1.4. Động cơ đầu tư:
Các công ty vừa và nhỏ của Đài Loan di chuyển cơ sở sản xuất đến Việt Nam, tận dụng lực lượng lao động dồi dào ở Việt Nam thực hiện chủ yếu các công đoạn gia công lắp ráp cho các công ty của Đài Loan. Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo, sản xuất các sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng còn hoạt động nghiên cứu sản phẩm mới, nhận đơn đặt hàng thì do các công ty mẹ tại Đài Loan đảm nhiệm.
Trong ngành dệt may, Đài Loan áp dụng phương thức OEM, đưa đơn đặt hàng và máy móc kỹ thuật sang sản xuất ở Việt Nam, sản xuất các phụ kiện sản phẩm dệt vớỉ khối lượng ít nhưng đa dạng nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp Đài Loan đã thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ nguyên liệu thô đến cơ sở hạ nguồn. Các doanh nghiệp Đài Loan đã xây dựng được mạng sản xuất với chu trình sản xuất các sản phẩm tơ- sợi- vải với chất lượng cao ở Đài Loan cung cấp cho các nhà máy may mặc ở Việt Nam. Từ đây, Việt Nam đóng vai trò như một trụ sở điều phối chế tạo để thúc đẩy mở rộng sang các quốc gia khác như Campuchia, Lào, Myanmar. Tuy mới chỉ tham gia được các công đoạn đem lại giá trị gia tăng thấp, song đầu tư của Đài Loan đã góp phần đáng kể đưa Việt Nam trở thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống thâm dụng lao động, một sổ doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Đài Loan đang khai thác cơ hội đầu tư ở phía Bắc Việt Nam như Hồng Hải Foxconn, Wintek, Microtek…
1.5. Địa bàn đầu tư
Nhìn vào bảng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào các địa phương ở Việt Nam có thể thấy địa bàn đầu tư của Đài Loan ở Việt Nam có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, nếu tính theo hệ số lũy kế, Đài Loan đầu tư vào 53/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam chỉ trừ các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, giáp biên giới với Trung Quốc (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu), Hòa Bình; các tỉnh Tây Nguyên (Kom Tum, Gia Lai, Đăk Lắk), và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (Kiên Giang, Cà Mau). Điều này cho thấy, địa bàn đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam tương đổi rộng và phủ khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Thứ hai, địa bàn đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan chủ yếu tập trung vào các tỉnh ven biển, các thành phố, khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa. Phần lớn các dự án của Đài Loan tập trung ở Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Ninh Bình… Điều đáng chú ý là, khi xem xét tỷ lệ đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan trong tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn tỉnh, tác giả nhận thấy có nhiều tỉnh tỷ lệ này tương đối lớn, như Hà Tĩnh (96,07%), Vĩnh Long (54,28%), Ninh Bình (37,58%), Bạc Liêu (34,75%), Thái Bình (29,53%), Sóc Trăng (29,33%)… Tỷ lệ đầu tư tương đối lớn như vậy sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đáng báo động.
2. Tác động của đầu tư trực tiếp của Đài Loan đối với kinh tế Việt Nam
2.1. Tác động tích cực
Thứ nhất, không thể phủ định là FDI của Đài Loan có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bổ sung nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển của Việt Nam. Điều này đã giúp cho Việt Nam có được nguồn vốn cần thiết để bổ sung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo năng lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, FDI của Đài Loan đã tạo việc làm cho một lượng lớn lao động của Việt Nam. Đặc biệt, những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày đã thu hút lao động trẻ trong nông thôn, mang lại thu nhập giúp họ giải quyết một phần nhu cầu đời sống.
