Tại sao quan hệ Trung Quốc-EU chao đảo?

0
19
Kể từ năm 2019, EU đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống. (Nguồn: Getty Images)

Giới quan sát dự đoán rằng quan hệ EU-Trung Quốc rất có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2025, nếu quan hệ Mỹ-Trung xấu đi hơn nữa trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump, Bắc Kinh sẽ càng có nhu cầu duy trì quan hệ tương đối ổn định với EU.

Trang voachinese.com bình luận, do tác động của các yếu tố tiêu cực như cuộc xung đột Nga-Ukraine và tranh chấp thuế quan, quan hệ Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt trong năm 2024.

Quan hệ Trung Quốc-EU thời kỳ hậu trăng mật

Trung Quốc và EU từng có “thời kỳ trăng mật”. Dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo, hai bên liên tục có các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, quan hệ song phương liên tục được nâng cấp, từ “quan hệ đối tác mang tính xây dựng lâu dài và ổn định hướng tới thế kỷ 21” (năm 1998) cho đến “quan hệ đối tác toàn diện” (năm 2001) và “đối tác chiến lược toàn diện” (năm 2003). Nhưng khi Tập Cận Bình dần củng cố quyền lực, Bắc Kinh bắt đầu thực hiện “ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc” với âm điệu “chiến lang”, quan hệ EU-Trung Quốc trở nên tồi tệ. Kể từ năm 2019, EU đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống.

Ông Jan Švec – nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế (IIR) ở Praha – cho rằng lý do khiến quan hệ EU-Trung Quốc dần nguội lạnh phải kể đến chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng và hành vi tự tin thậm chí đôi khi hung hăng của Trung Quốc.

Sau khi Nga đưa quân đến Ukraine năm 2022, quan hệ EU-Trung Quốc gặp khó khăn lớn hơn. Brussels chỉ trích Bắc Kinh ủng hộ Moskva, đặc biệt là việc Trung Quốc xuất khẩu sang Nga nhiều sản phẩm lưỡng dụng và các vật tư khác được sử dụng trên chiến trường Ukraine, cũng như hành vi của các công ty Trung Quốc trong việc trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Bắc Kinh thì cho rằng đây là sự trao đổi kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga.

Trước đây, EU có thái độ tích cực trong hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc. EU phụ thuộc vào Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm công nghệ xanh và công nghiệp ô tô. Ngày nay, EU ngày càng ý thức được hậu quả từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc và đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này thông qua chính sách “giảm rủi ro” để bảo vệ các ngành của châu Âu khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2024 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương miễn thị thực cho các nước thành viên EU ngoại trừ Cộng hòa Séc, Litva và Thụy Điển, đây là tín hiệu tích cực trong quan hệ song phương. Chuyên gia Jan Švec cho rằng so với quan hệ Mỹ-Trung, quan hệ EU-Trung Quốc vẫn thận trọng hơn và ít đối đầu hơn. Không giống như Mỹ, EU thường không liệt Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp và những nhận xét của Trung Quốc về EU cũng ít hung hăng hơn nhiều so với những chỉ trích của nước này đối với Mỹ.

Cuộc chiến Nga-Ukraine và tranh chấp thuế quan

Tuy nhiên, vẫn còn hai thách thức chính trong quan hệ Trung Quốc-EU – cuộc chiến Nga-Ukraine và tranh chấp thuế quan. Ông Jan Švec cho rằng rủi ro lớn nhất nằm ở tình hình địa chính trị, nếu lực lượng NATO trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine, Trung Quốc có thể tăng cường hỗ trợ cho Nga, dẫn đến căng thẳng leo thang rõ rệt.

Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Ngoại trưởng Đức Baerbock nói rằng việc Trung Quốc ủng hộ hành động gây hấn của Nga ở Ukraine là không thể chấp nhận được. Bà nói: “Những xung đột đe dọa an ninh của chúng ta không thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ. Thiết bị bay không người lái (UAV) từ các nhà máy của Trung Quốc và quân đội Triều Tiên đang phá hoại hòa bình và làm tổn hại đến lợi ích cốt lõi của châu Âu”.

Chuyên gia người Italy về Trung Quốc Francesco Sisci cho rằng sự khác biệt trong thái độ và quan điểm của EU và Trung Quốc đối với sự phát triển của thế giới khiến hợp tác thương mại trở nên khó khăn hơn.

