Việt Nam – Hàn Quốc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể

0
470
Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.
Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.

Ngày 22/3, nhân dịp Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 – 24/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Paik Un Gyu. Hai bên đã đề xuất những nội dung hợp tác cụ thể, thực chất, có tính khả thi.

100 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2020

Về hợp tác thương mại, hai Bên đã thảo luận cởi mở và đề xuất những giải pháp căn cơ nhằm duy trì hoạt động hợp tác kinh tế thương mại song phương theo định hướng của Lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra. Ngoài những nội dung trao đổi về việc tiếp tục hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như chia sẻ thông tin về thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu cho hàng hóa xuất nhập khẩu; kết nối cung cầu và hỗ trợ đưa hàng hóa và hệ thống phân phối của nhau, đặc biệt các hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và hệ thống phân phối của Hàn Quốc… cũng đã được hai Bộ trưởng chỉ ra và yêu cầu cả hai Bên đưa vào Kế hoạch hành động giữa hai nước để triển khai mục tiêu 100 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2020. Đặc biệt, hai Bộ trưởng đã đưa ra sáng kiến thiết lập cơ chế hợp tác 4 Bên giữa hai Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp 2 nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại nông sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Hàn Quốc trong thời gian tới.

Hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục hợp tác chặt chẽ triển khai hiệu quả những thỏa thuận đạt được từ Kỳ họp lần thứ 8 UBHH Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác Điện hạt nhân, Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại đã được tổ chức tại Tp Hồ Chí Minh vào tháng 2/2018 vừa qua, trong đó Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu cơ bản; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang quan tâm như sản xuất phụ tùng, động cơ, thiết bị, lốp xe từ cao su tự nhiên cho ngành công nghiệp ôtô; linh kiện và các thiết bị bán dẫn cho ngành công nghiệp điện/điện tử; xơ sợi, dệt vải, da giày và phụ kiện phục vụ ngành công nghiệp dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến, phân phối và logistics…nhằm về dài hạn sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và sản phẩm Việt Nam, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại bền vững.

Hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hai Bên thảo luận và nhất trí tăng cường hợp tác điện lực, kêu gọi Hàn Quốc hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm phát triển các dự án điện trong quy hoạch tổng thể phát triển điện lực của Việt Nam; Tăng cường hợp tác đầu tư vào tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp và khu công nghiệp; Tìm hiểu các cơ hội phát triển thị trường cacbon trong lĩnh vực Tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam và kết nối các dự án với khu vực tư nhân; Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các chính sách và các giải pháp về năng lượng và biến đổi khí hậu của hai quốc gia; Hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước đầu tư và phát triển trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo; Hợp tác toàn diện về an toàn năng lượng…

Ngoài ra, hai Bộ trưởng thảo luận vào những vấn đề có tính lợi ích chung giữa hai nước, đặc biệt về việc tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và thương mại; các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp hai nước như tăng cường mở rộng hợp tác về phòng vệ thương mại trong bối cảnh hai nước ngày càng hội nhập sâu rộng và phải đối phó ngày càng nhiều với các biện pháp tự vệ của các nước; Tạo các cơ chế, diễn đàn để doanh nghiệp hai nước hợp tác, kết nối… Hai Bộ trưởng cũng thảo luận thêm về hợp tác trong khung khổ cơ chế đa phương, nhiều bên trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và vì lợi ích của các bên, nhất là việc thực thi các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực và trên thế giới như RCEP, CPTPP…

Hai Bên đã thống nhất ký kết những văn kiện quan trọng liên quan đến việc triển khai thỏa thuận Cấp cao giữa hai nước cũng như giữa hai Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Cụ thể:

07 văn kiện cấp Bộ trưởng, Biên bản ghi nhớ về xây dựng Chương trình hành động giữa Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam giai đoạn 2018-2020 nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng và Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam về Phòng vệ Thương mại, Công nghiệp ôtô, Phát triển điện lực, hợp tác dệt may và da giày, hợp tác toàn diện về an toàn năng lượng).

01 văn kiện cấp Thứ trưởng, giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Samsung về khóa đào tạo tư vấn viên trong lĩnh vực cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng. 2 văn kiện cấp Cục/Vụ chức năng, gồm Biên bản ghi nhớ giữa Viện Phát triển công nghệ Hàn Quốc – KIAT và Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Việt Nam về Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) và Biên bản ghi nhớ giữa Cục Năng lượng Hàn Quốc và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng).

Đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu

Trong nhiều năm qua Hàn Quốc luôn là đối tác th­ương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thương mại hai chiều đã tăng mạnh mẽ  từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 61,5 tỷ USD vào năm 2017, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm điện tử, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại…

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc các mặt hàng thuộc Nhóm hàng linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải các loại, máy móc, thiết bị phụ tùng khác,hóa chất, phân bón,…

Theo số liệu thông kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 61,5 tỷ USD, tăng 41,3% so với năm 2016, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30%, kim ngạch nhập khẩu đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3%. 2 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Hàn Quốc đạt 10,3 tỷ USD, tăng 32,4%, trong đó xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, tăng 45,6%, nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2017.

Chu Văn

BOX

10 Văn kiện ký kết giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Hàn Quốc

  1. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Hyundai Motor và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy ôtô Hyundai Thành Công thứ 2 ở Ninh Bình;
  2. Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Điện lực Đông Nam Hàn Quốc, Tập đoàn TNHH Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan Hàn Quốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp tác trong khuôn khổ dự án trình diễn về năng lượng tái tạo bao gồm điện gió và tích trữ năng lượng;
  3. Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực điện lực;
  4. Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn TNHH Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan Hàn Quốc và Tổng Công ty Xây dựng số 1 Việt Nam về hợp tác phát triển các dự án điện gió;
  5. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Xây dựng và Cung ứng dịch vụ nhà máy điện, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện Việt Nam về trong lĩnh vực kỹ thuật bảo trì thiết bị điện;
  6. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty LG Hải Phòng và Trường Đại học Hàng hải Việt Nam về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực;
  7. Biên bản ghi nhớ giữa Công ty LG Hải Phòng và Trường Đại học Hải Phòng về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực;
  8. Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Hàn Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam về hợp tác trong ngành công nghiệp máy móc và thiết bị;
  9. Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Nhà thầu Điện lực Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thái Nguyên về hợp tác đào tạo và trao đổi chuyên gia và kỹ sư ngành điện lực;
  10. Biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Năng lượng mới và tái tạo Hàn Quốc và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here