Mỹ. Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực này, tiêu biểu là Baidu (Bách Độ), với sự hỗ trợ của Nhà nước còn mở các cơ sở nghiên cứu ở Mỹ, tuyển dụng nhân tài của Mỹ, đầu tư vào các doanh nghiệp khỏi nghiệp, các cơ sở kinh doanh và khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Mỹ.
  2. Trong lĩnh vực khoa học thông tin lượng tử, Trung Quốc sắp đuổi kịp Mỹ. Mỹ vẫn giữ vị thế thống trị trong lĩnh vực này, nhưng trong khi đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực này không ổn định, có xu hướng giảm thì đầu tư của Trung Quốc lại tăng và có sự hỗ trợ nhịp nhàng của tất cả các bộ, ngành.
  3. Trong lĩnh vực máy tính năng lực mạnh, Trung Quốc đang sở hữu hai siêu máy tính nhanh nhất thế giới và có thể sớm vượt qua Mỹ trong chế tạo siêu máy tính thế hệ mới – máy tính exascale – màtheo kế hoạch Trung Quốc sẽ đưa vào khai thác từ năm 2020 trong khi Mỹ sẽ đưa vào khai thác từ năm 2021. Tính đến năm 2017, trong số 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới, có 207 cái là của Trung Quốc và 143 cái là của Mỹ(10).
  4. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Mỹ vẫn là nước số một, nhưng Trung Quốc cũng là nước số hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc trực tiếp cấp ngân sách thành lập các công ty công nghệ tái cấu trúc gen lớn nhất thế giới và hỗ trợ phát triển cũng như công bố khoa học trong lĩnh vực công nghệ gen và công nghệ sinh học.
  5. Trong lĩnh vực robotics, Trung Quốc đang phát triển rất nhanh bằng cách Chính phủ tài trợ cho các công ty robotics trong nước, mua công nghệ và tri thức của nước ngoài, tuyển dụng nhân tài nước ngoài. Nhờ đó, cả chất lượng lẫn năng lực cạnh tranh của công nghệ robotics cả dân dụng lẫn quân dụng của Trung Quốc đều tăng nhanh.
  6. Trong lĩnh vực công nghệ nano, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới nhưng Trung Quốc là nước tăng nhanh nhất thế giới xét về mặt công bố khoa học và ứng dụng. Đó là nhờ Chính phủ Trung Quốc đầu tư ồ ạt, nhờ tuyển dụng nhân tài nước ngoài và nhờ phát triển các công viên khoa học công nghệ nano.
  7. Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Mỹ là nước dẫn đầu thị trường sản phẩm nhưng Trung Quốc cùng xếp ngay sau Mỹ. Hầu hết các doanh nghiệp điện toán đám mây lớn của Trung Quốc đều có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc rất mạnh trong khoa học vũ trụ. Trong công nghiệp chế tạo máy bay, Trung Quốc bắt đầu chế tạo máy bay thương mại riêng. Tháng 5/2017, máy bay chở khách loại thân hẹp hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo Comac C919 – đã bay thử lần đầu. Trung Quốc dự định sẽ sản xuất C919 để cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.

Không phải vô cớ mà tư tưởng quân sự của Tập Cận Bình (thể hiện trong báo cáo Đại hội XIX) đã nhấn mạnh việc thông minh hóa quân đội, quốc phòng của Trung Quốc và trở thành quân đội hạng nhất thế giới (ý là sánh ngang vói Mỹ) cả về lượng lẫn chất. Trong đó chất bao gồm khả năng tác chiến chính xác, thông tin hóa, khả năng tác chiến trên không gian mạng, phổ điện từ, tác chiến vũ trụ, vũ khí trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, la-de.

