Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2-4/3, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind, tờ The Economic Times đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Xin trích đăng một số nội dung của bài phỏng vấn.
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết kế hoạch mở rộng quan hệ kinh tế của Việt Nam với Ấn Độ như thế nào?
Ấn Độ tiếp tục là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã và đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Ấn Độ dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển và giáo dục – đào tạo; quan tâm thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, thông tin, truyền thông, năng lượng, dầu khí, nông nghiệp, du lịch. Gắn kết văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, sâu đậm; phim truyền hình Ấn Độ và Yoga đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Việt Nam.
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc (LHQ). Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”, tăng cường kết nối, hợp tác phát triển với ASEAN. Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ trong giai đoạn 2015 – 2018, Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.
Thưa Ngài Chủ tịch nước, những lĩnh vực mới mà Việt Nam đang tìm kiếm đầu tư từ Ấn Độ là gì?
Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam – Ấn Độ là một trong những lĩnh vực có bước phát triển nhanh thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Ấn Độ là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch song phương tăng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua; đứng thứ 28/126 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 168 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 756 triệu USD trong năm 2017. Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như TATA, ONGC, Essar… đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, cũng như đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng kết cấu hạ tầng… là các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Hai nước cần tăng cường kết nối cả về song phương và khu vực, kết nối về hạ tầng như đường không, đường bộ, hàng hải và kết nối số. Cùng với đó, hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với chính phủ, tạo diễn đàn để chia sẻ quan tâm, chiến lược và tầm nhìn về hợp tác phát triển. Doanh nghiệp hai nước cũng cần chủ động, quyết liệt trong việc thúc đẩy hợp tác.
Ngài đánh giá như thế nào về chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ? Không chỉ trong khuôn khổ song phương, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc. Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ trong triển khai chính sách “Hành động hướng Đông,” tăng cường kết nối, hợp tác phát triển với ASEAN. Với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018, Việt Nam tích cực hợp tác với Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN.
Trải qua 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và 1 năm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ, Ngài đánh giá như thế nào về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam?
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai dân tộc luôn chia sẻ và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Với sự tin cậy và chia sẻ nhiều lợi ích chung, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tháng 7/2007 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện tháng 9/2016. Mối quan hệ tốt đẹp này đã được cụ thể hóa trên các lĩnh vực, nhất là các trụ cột chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo và giao lưu nhân dân.
Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng gắn bó thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều đã đến thăm Ấn Độ. Việt Nam cũng đã đón Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ tới thăm.
Trong năm hữu nghị 2017, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm triển khai Đối tác chiến lược. Hai bên cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020.
PV. (theo Economic Times)
BOX
- Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì ổn định ở mức trên 5,5 tỷ USD và tăng lên mức 7,5 tỷ USD vào năm 2017, tăng trưởng bình quân 16%/năm trong 10 năm qua.
- Nông sản là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, giá phù hợp. Ngoài ra, còn có những mặt hàng tiềm năng là điện tử và phụ kiện máy tính.
- Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là sau năm 2010 khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.
- Năm 2017, Ấn Độ đứng thứ 17/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư mới, tăng vốn và mua cổ phần trong 11 tháng đạt 184,01 triệu USD. Ấn Độ đang là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Tây Á với 164 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 755 triệu USD. Hầu hết các dự án đều tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và khai khoáng, đứng thứ 28/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.