- Điều chỉnh chính sách của EU đối với chiến lược OBOR của Trung Quốc.
Đáp ứng những mong mỏi về chương trình “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du đến EU năm 2014, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ những ghi nhận và quan tâm của mình đối với ý tưởng trên. Theo đó, EC đã ra thông cáo chính thức phối hợp với Trung Quốc trong việc phát triển chương trình này. Những lo ngại về những tác động tiêu cực của “Con đường tơ lụa biển thế kỷ 21” đến EU được một số học giả châu Âu chỉ ra buộc EU cần và phải có những đối sách cụ thể với chiến lược này của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn mới chỉ ra tuyên bố ủng hộ các ý tưởng của Trung Quốc về sáng kiến “Một vành đai một con đường” mà chưa chính thức có những chính sách hay hành động cụ thể đối với chiến lược mới này.
Mặc dù vậy, đi sâu vào phân tích những diễn biến trong quan hệ hợp tác song phương giữa EU và Trung Quốc, có thể nhận thấy những điều chỉnh chính sách của cả hai bên với mục đích thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế – thương mại được xem là nội dung cốt lõi mà hai bên cùng quan tâm và đương nhiên có liên quan tới ý tưởng và các dự án phát triển hạ tầng trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Theo đó, Ủy ban Châu Âu đưa ra một số điểm nhấn về chiến lược này gồm: 1) Hai bên tái xác nhận tầm quan trọng của các diễn đàn đối thoại cấp cao về vấn đề kinh tế thương mại song phương; 2) Xúc tiến đàm phán Hiệp định đầu tư toàn diện EU – Trung Quốc, bao gồm các vấn đề lợi ích giữa hai bên như bảo hộ đầu tư và tiếp cận thị trường. Hiệp định này sẽ là cơ sở để hai bên tiến đến tự do hóa đầu tư và loại bỏ những kiềm chế cho các nhà đầu tư của hai bên trong việc tiếp cận thị trường. Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư ở cả hai bên và thay thế các hiệp định đầu tư song phương giữa Trung Quốc với từng thành viên riêng lẻ của EU. Đồng thời hiệp định này cũng sẽ là cơ sở để hai bên tiến đến đàm phán một hiệp định thương mại tự do toàn diện FTA. Mở rộng hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở EU cũng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của OBOR; 3) Tăng cường khả năng kết nối với OBOR, theo đó một kế hoạch đầu tư đầy hoài bão về “mạng lưới giao thông châu Âu” ước tính trị giá 315 tỉ EUR cho giai đoạn 2015-2017 đã được thiết lập, cùng với đó là chương trình cải thiện phát triển kinh tế khu vực biên giới các nước Đông Âu; các nước khu vực Địa Trung Hải với khoảng 15 tỉ EUR đã và đang được EU gấp rút triển khai; 4) Để đảm bảo sự minh bạch trong cạnh tranh đấu thầu quốc tế giữa các công ty, tập đoàn xây dựng của các nước thành viên với các công ty Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động viện trợ, cam kết hỗ trợ tài chính cho khu vực này thực hiện dự án, việc gấp rút ban hành các quy định về minh bạch hóa các thủ tục đấu thầu, huy động nguồn lực tài chính từ các tập đoàn tài chính trong và ngoài khu vực cũng đã được triển khai; 5) Việc thông qua dự án đường sắt đi xuyên qua khu vực Trung Á dẫn đến sự ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc tại khu vực này ngày càng tăng. Do vậy, EU buộc phải có các điều chỉnh chiến lược đối ngoại đối với khu vực Trung Á kể từ khi chính sách của EU được đưa ra năm 2007 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, môi trường, năng lượng và thương mại; 6) Chiến lược hợp tác EU – Trung Quốc 2020 chỉ rõ tăng cường hợp tác thông qua “Phát triển, cải tiến hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối…, khai thác các mô hình hợp tác cơ sở hạ tầng bao gồm phát hành cổ phiếu dự án, đồng dự án, hợp tác liên doanh liên kết giữa Trung Quốc, EU và các nước thành viên” khá phù hợp với OBOR.
– Về sáng kiến Ngân hàng AIIB
Trong khi Mỹ và Nhật cực lực phản đối thành lập ngân hàng AIIB với quan điểm cho rằng tổ chức này sẽ cạnh tranh và chồng chéo với các tổ chức hiện có như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) (trong đó phần lớn được thống trị bởi Mỹ và Nhật Bản) thì tính đến 31/3/2015 đã có 58 quốc gia đã chính thức nộp đơn gia nhập AIIB, trong đó có 14 nước thành viên EU: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh. Về cơ bản, EU và các nước thành viên ủng hộ sáng kiến thành lập AIIB cũng như chiến lược quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc.
