‘Lộ diện’ nhóm hàng nhập khẩu đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD

0
16
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đầu tiên cả ở chiều nhập khẩu và xuất khẩu cán mốc 100 tỷ USD. (Biểu đồ: T.Bình)

Riêng nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm đến 28,26% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 12/2024, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,52 tỷ USD.

Kết quả trên đưa tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến ngày 15/12 lên 102,25 tỷ USD. Như vậy, riêng nhóm hàng này chiếm đến 28,26% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

So với cùng kỳ 2023, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,05 tỷ USD (tương ứng tăng 21,4%).

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng đầu tiên cả ở chiều nhập khẩu và xuất khẩu cán mốc 100 tỷ USD.

Hai thị trường chính mà Việt Nam nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là Hàn Quốc và trung Quốc.

Trong đó, thị trường Hàn Quốc dẫn đầu với với 31,53 tỷ USD (cập nhật theo thị trường hết tháng 11/2024), tăng 49% và chiếm 32% kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước. Thị trường Trung Quốc đạt 29,22 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì vị trí số 1 về kim ngạch trong các nhóm hàng nhập khẩu của nước ta. Hiện thị trường lớn cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam như: Trung Quốc đạt 28,52 tỷ USD, tăng 51,3% so với cùng kỳ 2023; Hàn Quốc đạt 26,39 tỷ USD, tăng 14,2%; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 11,35 tỷ USD, tăng 32,8%…

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác, đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế – kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in…

Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Nắm bắt được tầm quan trọng đó, nên các nhà đầu tư trong  và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng.

Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, trong đó tỷ trọng nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm có xu hướng ngày càng tăng.

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, sự phát triển của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chung của xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (2016 chiếm 10,7%; 2017 chiếm 12,2%; 2018 chiếm 12,1%; 2019 chiếm 13,7%; 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 14,9% và sơ bộ năm 2023 chiếm 16,3%, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu).

Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện vươn lên đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Đến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã chiếm vị trí dẫn đầu trong tổng số 7 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD (giảm 1 mặt hàng là thủy sản), đạt 57,3 tỷ USD; tiếp sau là điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD.

Trong  giai đoạn từ  năm 2011 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7%; riêng năm 2023 ước tính tăng thấp 3,2% do bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Đây là mức tăng rất ấn tượng đối với một mặt hàng xuất khẩu trong hơn 10 năm qua.

Thanh Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here