Thế và lực về kinh tế của Trung Quốc hiện nay (phần 1)

0
187

Tóm tắt: Trung Quốc đã có ảnh hưởng tới kinh tế các nước do họ nắm khâu sản xuất của hầu hết các mạng sản xuất quốc tế và còn đang nỗ lực lập các mạng mới do mình đứng đầu. Tiềm lực khoa học và công nghệ của Trung Quốc ngày nay đã có thể sánh với Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Khả năng thương mại hóa các công nghệ của Trung Quốc rất tốt. Là nước sản xuất nhanh và rẻ nhất thế giới, sở hữu nguồn tài nguyên chiến lược đất hiếm, là nước tiêu thụ chính của rất nhiều mặt hàng nguyên liệu, từ năng lượng, kim loại đến nguyên liệu nông sản, Trung Quốc đang là nước quyết định giá cả cho hàng loạt nhóm hàng trên thế giới từ đó có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh tế vĩ mô của rất nhiều nước, từ các nước tiên tiến đến các nước đang phát triển.

Giới thiệu

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra vào tháng 10-2017. Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày đã khẳng định mục tiêu Trung Quốc sẽ thành cường quốc kinh tế, sẽ ở vị trí hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực kinh tế và khoa học, sẽ tham gia tích cực vào quản trị kinh tế toàn cầu, thúc đẩy phân công kinh tế quốc tế, thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế. Sở dĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc tự tin như vậy là vì thế và lực của Trung Quốc hiện nay đã lớn mạnh và sẽ còn lớn mạnh hơn nữa sau mười, ba mươi năm nữa.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra sức mạnh kinh tế của Trung Quốc từ nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này đóng góp thêm ở ba lĩnh vực còn ít được chú ý, đó là thế và lực của Trung Quốc đối với toàn cầu trong hệ thống phân công lao động quốc tế kiểu mới, khoa học công nghệ và giá cả hàng hóa.

  1. Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong phân công lao động quốc tế kỉểu mới

Quan hệ kinh tế giữa các nước trên thế giới giai đoạn hiện nay thể hiện rõ nét nhất trong sự phân công lao động quốc tế theo chức năng (còn gọi là phân công lao động quốc tế theo chiều dọc). Trong giai đoạn trước, phân công lao động quốc tế theo sản phẩm (còn gọi là theo chiều ngang) và các nước trao đổi các hàng hóa cuối cùng với nhau. Trong giai đoạn hiện nay, các nước tham gia vào một số công đoạn (chức năng) sản xuất và trao đổi hàng hóa trung gian với nhau. Mạng lưới các điểm sản xuất – mỗi điểm đặt ở một nước và thực hiện một chức năng – gọi là mạng sản xuất quốc tế. Nhìn từ góc độ cung ứng, thì mạng đó thành chuỗi cung ứng quốc tế. Nhìn từ góc độ giá trị gia tăng mà mỗi chức năng đóng góp vào giá trị toàn bộ của sản phẩm cuối cùng cho đến khi đưa tới tay người tiêu dùng, thì mạng đó thành chuỗi giá trị toàn cầu.

So với trong giai đoạn trước, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong giai đoạn hiện nay chặt chẽ hơn. Bất kỳ nước nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả mạng/chuỗi. Xét ở một mạng/chuỗi, nếu coi mức độ tham gia của một nước vào trong mạng là lực, thì mức độ ảnh hưởng của nước đó với cả mạng/chuỗi là thế của nước đó. Mức độ tham gia của một nước trong một mạng/chuỗi được đánh giá từ các điểm sau:

– Mức độ quan trọng đối với toàn bộ mạng/chuỗi của chức năng mà nước đó tham gia;
– Số lượng chức năng trong mạng/chuỗi mà nước đó đồng thời tham gia;
– Mạng thường có nhiều nút. Nút lại có nút lớn, nút nhỏ. Nút lớn là nút từ đó có nhiều liên kết tỏa đi hơn so với nút nhỏ. Nút lớn thường được gọi là hub (trung tâm). Có nước là nơi đặt hub của mạng, nhưng có nước lại chỉ được đặt nút nhỏ của mạng.

