Tóm tắt: Thể chế pháp lý có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, nó tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức kinh tế vận hành một cách ổn định và thông suốt. Bài viết khảo sát các thể chế pháp lý cùa một số quốc gia trên thế giới dựa trên hai nền tảng là Thông luật (Common law) và Luật Dân sự (Civil Code). Mỗi một nền tảng luật này có những điểm riêng biệt và tương đồng trong xây dựng hệ thống thể chế pháp lý phù hợp; việc học tập và ứng dụng kinh nghiệm pháp luật của hai hệ thống này cần được cân nhắc thận trọng do bản chất khác nhau. Bài viết đưa ra những gợi ý chính sách trên cơ sở lựa chọn những điểm hợp lý của thể chế pháp lý dựa trên Thông luật và điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống dựa trên Luật Dân sự.
Hiện nay trên thế giới có nhiều học giả và nhà hoạch định chính sách vẫn còn tin tưởng vào vai trò tối thượng của nền kinh tế thị trường không có sự quản lý điều tiết của nhà nước và tự do hoá nền kinh tế trong tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của quốc gia. Thế nhưng kinh nghiệm trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường trên thế giới cho thấy hai yếu tố đó là chưa đủ để đem lại cả tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của quốc gia. Không những vậy, trong các giai đoạn phát triển khác nhau của mình, nền kinh tế thị trường và sự tự do hóa nền kinh tế cần một thể chế pháp lý phù hợp với trình độ phát triển nhằm nuôi dưỡng và tạo lập sự tăng trưởng kinh tế, đem lại sự thịnh vượng cho các chủ thể tham gia nền kinh tế thị trường. Trong thực tế, việc tạo lập một thể chế pháp lý như vậy là một nhiệm vụ khó khăn. Hơn nữa, việc tạo lập thể chế pháp lý này không phải lúc nào cũng khả thi và cách thức thiết lập thành công hệ thống đó không có những chỉ dẫn rõ ràng từ lịch sử phát triển kinh tế thị trường của các quốc gia trên thế giới.
Một trong những đặc tính căn bản của thể chế pháp lý trong việc thiết lập nó nhằm hỗ trợ và nuôi dưỡng sự phát triển của kinh tế thị trường, sự thịnh vượng của quốc gia đã thách thức các nhà phân tích định lượng trong kinh tế và các nhà hoạch định luật pháp trên thế giới là sự ổn định và tính thống nhất của thể chế pháp lý. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều quốc gia thuộc địa trên thế giói bị ảnh hưởng của các quốc gia xâm lấn trong quá khứ như Anh, Tây Ban Nha, Pháp trong việc lựa chọn và hình thành thể chế pháp lý của mình.
Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson (2001) đã có một nghiên cứu khá đầy đủ, toàn diện và khách quan về những ảnh hưởng đó khi phân biệt sự ảnh hưởng theo từng loại hình thực dân khác nhau. Trong những lãnh thổ mà điều kiện khí hậu hoặc những điều kiện khác gây nguy hiểm tới những người dân di cư từ các quốc gia thực dân đến sinh sống và lập nghiệp tại các thuộc địa, các thể chế được thiết lập nhằm giúp cho quá trình bóc lột người dân tại các thuộc địa được dễ dàng và nhanh chóng hơn, điều đó kéo theo sự hình thành và phát triển thể chế pháp lý có sự bảo vệ các quyền về tài sản không đầy đủ. Trong khi đó, tại những vùng lãnh thổ mà người dân của các quốc gia thực dân có thể định cư trên diện rộng với số lượng lớn thì các thể chế pháp lý được thiết lập để bảo vệ cho sự xâm lấn và định cư này, điều đó dẫn đến sự hình thành và phát triển thể chế pháp lý bảo vệ các quyền về tài sản khá đầy đủ và toàn diện. Các học giả trên đưa ra bằng chứng để chứng minh điều này thông qua việc đo lường sự ảnh hưởng của tỉ lệ tử vong tại các quốc gia thuộc địa tới sự khác nhau về thu nhập giữa quốc gia thực dân và thuộc địa. Kết quả cho thấy tại những quốc gia thuộc địa có hệ thống pháp lý bảo vệ các quyền tài sản tốt hơn, ảnh hưởng của tỉ lệ tử vong tới thu nhập cao hơn, điều đó cũng cho thay người dân tại đó phải chịu nguy hiểm hơn rất nhiều khi muốn nâng cao thu nhập của mình.
