Dầu lửa Mỹ tác động lớn đến tình hình sản xuất dầu lửa toàn cầu trong 5 năm tới

0
102

Việc giá dầu vẫn giữ ở mức trên 60 USD/thùng khiến các nhà sản xuất dầu ở Mỹ không có lý do gì để giảm sản lượng, việc này đồng thời cũng làm gia tăng áp lực lên các nước OPEC và Nga. Các nhà khai thác dầu mỏ bằng công nghệ thủy lực ở Mỹ đang đẩy nhanh việc khai thác dầu thô ở Texas, North Dakota và Colorado, bất chấp các nhà sản xuất dầu mỏ nước ngoài đang hạn chế sản lượng để ổn định giá dầu.

Ngày 12/3, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng công suất thêm 131.000 thùng/ngày để tăng sản lượng của 7 mỏ dầu lớn nhất nước lên gần 7 triệu thùng/ngày vào tháng 4 năm nay. Sản lượng tăng thêm sẽ chủ yếu đến từ các mỏ dầu ở Permian Basin và Eagle Ford thuộc bang Texas. Dự báo trên được đưa ra một tuần sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)  nói với các nhà điều hành các hãng năng lượng tại Houston trong Hội nghị CERAWeek (5-9/3) rằng trong vòng 5 năm tới, Mỹ sẽ sản xuất lượng dầu thô đáp ứng đủ cho 60% lượng cầu tăng trên toàn cầu. Đây là một phần của đợt bùng nổ khai thác dầu thứ 2 của Mỹ trong vòng một thập kỷ qua, có thể khiến OPEC và Nga tiếp tục phải kéo dài thỏa thuận Vienna giữa OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác do Nga đứng đầu. Các nước tham gia thỏa thuận Vienna cam kết cắt giảm tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày nhằm nâng giá dầu lên sau 2 năm sụt giá.

Khi giá dầu tăng trên 60 USD/thùng trong năm nay, các nhà phân tích đã nhắc lại dự báo Mỹ sẽ tăng sản lượng dầu thô ở mức chưa từng thấy. Giá dầu Mỹ ở mức 61,36 USD/thùng vào ngày 12/3, giảm 68 cent – tuy nhiên vẫn ở mức khuyến khích các nhà khai thác ở Texas tiếp tục khoan các giếng dầu khí. IEA tin rằng, với mức giá 60 USD/thùng, sản lượng dầu lửa của Mỹ sẽ tăng 3,8 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới, lên mức hơn 13 triệu thùng/ngày. Trong cùng giai đoạn đó, IEA cũng dự báo nhu cầu dầu lửa của thế giới sẽ tăng 6,4 triệu thùng/ngày.

Theo S&P Global Platts – nhà cung cấp thông tin và phân tích tình hình hàng hóa, hồi tháng 2, các thành viên OPEC sản xuất khoảng 32,4 triệu thùng/ngày, giảm 70.000 thùng/ngày do sản lượng của Venezuela tiếp tục giảm. Sản lượng của Venezuela đã giảm 7 tháng liên tiếp xuống còn 1,57 triệu thùng/ngày – mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, do công ty dầu lửa quốc gia của nước này (PDVSA) đang trong tình trạng thiếu hụt ngân sách, phải chật vật thanh toán tiền hóa chất cần dùng để tách dầu thô nặng. Các nhà phân tích dự báo sản lượng của Venezuela có thể tiếp tục giảm, nếu Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt ngăn PDVSA xuất khẩu dầu, nhập khẩu hóa chất và trả nợ.

Triển vọng Mỹ tăng sản lượng chắc chắn sẽ xảy ra. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ dự liệu các nhà sản xuất dầu lửa tại mỏ Permian (miền Tây Texas) sẽ tăng sản lượng thêm 80.000 thùng/ngày vào tháng 4 và mỏ Eagle Ford (miền Nam Texas) sẽ tăng thêm 23.000 thùng/ngày. Việc tăng sản lượng trên có thể tăng sản lượng ở mỏ Permian, trải rộng khắp miền Tây Texas và miền Đông New Mexico lên 3,16 triệu thùng/ngày. Tháng trước, sản lượng khu vực này đã vượt qua mức 3 triệu thùng/ngày. Ở mỏ Eagel Ford, sản lượng sẽ tăng lên đến 1,33 triệu thùng/ngày. Mỏ Bakken Shale ở North Dakota và vùng Niobrara phần lớn thuộc Colorado, sẽ tăng sản lượng thêm 12.000 thùng/ngày. Tổng cộng, 7 khu vực mỏ dầu đá phiến lớn của Mỹ sẽ sản xuất 6,95 triệu thùng mỗi ngày. Như vậy, dầu lửa Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất dầu lửa toàn cầu trong vòng 5 năm tới.

(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, Texas, theo Houston Chronicle ngày 13/3/2018)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here