Như vậy, nước nào tham gia vào chức năng quan trọng hơn hoặc/và tham gia đồng thời nhiều chức năng hơn hoặc/và là nút lớn hơn của mạng, thì nước đó có lực mạnh hơn, do đó ảnh hưởng nhiều đến cả mạng/chuỗi hơn – tức là thế cao hơn.

Nếu một nước tham gia đồng thời nhiều chuỗi, nhiều mạng, nhiều ngành, thì lực và thế của nước đó trong nền kinh tế toàn cầu càng cao.

Trung Quốc là nước có lực và thế rất mạnh. Nếu xét chung, đất nước này có gần 1,4 tỷ dân và 11,8 nghìn tỷ USD GDP danh nghĩa. Tới 50% dân số Trung Quốc là dân thành thị có mức sống cao hơn nhiều khu vực nông thôn. Nước này có tới 20 thành phố có dân số 4 triệu người. Một số thành phố của Trung Quốc có số dân thậm chí lớn hơn cả một quốc gia khác và GDP bình quân đầu người tương đương với của các nước tiên tiến. Vì thế, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới cùa rất nhiều mặt hàng.

Một thị trường có lượng cầu tiềm năng khổng lồ như vậy đã giải thích tại sao gần như mạng sản xuất quốc tế nào cũng muốn đặt một số nút của mình, đặc biệt là những nút lớn ở Trung Quốc. Các ngành có nhiều mạng sản xuất chọn Trung Quốc làm hub nhất là điện tử – ICT, ô tô, chế tạo máy, dệt may, da giày, v.v…

Khi tìm địa điểm để đặt một phân đoạn sản xuất của mạng/chuỗi, các công ty đa quốc gia quan tâm đến chi phí thiết lập mạng, chi phí kết nối mạng và bản thân chi phí sản xuất. Nhờ có nền kinh tế mở cừa, môi trường đầu tư thuận lợi, kết cấu hạ tầng giao thông và liên lạc tốt gần như ngang với các nước tiên tiến, dịch vụ logistics phát triển, lượng cung lao động kỹ năng dồi dào dẫn tới hiệu quả lao động (efficiency wage) thấp ngay cả so với các nước cùng trình độ phát triển khác, và đặc biệt là nhờ các khu vực hội tụ ngành, liên kết ngành, nên Trung Quốc là địa điểm đầu tư có chi phí rất thấp. Hầu như các mạng sản xuất quốc tế đều chọn Trung Quốc làm một trong những hub quan trọng nhất. Trung Quốc vừa là hub để lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh (các tỉnh duyên hải), vừa là hub sản xuất linh kiện và nguyên phụ liệu (cả các tỉnh duyên hải lẫn tỉnh sâu trong nội địa) của các mạng/chuỗi.

Cho tới nay, các chức năng chính trong chuỗi mà Trung Quốc tham gia thường là logistics trước sản xuất, công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói, logistics sau sản xuất – những khâu có giá trị gia tăng khá thấp. Song đây lại là những chức năng mà chi phí chìm cho đầu tư lớn, khiến cho các mạng/chuỗi một khi đã chọn Trung Quốc làm địa điểm thì khó rời đi (hiện tượng big foot). Dù xét từ góc độ chuỗi giá trị toàn cầu, phần đóng góp giá trị gia tăng của Trung Quốc còn chưa lớn, nhưng ở góc độ mạng sản xuất toàn cầu, Trung Quốc nắm khâu sản xuất, có khả năng sản xuất với chi phí thấp gần như hầu hết các linh kiện, nguyên phụ liệu. Chính vì hầu hết các mạng/chuỗi đều chọn Trung Quốc làm hub cho các chức năng nói trên mà Trung Quốc trở thành “nhà máy của thế giới”.

Cũng chính vì các mạng/chuỗi chọn Trung Quốc làm hub chính cho các chức năng nói trên, nên nhân công đối với các chức năng tương ứng ở Bắc Mỹ và EU không tăng suốt từ năm 1995 đến thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 và thậm chí còn giảm ở Nhật Bản. Không chỉ với lao động kỹ năng cao mà cả lao động kỹ năng trung bình và thấp ở các nước tiên tiến cũng bị lấy mất việc làm và chịu cảnh nhân công giảm. Đây chính là biểu hiện của giải công nghiệp hóa (de-industrialization) ở các nước tiên tiến do nhân tố Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào linh kiện sản xuất ở Trung Quốc của các nước tiên tiến càng trở nên rõ ràng hơn khi rất nhiều khí tài quân sự của các cường quốc phương Tây ít nhiều đều có linh kiện do công ty Trung Quốc cung cấp bất chấp chính quyền các nước đó tìm cách ngăn chặn.