Nghiên cứu của Bemard Black và Anna Tarassova (2003) trình bày những phân tích sơ bộ về sự khó khăn trong thiết lập các thể chế hỗ trợ sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường, bao gồm cả các thể chế pháp lý. Các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các hành vi khác nhau có mối liên hệ với nhau theo nhiều cách thức khác nhau và do đó cần thiết phải thay đổi nhiều luật khác nhau đồng thời nhằm cải thiện chất lượng của thể chế pháp lý. Trong trường hợp của Nga, Black và Tarassova chỉ ra 59 yếu tố khác nhau trong sáu lĩnh vực phải được thay đổi để đạt được mục đích của cải tổ. Theo đó, sáu lĩnh vực này có rất nhiều mối liên hệ với nhau thông qua các yếu tố cấu thành của nó. Khó khăn này giải thích phần nào sự khó khăn trong việc triển khai tính thống nhất của một tập hợp các thể chế pháp lý khác nhau.
Bài viết này vận dụng lý thuyết về chi phí giao dịch và định lý Coase để phân tích những điểm chung trong hệ thống pháp lý của hai hệ thống chủ yếu hiện nay: hệ thống dựa trên Thông luật và hệ thống dựa trên Luật Dân sự. Trong hệ thống dựa trên Thông luật, mặc dù ngày nay có sử dụng nhiều văn bản pháp luật chính thức, nhưng các bản án được phán quyết bởi các quan tòa có vai trò quan trọng đối với phát triển các quy định của luật pháp. Ví dụ, các yếu tố để kết luận các vụ tranh chấp kinh tế tại tòa phần lớn dựa trên các bản án tương tự trước đó hơn là dựa vào định nghĩa của các văn bản luật. Do đó, để đảm bảo tính nhất quán, các quan tòa thường tuân theo các bản án tương tự đã được quan tòa cấp cao hơn phán quyết trước đó. Ngược lại, trong hệ thống dựa trên Luật Dân sự, luật và các bộ luật được biên soạn sao cho có thể bao trùm được tất cả các trường hợp và các quan tòa chì đóng vai trò diễn giải luật. Các bản án tương tự được phán quyết bởi các quan tòa cấp cao hơn chỉ đóng vai trò là tài liệu tham khảo trong quá trình ra quyết định của quan tòa. Hệ thống kinh tế phát sinh mà chưa có sự điều chỉnh của hệ thống luật hiện hành là một trong ba chân kiềng của quyền lực Nhà nước (bao gồm ba hệ thống quyền lực: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp). Hệ thống này đóng vai trò xử lý các tranh chấp lớn và vượt ra khỏi khung khổ đàm phán nội bộ giữa các doanh nghiệp. Hệ thống này đảm bảo việc các hoạt động đi ngược với pháp luật sẽ phải chịu sự trừng phạt. Sự liên kết giữa các công chức, viên chức cùa nhà nước với doanh nghiệp sẽ bị xử lý nếu các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp phát hiện. Hệ thống toà án, xét đến cùng, là cơ quan kiểm soát quyền lực nhà nước thuộc hai hệ thống còn lại và là người gác đêm cho sự vận hành một cách thông suốt của nền kinh tế thị trường, có tác dụng ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, dù là cố tình hoặc vô ý.
Hai hệ thống này có sự hình thành và phát triển khác nhau, có bản chất và cách thức điều chỉnh các hành vi trong nền kinh tế cũng khá khác nhau mặc dù đã có sự hội tụ trong lịch sử phát triển của mình. Các điểm chung của hai hệ thống này nằm ở các thành tố của thể chế pháp lý, chức năng kinh tế của thể chế pháp lý, sự tuân thủ nguyên tắc pháp lý, trong khi hai hệ thống này còn khác nhau trong việc đạt được tính hiệu quả của pháp luật trong điều chỉnh, nuôi dưỡng và phát triển nền kinh tế thị trường.
Góc độ tiếp cận của chúng tôi là lấy kinh tế thị trường làm trung tâm. Muốn cho kinh tế thị trường được phát triển hoàn thiện và vận hành thông suốt thì thể chế pháp lý cần được xây dựng và hoàn thiện. Thể chế pháp lý đến lượt nó sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng sự phát triển của nền kinh tế thị trường và làm tăng sự thịnh vượng của quốc gia. Theo đó, những thể chế pháp lý chuyên ngành nền tảng cần được chú trọng phát triển trước để tạo ra một khuôn khổ thể chế hiệu quả điều chỉnh các giao dịch trong nền kinh tế thị trường một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Trên cơ sở đó, chúng tối nhận thấy để nền kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện và vận hành thông suốt thì các thể chế pháp lý về quyền tài sản và bảo vệ các quyền tài sản cần được xây dựng rõ ràng, minh bạch trên cơ sở những định nghĩa chính xác về các quyền tài sản. Bước tiếp theo, thể chế pháp lý có tính chất hợp đồng cũng cần được xây dựng và hoàn thiện để điều chỉnh sự không tuân thủ những cam kết. Đối với các hoạt động gây tổn hại đến tài sản và tính mạng của người dân, dẫn đến sự mất đi các năng lực hoạt động hiệu quả của người dân và nền kinh tế, Bộ Luật Hình sự và Luật Trách nhiệm dân sự cần được xây dựng hoàn chỉnh để hạn chế các chi phí giao dịch phát sinh cho người dân và xã hội từ những hành vi vi phạm pháp luật của một nhóm nhỏ trong xã hội.
