Các nước nằm trên vành đai Thái Bình Dương vẫn tiếp tục thỏa thuận TPP dù không có Mỹ, trong khi Tổng thống Trump chỉ thu được một số kết quả hạn chế trong chuyến công du tại Việt Nam.
Vào cuối tuần trước, Nhật Bản và 10 nước Thái Bình Dương đã quyết định tiếp tục tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại khu vực khổng lồ dù không có Mỹ. Hành động này đã làm nảy sinh những lời chỉ trích mới đối với chính sách thương mại “Nước Mỹ là trên hết” của Donald Trump, cho rằng chính sách này đang khiến Washington ngày càng trở nên cô lập hơn.
11 thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định mà chính quyền Obama đã dành nhiều năm để đàm phán còn Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi hiệp định vào ngày thứ ba nhậm chức, đã tuyên bố vào thứ 7 ngày 11/11 rằng họ đã đạt được sự đồng thuận về các “điều khoản cốt lõi” của thỏa thuận để có thể tiếp tục mà không có Mỹ.
Nhóm 11 quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm, vì Canada, Malaysia và Việt Nam đang mong muốn thay đổi một số điều khoản trong thỏa thuận, hiện đã được đổi tên thành “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP) theo đề nghị của Canada.
Các quan chức cho biết theo kế hoạch, thỏa thuận cuối cùng sẽ được ký vào đầu năm sau. Thỏa thuận này sẽ xóa bỏ 95% dòng thuế đối với hàng hóa trao đổi trong khối, một khu vực có dân số khoảng 500 triệu người với tổng sản lượng kinh tế đạt trên 10 nghìn tỷ USD.
Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết: “Điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác”.
Thông báo này được đưa ra khi tổng thống Trump đang tiếp tục vận động việc viết lại mối quan hệ thương mại của Mỹ với các nước châu Á thông qua các hiệp định thương mại song phương và thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” mới của mình.
Trong cuộc họp với người đồng cấp Việt Nam vào thứ bảy ngày 11/11, Tổng thống Mỹ đã than phiền về “thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam”.
Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi muốn giải quyết sớm điều đó”.
Tuy nhiên, Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp vào ngày Chủ Nhật 12/11 cho thấy Mỹ chỉ đạt được một số lợi ích khá hạn chế. Trong tuyên bố chung, hai nước hoan nghênh việc Việt Nam mở cửa lại thị trường cho mặt hàng bột bã ngô của Mỹ và đề cập đến các phiên thảo luận đang diễn ra về thương mại hàng hóa và dịch vụ, trong đó bao gồm tôm, xoài và các phương thức thanh toán điện tử.
Tổng thống Trump và Nhà Trắng chỉ ra rằng chuyến công du Châu Á của Tổng thống đã được hoan nghênh ở Trung Quốc, Nhật Bản và ở các điểm dừng chân khác. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng, ít nhất là về thương mại, chính phủ Mỹ có vẻ như đang ngày càng bị Bắc Kinh và các quốc gia khác vượt mặt.
Một nhà vận động hành lang cho doanh nghiệp Mỹ trong trả lời cho báo Financial Times hôm Chủ nhật cho biết: “Tôi nghĩ tất cả mọi người đều lịch sự với Tổng thống Trump và muốn làm cho Trump nghĩ rằng họ đều thân thiện và sẵn sàng hợp tác với ông. Nhưng tôi cũng buộc phải nghĩ rằng họ đang cười sau lưng ông Trump, và chắc chắn rằng Trung Quốc đang làm thế. Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong số họ có ý muốn ký kết thỏa thuận với Trump, chắc chắn là không với những điều khoản mà Tổng thống Trump muốn”.
Michael Froman, người dẫn đầu đoàn đàm phán TPP của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama cho biết thỏa thuận mới “cho thấy đồng minh và đối tác của chúng ta tiếp tục thấy được giá trị của việc áp dụng tiêu chuẩn cao và việc xóa bỏ rào cản thương mai trong khu vực. Rõ ràng, trong khi Mỹ rút khỏi cuộc chơi thì phần còn lại của thế giới vẫn đang tiếp tục tiến về phía trước”.
Ron Wyden, thành viên cấp cao của đảng Dân Chủ thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đầy quyền lực cho biết: “Chính phủ này đã mất gần một năm lúng túng mà vẫn không đưa ra được một chiến lược cụ thể nào trong hợp tác với châu Á để có thể mở cửa các thị trường này cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Cũng do thất bại trong việc hợp tác này, các nhà nông dân, chủ trang trại, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ Mỹ sẽ mất thị phần tại các thị trường ở Châu Á-Thái Bình Dương”.
Matthew Goodman, nguyên cố vấn kinh tế Châu Á cho các tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ, nói rằng tin vui về việc các thành viên còn lại của hiệp định TPP vẫn tiếp tục là hiệp định này giúp các điều luật mới về doanh nghiệp nhà nước và dòng chảy dữ liệu tự do đi vào thực thi. Hiệp định này cũng để mở cửa cho phép Mỹ tham gia lại vào một ngày nào đó.
Ông cho biết: “Việc các quốc gia còn lại vẫn tiếp tục thỏa thuận đã dành cho Mỹ con đường quay trở lại để tham gia vào hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn. Tôi không nghĩ đó là con đường chúng ta sẽ đi trong tương lai gần, nhưng ít nhất con đường vẫn còn đó”.
(Theo Financial Times, 12/11/2017)