Sách trắng của EuroCham chỉ ra những lĩnh vực Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn

0
135
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet phát biểu tại Lễ công bố. (Ảnh: Vi Vi)
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet phát biểu tại Lễ công bố Sách Trắng và Triển vọng EVFTA 2018. (Ảnh: Vi Vi)

Mới đây, tại sự kiện kép “Kỳ vọng EVFTA 2018, 30 năm FDI/20 năm thành lập EuroCham/10 năm ra mắt Sách Trắng”, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa chính thức công bố ấn phẩm lần thứ 10 của Sách Trắng và đưa ra các  triển vọng về Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam

Năm 2018 cũng là năm đánh dấu mốc 20 năm thành lập 20 EuroCham và 30 năm xây dựng Luật Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cho phép Việt Nam tiếp nhận những đợt sóng đầu tư đầu tiên từ thế giới.

Sách Trắng xuất bản lần thứ 10 tập hợp những quan điểm và góc nhìn của các công ty thành viên EuroCham hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ấn phẩm đã gây được tiếng vang khi thể hiện nguyện vọng của các doanh nghiệp châu Âu trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển những khuôn mẫu pháp lý, đóng góp vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh thịnh vượng ở Việt Nam vì lợi ích của tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư và xã hội.

Theo nhận định của Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet, xét về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã trải qua một năm đầy lạc quan. Với tốc độ tăng trưởng GDP 6,8%, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực. Không những vậy, đã thu hút thành công gần 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017, tăng 44,2% so với năm trước đó.

Để có được kết quả này, EuruCham ghi nhận, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong việc tiếp cận và đề cao vai trò thiết yếu của doanh nghiệp FDI, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo những phân tích từ Sách trắng vẫn chỉ ra những lĩnh vực Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa, trong đó đáng kể là các rào cản về thương mại, vấn đề tiếp cận vốn, lao động thiếu kỹ năng, tham nhũng, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, mức thuế, lạm phát cao, chính sách ngoại tệ, quy định về lao động hạn chế… đang được cho là thách thức đối với doanh nghiệp FDI hiện nay.

Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm nay, đa số các doanh nghiệp châu Âu đều tin tưởng rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng tiếp tục, với 46,4% số lượng phản hồi là ổn định và cải thiện.

Thúc đẩy để ký kết EVFTA trong năm 2018

Thảo luận về Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam, hứa hẹn sẽ có hiệu lực trong năm 2018. Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định những đóng góp quan trọng của Chính phủ Việt Nam đối với EVFTA. Phó Thủ tướng cho hay, các công việc chuẩn bị cho ký kết EVFTA về cơ bản đã được hoàn tất, chỉ còn một vài vấn đề về kỹ thuật cần trao đổi thêm. “Tôi tin rằng với sự thiện chí của cả hai phía, những vấn đề này sẽ sớm được giải quyết trước mùa hè để tiến tới chính thức ký hiệp định EVFTA”, Phó Thủ tướng nói.

Ghi nhận những kiến nghị từ phía doanh nghiệp FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị cao nhất. Có những kiến nghị trong Sách trắng nêu, Việt Nam đã giải quyết, cần thời gian để bàn luận thêm và có những kiến nghị đã được đưa vào các cam kết trong khuôn khổ EVFTA. Khi Hiệp định này được thông qua, thì những vướng mắc này cũng được giải quyết.

Theo Đại sứ Bruno Angelet, năm 2018 là năm đánh dấu những cột mốc lịch sử quan trọng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hội đồng chung châu Âu. Đây cũng là thời điểm đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ cả hai phía để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai mối quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do. EU cam kết thúc đẩy mạnh mẽ các công việc ký kết hiệp định EVFTA càng sớm càng tốt. Vì vậy, Việt Nam và EU cần tập trung cao độ trong việc hoàn thành khuôn khổ pháp lý vào cuối tháng Ba. Đồng thời, các bên chuẩn bị thực thi lộ trình của EVFTA.

Hiệp định EVFTA được coi là một trong những Hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Sau khi Hiệp định đi vào thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu).

Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số hơn 90 triệu người.

An Sinh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here