MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP ĐẶC THÙ TRONG CẢI CÁCH CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Ở TRUNG QUỐC (phần 1)

0
261

Cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai thập kỷ qua ở Trung Quốc – khía cạnh trung tâm của cải cách mở cửa – đã được giới nghiên cứu trong nước và quốc tế rất quan tâm. Bài viết nhằm phân tích tiến trình cải cách các DNNN ở Trung Quốc theo hai giai đoạn 1978- 1992 và 1993 đến nay. Thông qua việc khảo sát cải cách các DNNN ở Trung Quốc hai thập kỷ qua, bài viết đưa ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong cải cách DNNN nhằm duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, xác định rõ vai trò của nhà nước và thị trường trong cải cách DNNN…

 1. Cải cách DNNN ở Trung Quốc giai đoạn 1978 – 1992

Trong giai đoạn này, Trung Quốc chưa thực hiện chuyển đổi sở hữu nhà nước, chỉ cải cách hạn chế một số mặt quản lý, phân phối trong DNNN hay trao quyền tự chủ hạn chế cho các doanh nghiệp.

Hội nghị BCH Trung ương ĐCS Trung Quốc lần thứ 3, khoá IX, năm 1978 khẳng định thực hiện quyết sách “cải cách mở cửa”, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của Trung Quốc. Quyết sách này đã tạo cơ hội cho việc thực hiện cải cách chế độ sở hữu ở Trung Quốc.

Tiến trình cải cách các DNNN ở Trung Quốc diễn ra với những đặc điểm chính sau:

Thứ nhất, khu vực nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực công nghiệp và phi nông nghiệp. Trong thời kỳ này, các DNNN vẫn tiếp tục mở rộng về qui mô tuyệt đối, tính về tài sản, đầu tư, việc làm và sản lượng, và trong tất cả các ngành công nghiệp. Cho đến cuối năm 1993 tỉ trọng của các DNNN trong công nghiệp vẫn chiếm đến 45%.

Thứ hai, trong khu vực nhà nước, đã có nhiều cải cách nhằm mở rộng quyền tự chủ của doanh nghiệp, nhằm tăng thêm động lực sản xuất vì lợi nhuận cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quyền tự chủ mà nhà nước trao cho các DNNN trong thời kỳ này thực chất rất hạn chế. Phần thưởng chỉ được trao cho thành tích của một số đơn vị cá biệt, hàng hoá sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch được bán với giá thị trường cao hơn, và có thể mua đầu vào trên thị trường nếu hệ thống phân phối của nhà nước không có. Các DNNN vẫn chưa thực sự tự hạch toán và thực hiện “ngân sách cứng”. Tiền vay chưa được hoàn trả theo lãi suất thị trường, và nếu chưa làm được việc đó thì vẫn chưa phải bị phá sản. Thuế vẫn chưa tính theo những qui tắc và thuế suất cố định, vẫn còn là sự đàm phán giữa doanh nghiệp và cơ quan thu thuế. Các đầu vào vẫn chưa được hoàn toàn thanh toán theo giá thị trường. Đầu ra cũng chưa phải chủ yếu bán trên thị trường cạnh tranh. Bên cạnh đó, ban quản lý của các DNNN được lựa chọn chủ yếu vẫn từ chính quyền hoặc cán bộ đảng, những người này có vô số các mối quan tâm khác, trong đó việc mang lại lợi nhuận không phải quan tâm chủ yếu của họ.

Khi hệ thống phân phối của nhà nước dần dần biến mất, thì nhà nước đề ra “hệ thống khoán doanh nghiệp”, nó sao chép một cách mơ hồ hệ thống khoán hộ vốn đã có từ trước và vốn đã thành công trong nông nghiệp. Nhưng mức độ tự chủ mà các DNNN có trong công nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các hộ gia đình ở nông thôn.