Theo các học giả, việc một số quốc gia EU quyết định tham gia ngân hàng AIIB được thể hiện ở những điểm chính sau: 1) Hiện tại EU mặc dù không đóng vai trò là trung tâm quyền lực trong hệ thống quốc tế song vẫn được đánh giá là một thể chế chính trị quan trọng trên trường quốc tế. Chính vì vậy, trong bối cảnh Mỹ và Nhật cực lực phản đối, việc lôi kéo các nước thành viên EU tham gia AIIB bằng các chiến dịch vận động hành lang của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với sự thành công của OBOR; 2) Sự tham gia của các nước thành viên EU vào AIIB cũng đồng nghĩa EU đã chính thức hợp pháp hóa tổ chức non trẻ mà Trung Quốc sáng lập nhằm thỏa mãn những khát vọng của Trung Quốc. Cũng qua đó, EU và các nước thành viên tham gia muốn khuyến khích Trung Quốc thể hiện vai trò lớn hơn đối với tiến trình đa phương hóa, đa cực hóa cùng nhau giải quyết các vấn đề thể giới; 3) Tham gia ngân hàng AIIB với tư cách là thành viên sáng lập sẽ giúp EU có điều kiện dễ dàng hơn trong việc tham gia hoạch định luật chơi, ra các quyết sách trong bối cảnh các tiêu chí, mối quan tâm và những vấn đề còn chưa rõ ràng về ngân hàng này như cơ chế quản trị, tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; 4) Cuộc khủng hoảng tài chính Khu vực Đồng tiền chung Châu Âu khiến một số quốc gia châu Âu đang rơi vào khủng hoảng nợ công, kiệt quệ về tài chính, tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao… do vậy, việc trở thành thành viên của AIIB sẽ mở ra các cơ hội cho các doanh nghiệp EU trong việc tiếp cận các dự án cơ sở hạ tầng do ngân hàng này đưa.
- Một số định hướng chính sách đối ngoại của EU đối với Trung Quốc
Như phân tích ở trên, mặc dù OBOR mở ra nhiều triển vọng nhưng cũng có nhiều tác động khó dự đoán tới EU, điều này cũng là một nhân tố quan trọng tác động tới chính sách của EU với nước này. Về cơ bản, định hướng điều chỉnh chiến lược đối ngoại của EU vớí Trung Quổc gồm một số nét cơ bản sau:
– Thứ nhất, EU cần có một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc
Trung Quốc đang trở thành phép thử quan trọng đối với chính sách đối ngoại của EU và các quốc gia thành viên, vốn được coi là có thể dự đoán trước được dựa trên các chuẩn mực và giá trị quốc tế. Chính sách của Trung Quốc hiện nay không chỉ tác động tới các quốc gia láng giềng mà còn có thể ảnh bị hưởng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới, do vậy EU và các quốc gia cần xem xét đánh giá đa chiều về những ảnh hưởng này.
(1) Châu Âu cần nhận thức rằng Trung Quốc hiện đã trở thành thách thức mang tính toàn cầu đối với châu Âu: những lựa chọn chính sách của Trung Quốc tác động tới mọi vấn đề toàn cầu, từ thương mại, đầu tư đến biến đổi khí hậu và vũ khí hạt nhân, tác động cả tới mọi khu vực từ châu Phi cho tới Trung Đông. Thay vì tập trung quan tâm tới mối quan hệ song phương với Trung Quốc, EU cần điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc dựa trên góc độ toàn cầu.
(2) Chính sách đối với Trung Quốc ở góc độ toàn cầu cần dựa trên ý tưởng “cam kết đối ứng”. Điều này có nghĩa là EU cần chuẩn bị để có những phản ứng đối với phương thức tiếp cận dựa trên lợi ích của Trung Quốc bằng cách đưa ra phương thức dựa trên lợi ích của chính mình. Phương thức tiếp cận này cần được dựa trên hai nguyên tắc chính: Một là, EU cần tập trung vào phát triển mối quan hệ với Trung Quốc trên một vài lĩnh vực nhất định. Hai là, EU nên chuẩn bị sử dụng các ưu đãi và đòn bẩy để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ có biện pháp tương tự. Nói cách khác, cần phải có sự trao đổi cởi mở về chính trị giữa EU và Trung Quốc.
(3) Vấn đề cơ bản trong chính sách của EU đối với Trung Quốc đó là thiếu những đòn bẩy. EU không có vị trí láng giềng với Trung Quốc và cũng không có đòn bẩy chiến lược như Mỹ. EU hiện có hai đòn bẩy cụ thể: Trung Quốc muốn thâm nhập thị trường khu vực và đồng thời muốn EU dỡ bỏ cấm vận vũ khí. EU cần cân nhắc rất kỹ trước khi có sự nhượng bộ về hai lĩnh vực này, vì chỉ có thể thực hiện một lần duy nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp các đòn bẩy này được sử dụng thì vẫn là chưa đủ, EU phải cân nhắc kỹ lưỡng để tìm cách nâng cao đòn bẩy vẫn còn khá hạn chế của mình đối với Trung Quốc. Nói một cách khác EU cần tính đến khả năng hợp tác với các quốc gia khác để hình thành các liên minh nhằm tăng cường đòn bẩy đối với Trung Quốc.