  1. Trung Quốc là ngưi quyết định giá trên nhiều thị trường thế gii

Với lợi thế mang tính kinh tế về quy mô trong nước, lao động rẻ và những lợi thế do cụm liên kết ngành mang lại, Trung Quốc là nơi sản xuất hàng công nghiệp rẻ bậc nhất thế giới. Hàng Trung Quốc giá rẻ được coi là một nhân tố quan trọng khiến nhiều nước tiên tiến rơi vào tình trạng thiểu phát dai dẳng, đến mức trong giới khoa học có ý kiến cảnh báo rằng đã đến lúc các ngân hàng trung ương các nền kinh tế tiên tiến phải xem lại mục tiêu lạm phát và chính sách tiền tệ của mình. Giá rẻ trong khi cấu hình mạnh khiến cho những sản phẩm điện tử – công nghệ thông tin của Trung Quốc dù thương hiệu chỉ mới nổi vẫn hấp dẫn người tiêu dùng trên thế giới. Điện thoại Mi của Xiaomi (Trung Quốc) đang là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với iPhone của Apple và Galaxy của Samsung. Điện thoại di động nhãn hiệu Moto của Lenovo và điện thoại di động của Oppo cũng là đối thủ khó chịu của iPhone và Galaxy. Giờ đây, các hãng điện thoại di động nói trên của Trung Quốc đã vượt qua các hãng điện thoại di động lâu năm như Nokia, LG, Sony, Phillips,… để lọt vào nhóm các hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, có khả năng ảnh hưởng lớn đến giá điện thoại thông minh trên thị trường toàn cầu.
Trung Quốc ngày càng đưa ra thị trường nhiều mặt hàng dân dụng thương hiệu Trung Quốc giá rẻ và ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá hàng dân dụng trên thế giới. Trước sức ép này, các nước tiên tiến đang phải khẩn trương từ bỏ phân khúc hàng hạng trung và giá rẻ để chuyển sang phân khúc hàng cao cấp (high-end), còn các nước đang phát triển ngày càng khó khăn.
Trung Quốc vừa là nhà sản xuất, nhà tiêu thụ vừa là nhập khẩu lớn nhất thế giới đối với quặng sắt, than đá, bông. Trung Quốc đứng đầu thế giới về nhập khẩu đồng, quặng thiếc, nickel và dầu thô, đứng thứ hai thế giới (Trung Quốc gồm cả Hong Kong) về nhập khẩu vàng và quặng chì, thứ năm thế giới về nhôm,… Từ năm 2003 đến 2011, nhu cầu về quặng đồng và quặng sắt trên thế giới tăng hầu như là do nhu cầu đồng của Trung Quốc tăng gây ra, các nước còn lại có ảnh hưởng thấp hơn. Nhu cầu lớn về kim loại cơ bản của Trung Quốc phần là do nhu cầu từ khu vực chế biến chế tạo, phần là do đô thị hóa nhanh trên quy mô lớn của Trung Quốc với mật độ dân số đô thị tăng gần năm lần trong thời kỳ 2000-2007. Là “nhà máy của thế giới” và tỷ trọng của lĩnh vực chế biến, chế tạo – xây dựng trong ngành kinh tế lớn, đô thị hóa diễn ra ở quy mô lớn, nên mức độ sử dụng kim loại trên một đơn vị hoạt động kinh tế lại cao gấp ba lần các nước tiên tiến, trong xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thậm chí còn cao hơn cả nhiều nước đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu hàng hóa nguyên liệu, nhất là các kim loại cơ bản của Trung Quốc rất lớn và phần lớn phải nhập khẩu.
Như vậy, trên thị trường hàng hóa các nguyên liệu, Trung Quốc là nước nhập khẩu chi phối thế giới về các kim loại cơ bản và nông sản thô. Trung Quốc cũng có ảnh hưởng lớn và ngày một tăng đối với các mặt hàng năng lượng và lương thực. Thời gian trước, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn cao, nước này là nhân tố làm cho giá nguyên liệu thế giới tăng cao, góp phần làm tăng tốc lạm phát ở nhiều nước. Nhu cầu quặng đồng của Trung Quốc tăng 157%, quặng sắt tăng 213% và dầu thô tăng 68% trong thời gian từ 2003 đến 2011, Tăng trưởng kinh tế nhanh của một số nền kinh tế mới nổi ở Đông Á, trong đó có Trung Quốc thời kỳ 2003 – 2008 là nguyên nhân gây ra tăng giá hàng hóa nguyên liệu trên thế giới. Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến cả giá kim loại và giá dầu thô, nhất là ảnh hưởng đến giá kim loại rất rõ rệt. Một số học giả phân tích và kết luận rằng, độ dốc và độ dài đáng kể của đợt tăng giá hàng hóa nguyên liệu 2004 – 2008 là do tăng trưởng kinh tế đặc biệt nhanh của các nước đang phát triển có nhu cầu về hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là Trung Quốc. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở Trung Quốc diễn ra nhanh quá dẫn tới nhu cầu của nước này đối với các mặt hàng nói trên bùng nổ, trong khi các nước xuất khẩu không kịp tăng năng lực khai thác. Nghiên cứu kiểm định định lượng cho thấy, các biến động kinh tế của Trung Quốc có tác động đáng kể và ngắn hạn đến giá các kim loại cơ bản và giá dầu của thế giới. Trung Quốc góp phần chính trong việc làm cho mức tiêu thụ đồng toàn cầu tăng 133% trong thời gian 2005-2015, nickel tăng 108%, quặng sắt tăng 85%, dầu tăng 42%. Hệ quả là, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cứ giảm tốc một điểm phần trăm thì giá nhôm giảm 12,4%, giá than giảm 12,8%, giá đồng giảm 6,7%, giá khí thiên nhiên giảm 6,7%, giá dầu thô giảm 6,9%, giá thiếc giảm 22,1% – giả định các yếu tố khác không đổi. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ mức 10,6% năm 2010 xuống còn 6,7% năm 2016 và 2017.

