Ngân hàng Thế giới đặt câu hỏi về dự kiến tăng trưởng GDP của Bangladesh năm nay

0
66

Trong buổi họp báo hôm 9/4 tại Dhaka, Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bangladesh đã đặt câu hỏi về con số dự kiến tăng trưởng GDP 7,65% trong năm tài chính 2017-18 do Cục Thống kê Bangladesh công bố hồi tuần trước. Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Zahid Hussain cho rằng hai nguyên nhân mà phía Bangladesh đưa ra là tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực sản xuất và gia tăng nhu cầu nội địa là chưa thuyết phục. Ông cho rằng năng lực sản xuất từ năm ngoái đã không tăng do đầu tư tư nhân hầu như đình trệ.

Về tốc độ tăng nhu cầu nội địa là 7-8%, ông Zahid cho rằng tốc độ này sẽ đạt được nếu có sự gia tăng đáng kể về công ăn việc làm và lương của công nhân hoặc gia tăng đáng kể dòng kiều hối. Tuy nhiên, WB không nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể của một trong hai nhân tố trên. Ông Zahid đưa ra con số: tỷ lệ tăng của công ăn việc làm và lương của công nhân trong năm 2017 lần lượt là 2,2% và 2,7%; kiều hối từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018 mặc dù được phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm, chỉ đạt 2,7% thấp hơn so với với cùng kỳ năm tài chính 2015-16.

Ngoài ra, WB cũng phản biện về vấn đề tốc độ giảm nghèo và vấn đề bất bình đẳng. Ông Zahid cho biết tốc độ giảm nghèo của Bangladesh đã giảm từ 1,7 điểm % trong giai đoạn 2005-10 xuống còn 1,2 điểm % trong giai đoạn 2010-16 mặc dù tốc độ tăng GDP trung bình đạt từ 6,1-6,5% trong giai đoạn 2010-16. Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, WB cũng đã chỉ ra những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Bangladesh như tiến triển của các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, tăng số lượng những mặt hàng may mặc xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, phục hồi của dòng kiều hối… WB đưa ra dự báo tốc độ tăng GDP của Bangladesh trong năm nay là 6,5 – 6,6%. WB đánh giá nền kinh tế Bangladesh có tốc độ tăng trưởng nhanh do sự tăng trưởng trở lại của xuất khẩu, dòng kiều hối, cũng như thành quả trong sản xuất nông nghiệp.

WB khuyến nghị Chính phủ Bangladesh cần tiến hành cải cách trong lĩnh vực ngân hàng cũng như thận trọng khi ban hành các chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái… trong bối cảnh lạm phát của nước này gia tăng và áp lực tăng chi ngân sách cho việc tổ chức bầu cử và giải quyết cuộc khủng hoảng người Rohingya.

(ĐSQVN tại Bangladesh – The Daily Star, The Financial Express).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here