Các tập đoàn đa quốc gia mong muốn hợp tác bia với Việt Nam

0
182

Heineken, Carlsberg và các tập đoàn đa quốc gia khác đang theo dõi việc Hà Nội bán cổ phần Habeco và Sabeco

Hằng tối, ta có thể thấy những đám đông tụ tập uống bia hơi và nhậu đồ nhắm tại quán bia số 1B Bắc Sơn, cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đây là một trong hàng ngàn quán bia hơi ở Việt Nam – đất nước của những người yêu bia.

Ông Nguyễn Long – 40 tuổi, chủ một doanh nghiệp mỹ phẩm cho biết “Đó là văn hóa của chúng tôi. Có thể là do tôi sinh sống ở Hà Nội, nhưng theo tôi bia này là ngon nhất”, tay ông nâng cao một cốc bia hơi Hà Nội, sản xuất bởi Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Các tập đoàn bia đa quốc gia đang tìm kiếm lợi ích từ việc Chính phủ Việt Nam bán cổ phần của tập đoàn Habeco và Sabeco – đối thủ cạnh tranh lớn hơn của Habeco tại miền Nam, với mục đích thoái vốn một số doanh nghiệp nhà nước.

Việc bán cổ phần đang rất được “giới bia” mong đợi, nơi mà Sabeco và Habeco được xem là các thương hiệu hàng đầu. Theo các nhà phân tích trong ngành, các giám đốc điều hành các công ty nước giải khát quốc tế và các thành viên trong ngành bia tại Việt Nam khác, Anheuser-Busch Inbev, Heineken và Carlsberg, cũng như các công ty bia Châu Á như ThaiBev, Asahi và Kirin đều muốn gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam.

Trevor Stirling, một nhà phân tích của Bernstein, cho biết: “Đây là một số những thương hiệu bia hấp dẫn nhất thế giới chưa bị các tập đoàn sản xuất bia đa quốc gia nắm giữ”. Ông ước tính giá trị cổ phần Nhà nước trong Sabeco là 5,3 tỉ USD và 1,1 tỉ USD ở Habeco.

Với 92 triệu dân, Việt Nam tiêu thụ một lượng bia khổng lồ – 4,1 tỷ lít mỗi năm và số lượng bia tiêu thụ của họ tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng gần 7% của nền kinh tế. Barenberg cho biết Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 5 Châu Á, tính theo mức tiêu thụ bình quân trên đầu người. Theo Nhóm Nghiên cứu Nielsen, thị trường bia chai và bia lon ở Việt Nam – không kể bia hơi – trị giá 2 tỉ USD/năm, chiếm 23% tổng mức tiêu thụ hàng tiêu dùng của quốc gia, và đang tăng trưởng ở mức hai con số.

Cao Thị Thùy Linh, Giám đốc điều hành cao cấp của Nielsel cho biết: “Chúng tôi gọi đây là mặt hàng siêu sao”. Javier Gonzalez Lastra, nhà phân tích của Berenberg, gọi Việt Nam là “Thiên đường của các doanh nghiệp sản xuất bia”. Ông nói thêm: “Đây là một trong những thị trường bia lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, và dù bia có gắn liền với văn hóa Việt Nam thì mức độ tiêu thụ bình quân trên đầu người vẫn còn có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa”. Sabeco là thương hiệu được đánh giá cao nhất, chiếm khoảng 40% thị phần tính theo khối lượng tiêu thụ. Heineken, nắm giữ 5% cổ phần công ty, đã tăng trưởng bùng nổ tại Việt Nam, và cũng chính là nhà sản xuất bia lớn thứ hai quốc gia tính theo doanh thu. Theo Canadean và Bernstein, nhãn hiệu Tiger Beer và các nhãn hiệu bia liên quan của tập đoàn Hà Lan này đã hưởng lợi lớn từ nhu cầu bia cao cấp tăng cao ở Việt Nam, giúp tập đoàn tăng thị phần từ 17% vào năm 2009 lên 23% vào 2015.

Andrew Holland, một nhà phân tích tại Société Générale, ước tính Việt Nam đóng góp 10% vào lợi nhuận của Heineken, và là quốc gia đóng góp lợi nhuận nhiều thứ 2 cho tập đoàn này chỉ sau Mexico. Habeco, với 17% cổ phần sở hữu bởi tập đoàn Carlsberg của Đan Mạch, là nhà sản xuất bia lớn thứ 3 tại Việt Nam tính theo doanh thu.

Theo một số quan chức trong ngành, quá trình đấu thầu có thể sẽ rất khốc liệt, và giao dịch này có khả năng sẽ không thể hoàn tất trong năm nay như Chính phủ Việt Nam đã hứa. Họ cũng tin rằng việc bán cổ phần sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2018.

Vào tháng 9/2017, tổng giám đốc Sabeco Lê Hồng Xanh cho biết đã có 7 tập đoàn sản xuất bia quan tâm tới việc bán cổ phần của công ty.

Việc kiểm soát sẽ là một vấn đề, do Chính phủ Việt Nam muốn giữ khoảng 1/3 cổ phần. Các quan chức trong ngành cho rằng Chính phủ muốn giữ ảnh hưởng nhất định trong ngành bia.

Tiến sỹ Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nguyên chủ tịch HĐQT Sabeco, cho biết: “Nhà nước muốn giữ khoảng 36% để giữ quyền phủ quyết. Đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của việc mở bán; trong lâu dài, Chính phủ sẽ bán hết số cố phần này”.

Carlsberg được đánh giá đang có lợi thế trong việc mua Habeco nhờ vào cố phần hiện có của mình. Tuy nhiên, đàm phán về giá cổ phẩn chi phối trong công ty sẽ rất phức tạp và khó khăn do công ty Đan Mạch có khả năng tác động tới việc tham gia của các nhà đầu tư mới dưới điều khoản thỏa thuận mà họ đã mua cổ phần chiến lược.

Với Heineken, các mỗi lo ngại về cạnh tranh có thể cản trở việc sở hữu thêm cổ phần trong Sabeco của công ty này. Tuy nhiên, việc Nhà nước nắm giữ cổ phần trong Sabeco có thể là một cơ hội đối với AB InBev – đối thủ cạnh tranh lớn hơn nhiều của Heineken, để doanh nghiệp này có thể tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp, nơi Heineken đang thống lĩnh.

Mặc dù thị trường bia Việt Nam khá hấp dẫn đối với các nhà sản xuất bia quốc tế, các nhà phân tích trong ngành cho biết rằng nó cũng có các mặt hạn chế. Theo ông Holland của Société Général: “Do sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bia trong những năm gần đây, chắc chắn tốc độ tăng trưởng của thị trường này sẽ phải chững lại khi mức tiêu thụ đầu người tăng lên”. Theo ông Gonzalez Lastra, “Rủi ro rõ nhất là việc gia tăng các quy chế một khi Nhà nước đã từ bỏ hết cổ phần trong ngành [bia]”.

(Theo Financial Times)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here