– Thứ hai, EU phải đặt ra những ưu tiên rõ ràng trong chiến lược với Trung Quốc
Các quan chức hàng đầu và các chuyên gia đã liên tục đặt ra câu hỏi giống nhau là: Liên minh Châu Âu thực sự muốn gì? Do đó, EU cần xác định một số vấn dề mang tính chiến lược và phải nhất quán trong việc trao đổi với Trung Quốc. Đặc biệt, EU cần tập trung phát triển quan hệ với Trung Quốc trên 5 vấn đề chính sau: chính sách thương mại và đầu tư; công nghiệp và công nghệ; biến đổi khí hậu; phổ biến vũ khí hạt nhân và vấn để Iran; nhân quyền. Một số vấn đề trong nhóm các vấn đề chính này cũng đồng thời là nhũng ưu tiên ngắn hạn (như đầu tư, phổ biến vũ khí và nhân quyền), trong khi một số vấn đề khác cần phải được EU xem xét kỹ lưỡng trong dài hạn vì nó có ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi quan hệ EU – Trung Quốc (như về công nghiệp và công nghệ). Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể, EU cần có chính sách phối hợp hiệu quả hơn, xác định những đối tác có thể liên minh và hợp tác nhằm tăng sức nặng trong đàm phán, xác định những nhóm lợi ích và nhóm cử tri tại Trung Quốc mà EU có thể chia sẻ lợi ích chung.
Như vậy, EU và các quốc gia thành viên cần nỗ lực kết thúc đàm phán các hiệp định, các thỏa thuận với các đổi tác khác nhằm có được vị thế tốt hơn trong việc đàm phán mối quan hệ mới với Trung Quốc. Ngoài ra, EU cũng cần quan tâm sâu sắc hơn tới quá trình hoạch định chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc ở các lĩnh vực và địa phương cụ thể.
– Thứ ba, EU cần phải làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc
Tháng 7/2015, Tiểu ban Chính sách Nghị viện Châu Âu đã xuất bản một nghiên cứu nhan đề “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc và quan hệ quốc tế” nhằm cung cấp một cái nhìn bao quát về chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, các tác động đối với EU đồng thời đưa ra một số kiến nghị cho EU. Báo cáo đưa ra một số điểm nhấn sau:
(1) Nên hiểu sự quyết đoán của Trung Quốc như một sản phẩm của cả sự tăng cường phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng với thế giới bên ngoài lẫn bối cảnh trong nước của họ. Tính không nhất quán trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc mở đường cho EU phát huy ảnh hưởng tới Trung Quốc. Trong bối cảnh này, EU nên hướng tới mục tiêu thúc đẩy những lợi ích chiến lược của mình, bao gồm sự ổn định ở châu Á, tăng cường vai trò các tổ chức quốc tế theo tinh thần “chủ nghĩa đa phương hiệu quả” và giải quyết các tranh chấp kinh tế, chính trị ở cấp độ đa phương.
(2) Trung Quốc muốn xây dựng mối quan hệ nước lớn với Mỹ cũng như với các quyền lực khu vực khác như Nga và Ấn Độ. Những ràng buộc và lợi ích đều bắt nguồn từ những quan hệ song phương này trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm kiếm cho mình một vai trò lớn hơn ở khu vực và quốc tế. EU nên sử dụng những quan hệ đối tác chiến lược đã có với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga và Ấn Độ để giải quyết những vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Quốc.
(3) Sự không nhất quán trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc chủ yếu liên quan đến khả năng của Trung Quốc về giải quyết những thách thức trong nước và tiếp tục con đường cải cách kinh tế của mình. Để hạn chế sự không nhất quán này, EU nên hỗ trợ Trung Quốc thông qua ba trụ cột của Đối tác chiến lược EU – Trung Quốc bao gồm “đối thoại chính trị”, “đối thoại kinh tế và khu vực”, “đối thoại nhân dân”.
(4) Sự không nhất quán và những khó khăn trong nước đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp cận những vấn đề quốc tế một cách thực dụng, chẳng hạn như chương trình hợp tác 16+1, EU không nên đánh giá thấp hiệu quả của Trung Quốc trong từng trường hợp cụ thể.
(5) EU cần tiếp tục đầu tư vào việc phát triển và thúc đẩy trụ cột thứ ba của quan hệ đối tác chiến lược EU – Trung Quốc, cụ thể là đối thoại nhân dân.
Như vậy, có thể thấy trên tổng thể, EU cũng đang trên lộ trình xây dựng những chiến lược cụ thể với Trung Quốc, dựa trên các trụ cột an ninh chính trị, kinh tế thương mại và đối thoại nhân dân. Tuy vậy, trong thời gian hiện nay, EU đang phải đối phó với hàng loạt các vấn đề liên quan tới sự tồn vong của tổ chức này như Brexit, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và hàng loạt các vấn đề về khủng hoảng nợ công, khủng hoảng nhập cư V.V., do đó sự quan tâm cùa Liên minh Châu Ấu tới OBOR cũng chỉ ở mức độ rất vừa phải./.
Nguyễn An Hà & Nguyễn Thế Vinh
(Nghiên cứu Châu Âu, số 07/2017)