Báo chí Bangladesh các ngày từ 13 đến 16/4 đưa tin, Chính quyền các khu kinh tế của Bangladesh (BEZA) sẽ ký Thỏa thuận với một công ty của Trung Quốc trong tháng 4/2018 để nhận được số vốn đầu tư trị giá 5 tỷ USD nhằm triển khai xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện. Đây sẽ là dự án riêng lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay tại Bangladesh. Nhà đầu tư, Công ty Zhejiang Jindun Pressure Vessel của Trung Quốc sẽ triển khai dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, đồng thời xây dựng nhà máy biến chất thải từ quá trình sản xuất nhiệt điện để làm thành gạch. Chủ tịch BEZA Paban Chowdhury cho biết, Bangladesh sẽ dành 202 hecta đất tại khu kinh tế Mirsarai ở thành phố Chittagong phục vụ triển khai dự án này. Công ty Zhejiang sẽ phải trả khoảng 38 triệu USD tiền thuê đất trong vòng 50 năm. Đổi lại Bangladesh đã nhận được 2,45 tỷ USD vốn FDI trong năm 2016-17. Dự án nhà máy nhiệt điện sẽ được hoàn thành trong vòng 3 năm kể từ sau khi Thỏa thuận được ký kết. Trong giai đoạn đầu, công suất thiết kế của nhà máy là 1.320 MW với hai tổ hợp. Công ty Zhejiang mong muốn nâng công suất thiết kế của nhà máy lên 2.640 MW. Do Bangladesh luôn ở trong tình trạng thiếu hụt điện năng phục vụ sinh hoạt và sản xuất, BEZA đã dành nhiều ưu đãi cho dự án sản xuất điện của các công ty Trung Quốc.
Một thông tin khác đáng chú ý, Thủ tướng Bangladesh đã nhất trí tiếp nhận khoản cho vay trị giá 2,67 tỷ USD từ Trung Quốc để triển khai dự án đường sắt cầu Padma. Theo các quan chức của Bangladesh, khoản vốn cho vay của Trung Quốc có thời hạn vay là 20 năm; lãi suất cố định là 2,0%. Với việc thông qua này, dự kiến Hợp đồng cho vay giữa Bangladesh và Trung Quốc sẽ được ký kết trong tháng 4/2018 và dự án xây dựng sẽ bắt đầu trong năm nay. Đây là dự án tuyến đường sắt lớn nhất của Bangladesh, được Chính phủ nước này phê duyệt triển khai gần 2 năm trước với tổng số vốn là 349,90 tỷ Taka (tương đương 4,2 tỷ USD). Dự án tuyến đường sắt cầu Padma có tổng chiều dài là 225 km nhằm kết nối thủ đô Dhaka với phần phía nam của đất nước, đặc biệt là cảng biển Mongla và cảng đất liền Benapole. Toàn bộ dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2022. Dự án này nằm trong tuyến Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (BCIM EC) và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
(ĐSQVN tại Bangladesh)