Đầu tư trực tiếp của Đài Loan vào Việt Nam (Phần 1)

0
1928

Tóm tắt: Đài Loan có lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) xếp thứ 4 trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô số dự án và số vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam lại lên xuống thất thường; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch và thay đổi đáng kể; địa bàn đầu tư phủ rộng nhưng tỷ lệ đầu tư ở một số tỉnh tương đối lớn. Bài viết đề cập thực trạng và những tác động tích cực và tiêu cực của nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Đài Loan đối với nền kinh tế Việt Nam.

1. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Việt Nam

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan vào Việt Nam tăng nhanh nhưng tương đối thất thường cả về quy mô, cơ cấu, phương thức đầu tư và địa bàn đầu tư.

1.1. Quy mô đầu tư

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính lũy kế các dự án có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, có 2.478 dự án của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam (chiếm 12,3% tổng số dự án của cả nước) với số vốn là 31 tỷ USD (chiếm 11% tổng số vốn FDI trong cả nước). Đài Loan là đối tác xếp thứ 4 trong tổng số 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Bình quân số vốn đăng ký trên 1 dự án của Đài Loan vào Việt Nam khoảng 12,77 triệu USD, lớn hơn một chút so với con số trung bình của dự án FDI cả nước (11,375 triệu USD/dự án).

Trong thời gian 10 năm 2005-2015, số dự án và số vốn đăng ký đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có những biến động thất thường, khó dự kiến trước, số dự án FDI của Đài Loan vào Việt Nam lên xuống thất thường nhưng vẫn có xu hướng giảm đáng kể trong 7 năm đầu và chỉ tăng lại vào trong vòng 3 năm sau. Năm 2015, số dự án thấp hơn năm 2005 và thua xa năm 2007. Điều đáng chú ý là, năm 2007 chính là năm Việt Nam gia nhập WTO. Khi đó, số dự án của Đài Loan vào Việt Nam tăng vọt (từ 128 dự án tăng lên gấp đôi là 230 dự án) và số dự án này vẫn giữ mức kỷ lục trong vòng 10 năm từ 2005-2015. Số lượng vốn đăng ký đầu tư ngay năm sau đó là 2008 tăng vọt lên 8.851,7 triệu USD, gấp 8 lần so với con số 1.468,2 triệu USD của năm 2015. số lượng vốn đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam giảm mạnh nhất vào năm 2011 và lại có xu hướng tăng cao vào năm 2012, khi Việt Nam tham gia ký kết một số FTA với những điều khoản ưu đãi nhiều hơn cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Liệu những con số này có phải là biểu hiện của việc các nhà đầu tư Đài Loan luôn đón đầu các FTA của Việt Nam để có thể tận dụng những lợi ích mà sự hội nhập quốc tế của Việt Nam có thể mang lại?

Do số lượng dự án và số vốn đăng ký lên xuống thất thường nên quy mô trung bình từng năm có sự chênh lệch rất lớn. Nếu quy mô trung bình một dự án năm 2005 là 4,76 triệu USD thì đến năm 2010, con số này là 19,13 triệu USD (gấp 4 lần so với năm 2005). Song năm 2015 thì con số này tụt xuống còn 8,04 triệu USD/dự án (giảm xuống hơn một nửa so với năm 2010) (bảng 1).

Bảng 1: Cơ cấu ngành hàng của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam trong 3 năm

  Năm 2005 Năm 2010 Năm 2015
STT Ngành Số dự án Tổng vốn đầu tư (triệu USD) Quy mô trung bình Số dự án Tổng vổn đầu tư (triệu USD) Quy mô trung bình Số dự án Tông vốn đầu tư (triệu USD Quy mô trung bình
1 Vận tải kho bãi 1 1,00 1.00 2 446,19 223,10 2 7,10 3.55
2 Khai khoáng 2 10,37 5,19
3 Dịch vụ lưu trú và ăn uống 1 0,15 0,15 1 3,42 3,42 2 6,05 3,03
4 Công nghiệp chế biến, chế tạo 160 819,20 5,12 62 729,82 11,77 84 855,02 10,18
5 Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tổ, xe máy 6 2,87 0,48 15 635 0,42
6 Xây dựng 4 2,55 0,64 15 685,48 45,70 6 56,25 9,38
7 Thông tin và truyền thông 2 0,30 0,15 3 3,65 1,22 2 0,10 0,05
8 Hoạt động kinh doanh bẩt động sản 3 78,68 26,23 2 19,95 9,98
9 Hoạt động dịch vụ khác 1 1,00 1,00
10 Họat động chuyên môn, khoa học công nghệ 2 1,15 0,58 4 1,42 0,36 2 0,40 0,20
11 Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 1 2,87 2,87
12 Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 5 8,88 1,78 4 4,55 1,14 2 0,80 0,40
13 Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa 0,03 0,03
14 Giáo dục và đào tạo 1 41,30 41,30
15 Cấp nước và xử lý chất thải 1 7,50 7,50
16 Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 1 2,01 2,01
Tổng cộng 175 833,23 4,76 105 2.008,78 19,13 120 964,30 8,04

Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Công thương

1.2. Cơ cấu đầu tư

Cơ cấu các mặt hàng đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam có sự dịch chuyển, thay đổi đáng kể. Năm 2005, Đài Loan chỉ chú trọng vào hai ngành công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, năm 2010, cơ cấu đầu tư vào các ngành của Đài Loan vào Việt Nam phong phú hơn, và dàn đều ra các ngành: công nghiệp và chế biến chế tạo chiếm 36% số vốn đăng ký, ngành xây dựng với 34%, tiếp đến là vận tải và kho bãi 22%, ngoài ra còn có hoạt động kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo. Năm 2015, cơ cấu các ngành FDI của Đài Loan vào Việt Nam nghiêng nhiều hơn về công nghiệp chế biến và chế tạo (89%), sau đỏ là kinh doanh bất động sản (6%), xây dựng (5,4%).

Xây dựng khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) là những lĩnh vực mà Đài Loan tương đối dày dạn kinh nghiệm và thành công trong quá trình phát triển của mình. Khi đầu tư vào Việt Nam, ngay từ đầu, Đài Loan đã sử dụng một lượng vốn lớn để đầu tư vào lĩnh vực này. KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên của Việt Nam do Đài Loan và TP Hồ Chí Minh hợp tác đầu tư, được hình thành từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1989). KCX này nhanh chóng hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, tạo nguồn ngoại tệ mạnh, tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hơn thế nữa, việc hình thành KCX và sau này xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn (Phú Mỹ Hưng) cũng do nhà đầu tư Đài Loan khởi xướng đã chuyển đổi vùng đất đầm lầy hoang hóa, có giá trị sử dụng thấp phía Nam thành phố thành một vùng đất có giá trị sử dụng cao hơn cho mục đích phát triển công nghiệp, đô thị và cảng.

Tình hình các doanh nghiệp có vốn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, tại các khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố HCM có 143 doanh nghiệp có vốn đầu tư quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 672.767.603 USD với 27.473 lao động trong nước, 425 lao động nước ngoài., Trong đó:

  • 118 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư quốc tịch Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký là 470.844.560 US
  • 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư Đài Loan liên doanh với các quốc gia khác như Việt Nam, Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.356.000 USD.

Ngoải ra còn có 23 doanh nghiệp có vốn đầu tư quốc tịch khác đang hoạt động như Anh, Hàn Quốc, Singapore nhưng do người Trung Quốc, Đài Loan lả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký là 443.519.033 USD.

Nguồn: Theo Báo cáo trong buổi làm việc của đề tài với Phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCX-CN Tp. HCM ngày 20/6/2016

1.3. Phương thức đầu tư

Nếu trong những năm đầu của thập kỷ 1990, Đài Loan chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và công ty cổ phần hay các liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đài Loan thì từ những năm 1995 trở lạị đây, các doanh nghiệp Đài Loan chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo hình thức 100% vốn nước ngoài.

Bảng 2: Các hình thức đầu tư chủ yếu của Đài Loan vào Việt Nam

Hình thức đầu tư Số dự án Tồng vốn đầu tư (triệu USD)
100% vốn nước ngoài 2.213 26.570,20
Hợp đồng BOT, BT, BTO 1 21,91
Liên doanh 261 4.595,07
Hợp đồng hợp tác KD 12 37,09
Tổng 2.487 31.224,27

(Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài)

Ghi chú: Tính lũy kế các dự án của Đài Loan đầu tư vào Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/1998 đến 20/10/2016

Nhìn vào bảng 2 có thể nhận thấy hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm ưu thế với 2.213 dự án, với số vốn lên 26,57 tỷ USD. Hình thức liên doanh đứng vị trí thứ 2 với 261 dự án, vốn đầu tư trên 4.595 tỷ USD. Có thể nhận thấy đây là loại hình có số vốn FDI của Đài Loan vào Việt Nam tương đối cao. Loại hình hợp đồng BOT, BT, BTO chỉ có ít dự án nhưng cũng có số vốn là 21,91 triệu USD. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có 12 dự án, với số vốn đầu tư hơn 37 triệu USD…(còn nữa)

Phạm Bích Ngọc

Viện kinh tế và chính trị thế giới

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here