Bảng 1: Nhập khẩu một số hàng hóa nguyên liệu của Trung Quốc

Hàng hóa nguyên liệu Kim ngạch nhập khẩu (tỳ USD) Tỷ lệ trong nhập khẩu của toàn cầu (%) Vị trí trong nhập khẩu toàn cầu
Quặng sắt 57,1 67,8 1
Đồng 33,2 27 1
Quặng thiếc 0,371 48 1
Nickel 5 22,5 1
Vàng 36,2 5,2 2
Quặng chì 1,48 26 2
Nhôm 6,9 4,2 5
Than đá 1
Dầu thô 116,2 17,3 1
Bông 7,7 17 1
Cao su tự nhiên 3,4 26,7 1

Ghi chú: số liệu năm 2016. Riêng số lỉệu nhôm là năm 2013.
Nguồn: Tác giả thu thập từ các trang World’s Top Exports, World’s Richest Countries, World Atlas, Index Mundỉ.

Từ năm 2011 đến nay, tình hình ngược lại, mỗi khi tin tức về tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc lan ra, giá cả hàng hóa nguyên liệu thế giới đều giảm theo.Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào khai thác khoáng sản kim loại ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Congo, Nam Phi, Zambia, Zimbabwe ở châu Phi, Afghanistan, Mông Cổ, Philippines, Việt Nam ở châu Á, Úc, Papua New Guinea ở châu Đại dương và Canada, Chile, Mexico, Peru ở châu Mỹ. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới các nước này, nhất là những nước đang phát triển.

Khi trên thế giới vẫn còn nhiều nước phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên, Trung Quốc còn có vị thế tác động tới họ. Những cú sốc vĩ mô ở Trung Quốc ảnh hưởng tới nhu cầu hàng hóa nguyên liệu của nước này, từ đó ảnh hưởng đến một số nước trên thế giới. Tuy so với Mỹ, số nước bị ảnh hưởng từ Trung Quốc ít hơn, nhưng nặng nề hơn. Trong trường hợp Trung Quốc hạ cánh cứng, ảnh hưởng của Trung Quốc đến các nước ASEAN và Mỹ Latinh sẽ lớn hơn so vói các nước tiên tiến.

Trung Quốc còn là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm tới 30% tổng trữ lượng và 97% trao đổi đất hiếm trên thế giới. Đất hiếm là nguyên liệu rất quan trọng cho nhiều linh kiện điện tử như trong điện thoại di động, máy tính, máy chụp cộng hưởng từ, các thiết bị công nghệ xanh như động cơ lai, turbin gió, đèn huỳnh quang năng lượng hiệu
quả. Đất hiếm cũng được dùng trong rất nhiều thiết bị quân sự tinh vi như thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình Tomahawk, tàu khu trục lớp Zumwalt, kính nhìn đêm, bom thông minh, đầu phát sonar,… và các nền kinh tế tiên tiến như Pháp, Ý, Nhật, Mỹ phải phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt đất hiếm cho cả hàng hóa dân dụng lẫn hàng hóa quân sự. Trung Quốc là nguồn nhập khẩu chính scandium của Mỹ; tới 90% yttrium Mỹ phải nhập từ Trung Quốc và tới 91% các  nguyên tố đất hiếm còn lại. Tháng 9-2010, khi cảnh sát biển Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng và thuyền viên của một tàu đánh cá Trung Quốc do tàu này cố tình đâm va vào hai tàu cảnh sát biển Nhật Bản gần ở Senkaku, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật khiến cho Nhật phải lập tức phóng thích những thủy thủ Trung Quốc.

Từ giữa thập niên đầu 2000, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu gia tăng kiểm soát đất hiếm thông quan đặt quota xuất khẩu, quốc hữu hóa một số công ty khai thác đất hiếm và đầu tư khai thác đất hiếm ở nước ngoài. Kết quả là giá đất hiếm đã tăng gần ba lần trong thời gian từ 2008 đến 2011. Đầu năm 2012, Trung Quốc cho dừng hoạt động khai thác đất hiếm ở mỏ Baotou ở Nội Mông (chiếm khoảng 47% sản lượng đất hiếm của Trung Quốc), nhằm “bình ổn” giá cả thị trường. Đầu năm 2012, Mỹ, Nhật Bản, EU đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới về điều này.

Kết luận

Từ năm năm 2010, Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về quy mô GDP danh nghĩa theo đồng đôla Mỹ. Từ năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia có giá trị thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới với mạng lưới đối tác thương mại không ngừng được mở rộng. Từ năm 2014, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP danh nghĩa theo sức mua tương đương. Đi sâu vào các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, quyết định giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới, bài viết đã cho thấy Trung Quốc có sức mạnh kinh tế thực sự, cho phép họ có vị thế để ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế của nhiều quốc gia.

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here