Mặt khác, dù vẫn còn nhỏ, nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng ở Trung Quốc tăng lên rất nhanh theo thời gian. Có điều này là do số lượng linh kiện, nguyên phụ liệu sản xuất ở Trung Quốc ngày càng lớn. Đồng thời, các công ty đa quốc gia quốc tịch nước ngoài ngày càng quan tâm đặt chức năng thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) và các trung tâm quản trị địa phương của mình ở Trung Quốc. Tại thời điểm năm 2010, có 400 trong 500 công ty đa quốc gia ở danh sách Forbes 500 lập trung tâm R&D ở Trung Quốc. Cả Trung Quốc thời điểm đó có đến 1200 trung tâm R&D. Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu của các công ty đa quốc gia khi tìm địa điểm mở trung tâm R&D ở nước ngoài. Những năm 1990, các mạng/chuỗi chỉ chọn Trung Quốc làm nơi lắp ráp, nhưng sau đó dần dần chọn làm nơi sản xuất linh kiện, nguyên phụ liệu. Thời gian đầu, Trung Quốc sản xuất được ít linh kiện, nguyên phụ liệu, nên để phục vụ lắp ráp, Trung Quốc phải nhập khẩu. Dần dần, hầu hết các linh kiện, nguyên phụ liệu đã được sản xuất ở Trung Quốc bởi cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn doanh nghiệp địa phương. Có những ngành như dệt – may, da – giày, Trung Quốc toàn bộ nguyên phụ liệu được sản xuất ở ngay Trung Quốc để phục vụ cắt – may – đóng gói ở trong nước hoặc xuất sang các nước khác cắt – may – đóng gói. Tương tự như vậy, ngành điện tử – công nghệ thông tin, văn phòng phẩm, v.v… Hiện nay, rất nhiều sản phẩm ghi “Made in China” thì có thể hiểu là toàn bộ khâu sản xuất hữu hình được tiến hành ở Trung Quốc ngoại trừ các chức năng vô hình như branding, R&D, design, phân phối và bán lẻ, marketing và bán hàng, dịch vụ sau bán hàng, … Đối với các nước khác, thường sản phẩm chỉ ghi “Assembled in …” do họ chỉ lắp ráp hoặc vừa lắp ráp vừa sản xuất một vài linh kiện, nguyên phụ liệu.

Không chỉ gần như nắm trọn các khâu sản xuất, chế biến của rất nhiều mạng sản xuất toàn cầu do các công ty đa quốc gia quốc tịch nước ngoài dẫn đầu, Trung Quốc còn ngày càng có nhiều mạng sản xuất do các công ty đa quốc gia Trung Quốc dẫn đầu. Trong trường hợp này, Trung Quốc nắm trọn gần hết các chức năng của mạng, bao gồm cả xây dựng thương hiệu và tạo ra gần hết giá trị gia tăng của sản phẩm. Chính thị trường nội địa khổng lồ và nắm chức năng sản xuất hầu hết các linh kiện, nguyên phụ liệu là nhân tố giúp Trung Quốc xây dựng mạng riêng, giúp không ít công ty Trung Quốc từ chỗ là người đi làm hàng gia công vươn lên thành các công ty sở hữu thương hiệu riêng. Thông thường, các công ty đa quốc gia khác phải có bản lĩnh dựa trên tri thức, còn gọi là lợi thế đặc thù của công ty (FSA) thì mới thành công được và điều này đòi hỏi thời gian dài. Song, các công ty Trung Quốc dù FSA kém nhưng lại biết khai thác lợi thế đặc thù của quốc gia (CSA) gồm tính kinh tế nhờ quy mô do thị trường nội địa khổng lồ, hình thức liên kết tập trung về mặt địa lý của các cụm liên kết ngành, nhân công rẻ để thành công.

