Ngày 1/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhôm và thép lên mức lần lượt là 10% và 25%. Kế hoạch này đang vấp phải sự chỉ trích của các doanh nghiệp Mỹ cũng như nhiều nghị sỹ đảng Cộng hoà, lo lắng các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ bị trả đũa trên thị trường quốc tế. Ngày 5/3, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết, Hạ Nghị sỹ Ryan vô cùng lo ngại về hậu quả của một cuộc chiến tranh thương mại và kêu gọi Nhà Trắng không thúc đẩy kế hoạch này. Chủ tịch Uỷ ban Chuẩn chi Hạ viện Kevin Brady cũng có thư gửi Tổng thống Trump kêu gọi giới hạn phạm vi áp dụng việc tăng thuế, tập trung vào những sản phẩm, đối tác không công bằng, không để việc áp dụng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không rút lại kế hoạch vì Mỹ đã nhiều năm bị lợi dụng bởi tất cả các quốc gia trên thế giới, với những hàng rào thương mại tồi tệ hơn thuế quan và ông cũng khẳng định không nghĩ tới chiến tranh thương mại. Ngày 5/3, ông Trump cũng tuyên bố Canada và Mexico có thể tránh bị áp dụng thuế nhập khẩu nhôm và thép nếu ký hiệp định NAFTA mới. Tuyên bố này của ông Trump ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Mexico và Canada. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo khẳng định, Mexico không thể bị áp dụng thuế mới và đây là cách thúc đẩy NAFTA một các sai lầm còn Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau cáo buộc Mỹ đang thay đổi điều kiện đàm phán.
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, tờ Japan News ngày 4/3 cho hay, Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng đáp trả Mỹ nếu nước này làm tổn hại tới các lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Lời cảnh báo này làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra trong thời gian tới. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 4/3, Người Phát ngôn của kỳ họp Chính hiệp toàn quốc Trương Nghiệp Toại cho biết: “Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Nhưng nếu Mỹ có những hành động gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết”. Ông Trương Nghiệp Toại cũng cảnh báo thêm “những chính sách hình thành từ nhận thức và đánh giá sai lầm sẽ làm tổn hại quan hệ và dẫn đến những hậu quả không bên nào mong muốn”. Hiện Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới nhưng xuất khẩu thép sang Mỹ chỉ chiếm chưa đầy 1% nhập khẩu của Mỹ và xuất khẩu nhôm ra nước ngoài chỉ 10%. Các nhà sản xuất thép của Canada, Brazil, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường của Mỹ.
Về phía EU, Cao Ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc các khả năng trả đũa, đồng nghĩa với việc tăng thuế đối với hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu vào EU”. Danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ mà EU đang dự kiến áp thuế có thể sẽ bao gồm quần bò Levis và rượu whisky ngô, với mức thuế dự kiến lên tới 25%. Bà Malmstrom cho biết thêm rằng nếu Mỹ thực hiện ý định trên, EU đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh EU sẽ “trả đũa” nhưng sẽ không làm tình hình “leo thang”. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Task cũng bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump rằng chiến tranh thương mại có tác động tích cực và “dễ thắng”, nhấn mạnh việc này chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn khi các nước sẽ gia tăng mạnh các biện pháp trả đũa với Mỹ, trong đó có cả EU.
Trong cuộc điện đàm với ông Trump ngày 4/3, Thủ tướng Anh Theresa May cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước kế hoạch của Trump. Nhà Trắng ra thông cáo cho biết hai nhà lãnh đạo Anh và Mỹ đã trao đổi về các nỗ lực đảm bảo thương mại công bằng và có đi có lại của Trump.
Tại Phần Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cựu Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen cảnh báo về hiểm họa của một cuộc chiến thương mại trong trường hợp chính quyền Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm và thép, cho rằng vấn đề này không chỉ liên quan đến quan hệ giữa Châu Âu và Mỹ, mà sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường thép ở các nước khác nên cần ngăn chặn sớm nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Phần Lan cho rằng, còn quá sớm để lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Phần Lan và Mỹ vì mặc dù kinh tế Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và điều kiện chung của thị trường thế giới nhưng vẫn có nhiều cách để thỏa thuận được với Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan cho rằng EU cần bàn bạc ngay với phía Mỹ và sớm có các biện pháp ứng phó, bởi việc Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu nhôm và thép sẽ có những tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế thế giới và Châu Âu.
Báo chí Thái Lan ngày 7/3 cũng đưa tin, Thái Lan quan ngại trước việc Mỹ xem xét áp thuế đối với thép và nhôm và cho biết, nếu quyết định trên được thông qua, các chuyên gia dự báo phạm vi ảnh hưởng sẽ diễn ra đối với thương mại toàn cầu và dẫn đến tình trạng mất việc làm. Việc tăng giá đầu vào nguyên liệu thép và nhôm cũng sẽ khiến giá thành sản phẩm của ngành sản xuất ô tô và dầu tăng cao sẽ có khả năng mất thêm công ăn việc làm hơn dự kiến.
(Tổng hợp từ ĐSQVN tại Mỹ, Italia, Phần Lan và Thái Lan)