- Các thành tố cấu thành thể chế pháp lý nhằm hỗ trợ, nuôi dưỡng sự phát triển của nền kỉnh tế thị trường
Một thể chế pháp lý bao gồm nhiều thể chế pháp lý chuyên ngành, tổ chức pháp lý, mối tương quan có tính pháp lý và các quan niệm về pháp lý khác nhau, trong đó hàm chứa nhiều cơ chế khác nhau cho việc tạo lập các luật và văn bản pháp quy.
Thứ nhất, xét theo lĩnh vực tạo lập luật chơi, một phần của thể chế pháp lý là luật của nhà nước, các tổ chức cơ quan của nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp hoặc nghiệp hội tư nhân (như các hiệp hội thương mại), và một phần khác – đặc biệt dưới hệ thống dựa trên Thông luật – là các quyền tài phán, quan tòa và tòa án. Thể chế đó cũng bao gồm các luật và hệ thống văn bản dưới luật bắt buộc, các tòa hành chính, các trọng tài tư nhân và cả lực lượng công an.
Thứ hai, xét theo lĩnh vực hỗ trợ pháp lý, các thể chế pháp lý hỗ trợ bao gồm các tổ chức thiết lập và cung ứng dịch vụ pháp lý, các luật sư, các cơ sở đào tạo luật và các dịch vụ trợ cấp pháp lý của nhà nước.
Thứ ba, xét theo lĩnh vực thực hiện và giải quyết các vấn đề có tính pháp lý, các thể chế – cưỡng bách và tự nguyện – trong giải quyết tranh chấp bao gồm tòa án, thanh tra nhà nước, các hòa giải viên, các trọng tài và các ủy ban xem xét khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, xét theo lĩnh vực các dịch vụ ngoài thể chế pháp lý nhưng có tham gia với tư cách hỗ trợ, các thể chế hỗ trợ trong việc thực thi các chức năng của thể chể pháp lý như các chuyên viên kế toán, chuyên cung cấp các thông tin về vấn đề kinh tế-tài chính và kế toán được sử dụng trong thể chế pháp lý; các ngân hàng, nơi lưu giữ các thông tin về các giao dịch; các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, nơi cung cấp các thông tin về người tiêu dùng; các tổ chức xểp hạng cung cấp thông tin về sự tín nhiệm và hợp pháp của các doanh nghiệp; hệ thống quản lý đăng ký kinh doanh là nơi cung cấp thông tin về chủ sở hữu tài sản.
Để cho thể chể pháp lý hoạt động tối ưu, tất cả các lĩnh vực kể trên phải hoạt động trung thực, không có nạn tham nhũng và hiểu sâu sắc công việc. Hơn nữa, các thể chế thành phần đó phải phối hợp, hỗ trợ và hợp tác với nhau trong quá trình làm việc hay thực thi các chức năng của mình.
Để hình dung được sự phối hợp, hỗ trợ và hợp tác của các thể chế pháp lý thành phần, có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia chuyển đổi. Quá trình đổi mới thể chế pháp lý của các quốc gia này đã đem lại nhiều bài học kỉnh nghiệm về vấn đề trọng yếu của thể chế pháp lý, đó là các quyền về tài sản. Một điểm đáng lưu ý là không thể chỉ đơn giản chuyển hoá một tập hợp các luật trong một xã hội hiện hữu này sang một xã hội hiện hữu khác mà không tính toán đến trình độ phát triển của nền kinh tế giữa hai xã hội và hệ thống pháp luật mà thể chế pháp lý đang dựa trên đó (Paul Rubin, 1994; Adrezej Rapaczynski, 1996). Một thể chế pháp lý phải phát triển cùng với nền kinh tế thị trường, là một thành tố của nền kinh tế thị trường, nuôi dưỡng và phát triển môi trường sống của bản thân nó là nền kinh tế thị trường. Rapaczynski (1996, p.89) đã mô tả một ví dụ về các loại tài sản được sở hữu bởi một người Mỹ điển hình là: “Chỉ có một thứ tài sản hữu hình mà người đó sở hữu là một căn nhà; phần còn lại của sự giàu có có lẽ nằm trong quyền về các dòng thu nhập trong tương lai, như là lương hưu, lợi tức từ cổ phiếu của quỹ đầu tư mạo hiểm, các kỳ vọng của sự hỗ trợ từ an sinh xã hội hoặc trợ cấp y tế…”. Nếu tinh thần pháp lý đó được chuyển giao một cách cơ học sang các nền kinh tế chuyển đổi mà quên đi cơ sở kinh tế, môi trường sống của tinh thần đó thì sự vận hành của tinh thần pháp lý đó không được thông suốt và nảy sinh nhiều vấn đề có tính cơ bản…
(còn nữa)
Bùi Văn Huyền & Đỗ Tất Cường
(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)