Thứ ba, động lực tăng trưởng thực sự của nền kinh tế, không phải là các DNNN cũ, mà là các xí nghiệp hương trấn. Xí nghiệp hương trấn là các doanh nghiệp tập thể ở nông thôn, về cơ bản chúng do chính quyền địa phương kiểm soát. Các xí nghiệp này đã đạt được những thành tích cao hơn xí nghiệp tư nhân. Chúng chiếm tỉ trọng khoảng 9% công nghiệp toàn quốc năm 1978, và đến năm 1993 đã tăng lên 27%. Năm 1993 các xí nghiệp này đã tuyển dụng được hơn 50 triệu lao động (Đinh Đào Ánh Thuỷ, 2006).

Thứ tư, tư nhân hoá đóng vai trò thứ yếu, và có thể nói bị trì hoãn trong giai đoạn này. Sau năm 1979, việc nghiêm cấm các doanh nghiệp tư nhân bị bãi bỏ, cho đến năm 1993 tỉ trọng của doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp chỉ chiếm 15%. Trong giai đoạn cải cách này, sở hữu tư nhân chủ yếu chỉ tồn tại với hai loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp sở hữu cá thể với qui mô rất nhỏ (chỉ thuê không quá 8 công nhân) và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ở nông thôn, cơ chế khoán hộ được thực hiện tương đối thành công đã đặt nền móng cho sự trỗi dậy của các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ, dưới tên “hộ cá thể”. Tính đến giữa những năm 1980, số hộ cá thể đã lên tới trên 20 triệu, tạo việc làm cho nhiều người lao động (Đinh Đào Ánh Thủy, 2006). Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của các “hộ cá thể” là đặc điểm nổi bật của giai đoạn cải cách này ở nông thôn. Chính các hộ cá thể này là cơ sở và động lực cho sự phát triển nhanh chóng cùa khu vực tư nhân trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn này còn rất hạn chế, cho tới năm 1980, các doanh nghiệp tư nhân vẫn không được phép đăng ký thành lập và không được hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phân phối và gia công sản xuất hàng tiêu dùng. Những điều kiện hoạt động của chúng cũng khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng có thể nói nguyên nhân cơ bản là có sự bất đồng trong Ban lãnh đạo Trung Quôc về việc thừa nhận chính thức khu vực tư nhân trong nền kinh tế.

Tháng 4/1988, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Điều 14 của Hiến pháp mới qui định rõ: “Nhà nước Trung Quốc cho phép kinh tế tư nhân được tồn tại và phát triển trong phạm vi Luật pháp qui định. Kinh tế tư nhân là một bộ phận bổ sung cho kinh tế nhà nước XHCN. Nhà nước bảo vệ những quyền và thu nhập hợp pháp của kinh tế tư nhân, có sự hướng dẫn, giám sát và điều chỉnh đối với kinh tế tư nhân” (Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Quốc, 1988), về nguyên tắc thì doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động trong mọi lĩnh vực trừ lĩnh vực tài chính và lĩnh vực sản xuất kinh doanh vũ khí. Trên thực tế, đại bộ phận DNTN vẫn chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại. Tính đến cuối năm 1988, cả nước có trên 23 triệu hộ cá thể và khoảng 90.000 DNTN. Địa phương nổi bật nhất trong phát triển hộ cá thể và DNTN là tỉnh Triết Giang. Tuy nhiên, sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã tạo điều kiện cho phái bảo thủ lên tiếng phản đối mạnh mẽ kinh tế tư nhân (KTTN) và lớn tiếng kêu gọi phải lấy lại những gì KTNN đã để mất. Điều này đã khiến cho sự phát triển của kinh tế tư nhân bị chững lại và suy giảm. Trong số 50 lĩnh vực đã mở ra cho KTTN thì đã có tới 17 lĩnh vực bị giới hạn trở lại. Các DNTN ở trong trạng thái cầm chừng, chờ đợi và có phần lo sợ sẽ bị “cải tạo lại” như trước đây. Đến giữa năm 1990, số hộ cá thể đã giảm xuống còn 19,41 triệu hộ, số DNTN còn khoảng 88.000 (Diêu Dương, Hạ Tử Lâm, 2002).