Bên cạnh đó, ý thức được FSA của mình yếu, các công ty của Trung Quốc đã tận dụng CSA của mình để liên kết với các công ty đa quốc gia nước ngoài, từ đó học hỏi và dần nâng FSA của mình lên. Chính phủ Trung Quốc cũng có những biện pháp cụ thể trong các chương trình phát triển khoa học công nghệ quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp của mình. Nêu như vào năm 2002, chỉ có một công ty Trung Quốc lọt vào danh sách 1000 công ty đầu tư cho R&D nhiều nhất thế giới do Department for Business Innovation & Skills của Anh lập, thì đến năm 2010, đã có mười công ty Trung Quốc lọt vào danh sách. Một số công ty đa quốc gia của Trung Quốc thậm chí còn mua lại các công ty công nghệ của nước ngoài với hy vọng hấp thu được năng lực đổi mới – sáng tạo cũng như sở hữu thương hiệu đã thành danh. Điển hình trong số các thương vụ như vậy là trường họp Lenovo mua lại mảng sản xuất máy tính xách tay của IBM và mua lại mảng sản xuất điện thoại di động Motorola Mobilty từ Google, vụ Lenovo liên doanh với Sharp, hay vụ Haier mua lại mảng thiết bị điện gia dụng của General Electric, vụ Geely mua lại mảng ô tô của Volvo, vụ Canyon Bridge Capital Partners mà đứng sau là China Reform Fund Management của Chính phủ Trung Quốc định thâu tóm Lattice Semiconductor nhưng bị Tổng thống Trump chặn lại, v.v… Tranh thủ thời cơ do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 mang đến – khi hàng loạt công ty của phương Tây gặp khó khăn về tài chính, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà nước nhất là dưới thời Tập Cận Bình, các công ty Trung Quốc đã gia tăng rất nhanh số lượng và giá trị của các thương vụ mua lại.

Nhờ những nỗ lực như trên, rất nhiều thương hiệu của Trung Quốc sau khi nổi tiếng ở Trung Quốc đã tiếp tục nổi tiếng ở phạm vi khu vực, thậm chí có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, nhất là trong ngành điện tử – ICT, như BOE, Changhong, Haier, Hisense, Huawei, Konka, Leiĩovo, Panda Electronics, Oppo, Skyworth, SVA, TCL, Xiaomi, ZTE. Trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo thiết bị mạng, Huawei (Trung Quốc) thậm chí đang thách thức vị trí số một thế giới của Cisco (Mỹ). Ngoài lĩnh vực điện tử – ICT, các ngành Internet, bán lẻ, tài chính, năng lượng và bất động sản cũng có nhiều công ty đa quốc gia lớn của Trung Quốc đầu tư lớn cho đổi mới – sáng tạo, tạo được thương hiệu và vươn ra toàn cầu, như BYD (ô tô), CCCC (xây dựng và bất động sản), CNOOC (khai thác dầu ngoài biển), China Mobile (viễn thông), Geely (ô tô), Shanghai Electric (sản xuất điện), Suntech Power (tấm năng lượng mặt trời), Zoomlion (thiết bị xây dựng và vệ sinh), v.v… Năm 2017, trong danh sách 500 công ty có doanh thu lớn nhất thế giới theo Fortune Global 500 list, có tới 109 công ty Trung Quốc, trong đó ba công ty gồm Công ty Mạng lưới điện quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Hóa dầu Trung Quốc lọt vào nhóm 4 công ty lớn nhất. So với chỉ 16 công ty vào năm 2004, tốc độ gia tăng số lượng công ty Trung Quốc trong Fortune Global 500 list như vậy là cực nhanh.

Việc các công ty Trung Quốc vươn ra nước ngoài, sở hữu các thương hiệu riêng và lập mạng sản xuất quốc tế chịu sự chi phối của mình rõ ràng làm cho thế và lực về kinh tế của Trung Quốc được nâng lên rõ rệt. Trung Quốc đã trở thành người có thể quyết định sự phân công lao động quốc tế, “cấp Visa” cho các nước khác tham gia vào sự phân công lao động này.

Còn Phần 2 …

(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here