Thứ ba, FDI của Đài Loan cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cẩu kinh tế. Nếu như khoảng 10 năm trước Đài Loan chỉ chú trọng đầu tư vào 2 ngành (công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) thì 10 năm sau, các doanh nghiệp của Đài Loan đã đi sâu vào đầu tư trong nhiều lĩnh vực hơn như chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải và kho bãi, kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo…
Thứ tư, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện trong khi giao dịch với các doanh nghiệp Đài Loan. Một mặt, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cao trình độ sản xuất để có thể trở thành đối tác cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Mặt khác, họ nâng cao trình độ quản lý, giao thương, đàm phán, tiếp thị để ngang tầm với các đổi tác kinh doanh.
Thứ năm, các dự án FDI của Đài Loan trong những ngành gia công cũng đã chuyển giao một số máy móc và công nghệ cần thiết giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện công nghệ và trang thiết bị sản xuất. Những công nghệ và trang thiết bị sản xuất gia công, tuy có trình độ trung bình và thấp, nhưng cũng đã đáp ứng nhu cầu tối thiểu là đầu vào cho sản xuất các sản phẩm xuất sang nước thứ ba.
2.2. Những điểm yếu kém
Hầu hết các dự án FDI của Đài Loan ở Việt Nam không có công nghệ ở mức độ tiên tiến do các nhà đầu tư sang Việt Nam chủ yếu là các công ty nhỏ và vừa, thậm chí cả các cá thể. Mục đích đầu tư chính của họ là sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam. Vì vậy, chuyển giao công nghệ tiên tiến không phải là điều thiết yếu để đạt hiệu quả kinh doanh. Ngay cả những dự án quy mô lớn cũng không có những công nghệ tiên tiến nhất. Có những dự án, danh nghĩa là của doanh nghiệp Đài Loan nhưng thực chất là công nghệ của Trung Quốc. Đơn cử như dự án Formosa Hà Tĩnh, chủ đầu tư Đài Loan đã kết hợp với nhà thầu phụ là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc xây dựng nhà máy thép với công nghệ lạc hậu (phải sử dụng than coke để luyện gang, phát thải các chất độc hại với khối lượng lớn). Những dự án với công nghệ lạc hậu nhưng được hưởng những ưu đãi về chính sách tài chính như vậy không những không tạo được cú hích theo chiều hướng nâng cao hiệu quả có lợi cho nền kinh tế, mà trái lại làm kìm hãm tốc độ đổi mới công nghệ và hạ giá thành sản phẩm, phá vỡ nền tảng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Thứ hai, FDI Đài Loan không hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Các dự án quy mô nhỏ hay vừa của Đài Loan đều trong chu trình khép kín, khó tạo được hiệu ứng lan tỏa. Các doanh nghiệp Việt khó có thể chen chân được vào.
Thứ ba, xét về khía cạnh xã hội, các dự án FDI Đài Loan ít chú ý tới việc tạo điều kiện sinh sống và môi trường lao động tốt cho người lao động. Luồng lao động của các nhà thầu Trung Quốc theo sau các dự án của Đài Loan là một vấn đề ngày càng phức tạp. Việc người Trung Quốc sang Việt Nam làm việc đã khiến những lao động phổ thông của Việt Nam rất khó kiếm việc trong các dự án của Đài Loan ở Việt Nam
Thứ tư, xét về khía cạnh môi trường, không thể phủ nhận rằng nhiều doanh nghiệp Đài Loan tuân thủ những quy tắc về môi trường trong sản xuất. Chẳng hạn, các doanh nghiệp FDI Đài Loan trong KCX Tân Thuận được quản lý bài bản có quy củ. KCX Tân Thuận có hệ thống xử thải tốt loại A. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp FDI của Đài Loan gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường Việt Nam. Ở đây đề cập đến 3 vấn đề nổi cộm là khai thác tài nguyên tận kiệt; lãng phí nguồn đất và ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với môi trường đất, nước, và không khí của Việt Nam. Những nhà máy dệt may với công nghệ nhuộm sợi ở đầu nguồn gây ảnh hưởng mạnh đến cuối nguồn. Công nghiệp da giày gây ô nhiễm hóa chất và không khí. Các ngành sản xuất như thép, giấy cũng là những tác nhân ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Có thể kể tới một số dự án đầu tư của Đài Loan gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường Việt Nam:
– Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Formosa Đồng Nai) thành lập năm 2001. Công ty này đã thuê gần hết diện tích 300 ha của KCN Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) để đầu tư dự án khu liên hợp nhà máy sản xuất sợi, nhuộm, hạt nhựa và nhiệt điện. Vào thời điểm đó, đây là dự án liên hợp lớn bởi số vốn mà chủ đầu tư Đài Loan đã rót vào đến gần một tỷ USD. Năm 2014, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Formosa Đồng Nai triệu USD), đạt lần lượt là 17.400 tỷ và 13.300 tỷ đồng. Cùng năm, công ty này cũng đạt doanh thu hơn 17.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Formosa Đồng Nai. bị dân cư địa phương khiếu kiện trường vì mang chôn chất thải nguy hại chưa xử lý và nhiều lần xả nước thải trái phép làm ô nhiễm môi trường.
– Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đầu tư dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương bắt đầu từ năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD (công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I) và có dự định tăng vốn lên 27 tỷ USD (20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II). Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm diện tích đất liền hơn 2.025 ha và diện tích mặt nước hơn 1.293 ha (cảng Sơn). Công ty đăng ký kinh doanh 11 ngành nghề quan trọng như chế tạo và mua bán gang thép; kinh doanh cảng; sản xuất xi măng; kinh doanh nhà máy nhiệt điện và nhà máy xử lý nước… Chủ đầu tư dự án Formosa nhận được nhiều ưu đãi chưa từng có như được cho thuê đất 70 năm, hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (doanh nghiệp trong nước là 22%), miễn thuế thu nhập trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền… Đầu tháng 6/2016, Formosa phải nhận trách nhiệm vì việc xả thải, gây ô nhiễm nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hải sản chết hàng loạt ở biển miền Trung. Doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD).
– Năm 2016, nhà đầu tư Đài Loan đăng ký dự án xây dựng một nhà máy giấy ở Tiền Giang với số vốn gần 300 triệu USD. Sản phẩm chính của nhà máy là giấy duplex, việc sản xuất sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do sử dụng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, mặc dù dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư, song việc triển khai dự án mới chỉ ở giai đoạn tiền khả thi. Báo cảo đánh giá tác động môi trường của dự án hiện vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, nên nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, thì dự án không được phép thực hiện.
Nguồn vốn FDI từ Đài Loan đã, đang và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, vốn FDI của Đài Loan có đóng góp nhất định cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy nhiên cũng gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Để quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan tiếp tục phát triển, cả hai phía nhà đầu tư và nơi tiếp nhận đầu tư cần cùng nỗ lực khắc phục những yếu kém và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của luồng vốn đầu tư. Phía nhà đầu tư Đài Loan không những cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của Việt Nam, đồng thời cần có cái nhìn xa hơn về triển vọng phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và thị trường Việt Nam và quốc tế có những đòi hỏi thay đổi đối với sản phẩm “made in Viet Nam”. Về phía tiếp nhận đầu tư, các địa phương, ngành và doanh nghiệp Việt Nam cần có những tiêu chí phát triển mới để đảm bảo lợi ích kinh tế và xã hội của Việt Nam. Khác với thời kỳ công nghiệp hóa trước đây thu hút vốn đầu tư bằng mọi giá, những yêu cầu về tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam đòi hỏi những tiêu chí chặt chẽ và cao hơn rất nhiều về nhiều mặt: hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm, trình độ công nghệ sản xuất, môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa FDI và các doanh nghiệp nội địa, tiêu chuẩn công bằng xã hội, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường,…. Điều đó đòi hỏi không chỉ cải thiện môi trường thể chế chung, mà mỗi ngành và địa phương cũng cần xác định rõ chiến lược thu hút đầu tư có trọng điểm với từng đối tác và từng ngành, lĩnh vực.
Phạm Bích Ngọc
Viện kinh tế và chính trị thế giới