  1. Cải cách DNNN ở Trung Quốc từ năm 1993 đến nay

Trước tình hình phát triển gián đoạn của KTTN, năm 1992, trong chuyến đi thị sát các tỉnh phía Nam, ông Đặng Tiểu Bình đã có bài phát biểu quan trọng kêu gọi tiếp tục các nỗ lực cải cách. Đồng thời cùng năm 1992, Ban chấp hành ĐCS Trung Quốc có Nghị quyết về “hình thành nền kinh tế thị trường XHCN ở Trung Quốc”. Những động thái chính sách này đã giải tỏa tâm lý lo lắng, tiếp thêm luồng sinh khí mới cho KTTN trỗi dậy trở lại. Đặc biệt, tháng 9 năm 1997, trong Nghị quyết đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 15, vị thế của thành phần KTTN đã được thay đổi, từ “thành phần bổ sung cho thị trường” trở thành “thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường XHCN” ở Trung Quốc với các vai trò quan trọng như tạo việc làm và đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Tháng 3/1999, bằng việc sửa đổi Hiến pháp, một giai đoạn mới cho sự phát triển của khu vực KTTN đã được mở ra, có thể nói Hiến pháp sửa đổi năm 1999 đã chính thức thừa nhận vị trí quan trọng tương đương của khu vực kinh tế nhà nước và KTTN.

Đặc biệt là từ năm 2001, cùng với tiến trình gia nhập WTO, chính phủ Trung Quốc đã phải cam kết mở cửa thị trường, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bưu điện, bất động sản… Muốn mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, trước hết Trung Quốc cần phải mở cửa cho các DNTN ở trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của các DNTN trong nước, nếu không các DNTN của Trung Quốc sẽ bị thua ngay trên “sân nhà” do không được chuẩn bị đầy đủ điều kiện. Trong tình hình đó, các DNTN đã được phép đăng ký hoạt động trong tất cả các lĩnh vực trừ bưu chính viễn thông, vận tải hàng không, kinh doanh xăng dầu.

Có thể nói, trong giai đoạn 2 này, với những thay đổi chính sách, quá trình cải cách các DNNN ở Trung Quốc đã đi theo hướng mới: chuyển mạnh sang tư nhân hoá và cổ phần hoá, tức là thay đổi quyền sở hữu của doanh nghiệp. Với chủ trương “nắm to, bỏ nhỏ”, chính phủ Trung Quốc đã tư nhân hoá đa số các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ, còn cổ phần hoá các DNNN lớn. Điều đó được phản ánh như sau:

Thứ nhất, tư nhân hoá đã tiến triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Cùng với quá trình này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nổi lên như là những động lực mới của tăng trưởng. Những năm 1992-1998 có thể nói là những năm phát triển huy hoàng nhất của DNTN ở Trung Quốc, đặc biệt trong 2 năm 1992-1994. Đến năm 1998, DNTN đã chiếm 37% tổng sản lượng công nghiệp và hơn 50 % tổng doanh số hàng hoá bán lẻ tiêu dùng, về mặt này, ví dụ điển hình nhất là tỉnh Triết Giang (ADB, 2003). Trong hai năm đầu sau khi gia nhập vào WTO, DNTN đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và qui mô. Giá trị sản xuất của các DNTN trong năm 2004 đạt khoảng 240 tỷ USD. Các DNTN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực của công nghiệp chế tạo. Đặc biệt đã có nhiều DNTN đăng ký trong lĩnh vực dịch vụ mới, công nghệ cao. Cũng có một số DNTN vươn ra thị trường nước ngoài và khẳng định thương hiệu quốc tế của mình như DELIXI, HIER (sản xuất đồ điện gia dụng)…

Thứ hai, tư nhân hoá các xí nghiệp hương trấn ở nông thôn, về cơ bản, các xí nghiệp hương trấn là các doanh nghiệp tập thể (DNTT) ở nông thôn. Các DNTT này, phần lớn là các doanh nghiệp đã cho tư nhân thuê, hoặc là doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn, nhưng chúng vẫn núp bóng DNTT để tránh bị kỳ thị và để vẫn được hưởng các điều kiện ưu đãi của Nhà nước. Chúng được gọi là các doanh nghiệp “đội mũ đỏ”. Nhiều nơi như ở thành phố Thuận Đức, hầu hết các doanh nghiệp cấp làng xã đều là các doanh nghiệp “đội mũ đỏ”. Mặc dù các địa phương đều yêu cầu các DN “đội mũ đỏ” phải lột mũ để trở thành DNTN nhưng nói chung tình hình tiến triển rất chậm chạp, vì các chủ sở hữu đích thực vẫn chưa thực sự tin tưởng vào sự bảo hộ của pháp luật và DNTN trên thực tế vẫn bị phân biệt đối xử.

