Tại sao dòng vốn Châu Á đang rải khắp thế giới

0
131
Hơn 19,5 tỷ USD của các nhà đầu tư châu Á đang đổ vào bất động sản châu Mỹ và châu Âu
Hơn 19,5 tỷ USD của các nhà đầu tư châu Á đang đổ vào bất động sản châu Mỹ và châu Âu

Lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Châu Á không hề có dấu hiệu suy giảm với hơn 19,5 tỷ USD đổ vào bất động sản châu Mỹ và Châu Âu trong nửa đầu năm 2017, một số thương vụ đầu tư còn đánh dấu mức giao dịch kỷ lục.

Tìm kiếm lợi nhuận ổn định

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu bất động sản (BĐS) toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), dòng vốn từ Châu Á vẫn “rủ nhau” ra nước ngoài vì các nhà đầu tư, nhất là đầu tư BĐS trong khu vực vẫn tiếp tục tìm kiếm được lợi nhuận ổn định ở những thị trường này.

Các quỹ đầu tư trong khu vực tăng cường đầu tư ra nước ngoài đến từ các nhà đầu tư tư nhân, các công ty bảo hiểm và các tổ chức đầu tư khác, điển hình như tập đoàn đầu tư CIC đã bỏ ra 13,8 tỷ USD để thâu tóm Logicor – dự án nằm trong danh mục đầu tư lĩnh vực logistic của tập đoàn tài chính Blackstone ở Châu Âu. Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm diễn ra các hoạt động thâu tóm của các nhà đầu tư Châu Á.

Ông Pranav Sethuraman thuộc bộ phận Nghiên cứu Thị trường vốn Toàn cầu của JLL giải thích: “Trong giai đoạn đầu của chu kỳ, nhà đầu tư Châu Á ưu tiên các BĐS trong khu vực. Nhưng kể từ năm 2013 thì ngược lại, các giao dịch liên khu vực chiếm hơn một nửa trong tổng số các thương vụ mua bán xuyên biên giới”.

Bất chấp những bất ổn từ việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu – EU (Brexit), London vẫn chiếm gần 25% tổng số các giao dịch liên khu vực và là nơi thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Châu Á nhiều nhất. New York, Washington (Mỹ), và Paris (Pháp) theo sau nhưng tổng lượng vốn nhận được từ nhà đầu tư Châu Á của ba thành phố này vẫn thấp hơn London (Anh) trong hơn 3 năm qua, kể từ năm 2014.

Tìm kiếm nơi đầu tư an toàn, ít rủi ro

Với hàng loạt các thương vụ đình đám thâu tóm những tài sản trọng điểm ở các thành phố cửa ngõ, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đại lục và đặc biệt là Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành những nhà đầu tư liên khu vực lớn nhất với hơn 11 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Công ty bảo hiểm HNA của Trung Quốc đã chi ra 2,1 tỷ USD để mua lại dự án 245 Park Avenue (New York, Mỹ). Đây là lần thứ tư New York có giao dịch mua bán tòa nhà văn phòng có giá trị hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, với thương vụ thâu tóm tòa nhà “The Walkie Talkie” ở London với giá 1,7 tỷ USD của tập đoàn Lee Kum Kee, Hong Kong (Trung Quốc) đã xác lập kỷ lục mới cho tài sản đơn lập lớn nhất được giao dịch trong thành phố này. Danh sách các nhà đầu tư từ Hong Kong còn có tập đoàn CC Land đã bỏ ra 1,4 tỷ USD để mua lại tòa nhà “The Cheesegrater” hồi đầu năm nay.

Chuyên gia nghiên cứu Sethuraman cho biết, căng thẳng địa chính trị, thêm yếu tố kinh tế có tác động đến lượng vốn đầu tư ra khỏi Châu Á. “Không khí chính trị căng thẳng trong khu vực cùng với mức giá bán cao kỷ lục và cuộc cạnh tranh gay gắt với các công ty Trung Quốc đại lục đã khiến các nhà đầu tư Hong Kong săn lùng BĐS ở Mỹ và Anh, coi đây như là một nơi cất giữ tài sản an toàn đồng thời tạo ra lợi nhuận ổn định”, chuyên gia của JLL nhận định.

London là thành phố thể hiện rõ nét nhất khi nhận gần 4,5 tỷ USD từ nhà đầu tư Hong Kong và đạt 91% tổng lượng đầu tư liên khu vực của Hong Kong trong nửa đầu năm 2017.

Theo ông Sethuraman, tài sản BĐS ở nước ngoài tạo ra lợi nhuận ổn định và ít rủi ro, đây là yếu tố được xem như vô giá đối với một thị trường đầy biến động như Trung Quốc. Sự kiện đồng tiền mất giá vào năm 2015, sau đó là cuộc suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi về sự ổn định của đồng Nhân dân tệ và nền kinh tế trong nước.

Do đó, các thương vụ đầu tư ra nước ngoài nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trong năm 2016 với một số giao dịch đáng chú ý từ các tập đoàn Trung Quốc, bao gồm thương vụ Anbang mua lại các khách sạn thuộc công ty Strategic Hotels & Resorts và thương vụ HNA mua lại 25% cổ phần của Hilton Hotel với giá 6.5 tỷ USD.

Để kiểm soát nguồn vốn, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp giám sát nhằm hạn chế các công ty trong nước mua tài sản ở nước ngoài, kể cả BĐS. Chính phủ đã đe dọa sẽ mạnh tay hơn nữa với các công ty không tuân thủ các quy định khiến nhiều người tin rằng năm 2017 dòng vốn từ Trung Quốc sẽ suy yếu.

Tuy nhiên, Sethuraman giải thích rằng, mặc dù các biện pháp kiểm soát nguồn vốn gây khó khăn cho các cá nhân và tổ chức đầu tư trong nước, các công ty Trung Quốc có văn phòng đại diện ở nước ngoài cũng không chịu tác động lớn vì họ có thể dùng dòng vốn từ các chi nhánh này để phục vụ cho các khoản đầu tư toàn cầu.

Christopher Clausen,

Giám đốc Bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á – Thái Bình Dương, JLL

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here