Trước tình hình đó, tháng 3 năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các doanh nghiệp loại này phải “lột mũ” trước tháng 11 năm 1998. Nhìn chung, chỉ tới sau Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 15 (năm 1997) thì quá trình “lột mũ” các DN “đội mũ đỏ” mới được tiến hành thực sự, với sự tự nguyện của chính DN và sự thúc ép của Chính quyền địa phương.

Thứ ba, chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp lớn. Với chính sách “nắm to bỏ nhỏ”, nhà nước chỉ nắm giữ khoảng 1.000 doanh nghiệp lớn, trong những lĩnh vực quan trọng nhất có liên quan đến độc lập tự chủ và an ninh quốc gia, các doanh nghiệp còn lại sẽ bán hoặc cho tư nhân thuê. Các doanh nghiệp lớn vẫn được nhà nước nắm, nhưng không phải là nắm hoàn toàn, trực tiếp như trước đây nữa. Đại đa số doanh nghiệp lớn đã được cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ những cổ phần chi phối hoặc những khâu then chốt nhất trong doanh nghiệp, cổ phần chi phối là tỉ lệ cổ phần dao động từ 26-51%.

Việc cải cách các doanh nghiệp lớn diễn ra rất chậm chạp trong thời kỳ 1994 – 1998. Quá trình cổ phần hoá diễn ra rất thận trọng, với 3 bước: Bước 1: DNNN có thể bán một phần nhỏ cổ phần, nhưng với điều kiện chỉ bán cho các nhà đầu tư nhà nước và chỉ một tỉ lệ rất nhỏ cho nhà đầu tư tư nhân, trong bước này, Nhà nước vẫn hoàn toàn nắm cổ phần khống chế, không có sự thay đổi gì về mặt sở hữu, chỉ là “bình mới rượu cũ’. Bước 2: DNNN có thể bán một số cổ phần cho nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài (tuy nhiên chỉ có một số doanh nghiệp mới có thể bán cổ phần cho DN nước ngoài). Trong bước 2 này, nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát chủ yếu trong doanh nghiệp. Bước 3: DNNN được phép bán phần lớn hoặc đa số cổ phần cho tư nhân. Chỉ khi thực hiện xong bước 3 này thì DNNN mới thực sự trở thành DNTN. Trên thực tế, các DNNN đã hoàn thành chuyển đổi sở hữu (thực hiện xong cả 3 bước trên) là rất ít. Theo nghiên cứu của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, đến năm 2002 mới có 338 doanh nghiệp đã thực hiện xong việc chuyển quyền kiểm soát cho tư nhân. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện xong bước 1 và bước 2. (Stephen Green, 2003).

Đứng trước thực trạng đó, chính phủ Trung Quốc tiếp tục ban hành qui định mới về hình thức góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Qui định này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn, công nghệ hoặc kỹ năng quản lý vào các DNNN ngay cả khi các DN này chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau khi có qui định này, nhiều địa phương như Thẩm Quyến, Sơn Đông, Hồ Nam, Giang Tô đã thông báo kế hoạch bán cổ phần cho tư nhân đối với các công ty cổ phần trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo và tiện ích xã hội. Ngày 12/4/2003, với sự hỗ trợ của ADB, Trung Quốc đã ban hành những qui định về việc mua lại các DNNN của các nhà đầu tư nước ngoài. Những qui định này đã báo hiệu một sự khai thông mới trong cải cách các DNNN. Kể từ năm 2002, 2003, quá trình cải cách các DNNN lớn ở Trung Quốc đã có sự phát triển nhất định… (còn nữa)

Chu Phương Quỳnh & Nguyễn Thanh Đức

(Tạp chí nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông, số 7/2017)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here