Trong năm 2024, tranh chấp thuế quan giữa Trung Quốc và EU xung quanh xe điện của Trung Quốc tiếp tục leo thang. EU cáo buộc Chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá mức cho các nhà xuất khẩu xe điện và không tuân thủ các tiêu chuẩn của ngành, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. EU cũng thông qua Đạo luật công nghiệp không phát thải ròng, Đạo luật chip và Đạo luật nguyên liệu thô chủ chốt để tăng cường quyền tự chủ chiến lược của mình. EU cuối cùng đã quyết định tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế mới vẫn thấp hơn so với Mỹ và Canada. Ông Jan Švec nói: “Ngay cả các nước BRICS như Brazil và Ấn Độ cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự, điều này cho thấy thiệt hại do thuế quan gây ra đối với quan hệ Trung Quốc-EU là hạn chế”.

Tổng thống đắc cử Mỹ Trump mới đây tuyên bố sẽ ký sắc lệnh hành pháp để áp thuế bổ sung đối với Trung Quốc, Mexico và Canada ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. EU cũng đang lo lắng về việc liệu Trump có áp đặt thuế quan đối với tổ chức này hay không. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde kêu gọi người dân châu Âu mua thêm sản phẩm của Mỹ để ngăn ngừa ý định thù địch của Mỹ đối với EU. Các nhà phân tích ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc và EU có thể thành lập một “mặt trận thống nhất” chống lại thuế quan của Mỹ.

Ông Jan Švec nhận định, vấn đề thuế quan sẽ không ảnh hưởng đến xu hướng chung của quan hệ châu Âu – Mỹ. Ông phân tích: “Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ và châu Âu có lập trường khác nhau về các vấn đề như tiền tệ, đồng Euro và chiến tranh – cuộc chiến của Mỹ ở vùng Vịnh, sự can thiệp của nước này vào Afghanistan, Iraq và quyết định đột ngột rút khỏi Afghanistan, khiến quan hệ song phương từng rơi vào thời kỳ lạnh nhạt. Sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ, xu hướng này đang đảo ngược và sự đồng thuận của châu Âu và Mỹ đã đạt đến một tầm cao mới kể từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hiểu rõ hơn về Trung Quốc. Ông Jan Švec nói: “Tôi không hiểu EU có động lực gì để ‘hiểu’ Trung Quốc hơn. Nếu Trung Quốc không thừa nhận và giải quyết những bất đồng địa chính trị với EU, quan hệ EU-Trung Quốc có thể trở nên tồi tệ hơn trong nhiều lĩnh vực”.

Triển vọng quan hệ Trung Quốc-EU năm 2025

Các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine và tranh chấp thuế quan có thể tiếp tục cản trở sự phục hồi của quan hệ EU-Trung Quốc trong năm 2025. Ngoài ra, cuộc điều tra về sự cố đứt cáp biển ở Baltic có thể tiếp tục nóng lên và tàu chở hàng Trung Quốc có tên “Yipeng 3” bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc này. Nhà nghiên cứu Ivan U. Kłyszcz tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh (ICDS) – tổ chức nghiên cứu của Estonia cho rằng sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc điều tra vụ án này là rất quan trọng.

Gần đây, EU đã thông qua quy định hạn chế nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Ông Jan Švec đánh giá rằng nếu EU cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương do lo ngại về lao động cưỡng bức, Trung Quốc có thể thực hiện các hành động trả đũa, bao gồm cấm một số sản phẩm nhất định vào EU. Mặt khác, Trung Quốc coi EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất, EU không chỉ là thị trường cho hàng hóa Trung Quốc mà còn là nguồn cung cấp các mặt hàng nhập khẩu lớn như dược phẩm. Ông Jan Švec đánh giá quan hệ EU-Trung Quốc khó có thể xấu đi rõ rệt vào năm 2025.

Biến số quan trọng vào năm 2025 là chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Bà Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức tư vấn Bruegel của Bỉ cho rằng quan hệ châu Âu-Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ Tổng thống Trump vì trong nhiệm kỳ của ông, Mỹ có thể xa lánh các đồng minh châu Âu. Nhưng bà nói thêm: “EU hy vọng sẽ thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với Trump. Việc cải thiện quan hệ EU-Trung Quốc sẽ mất thời gian, không diễn ra ngay lập tức và sẽ không có tiến triển đáng kể nào vào năm 2025. Nhưng nếu quan hệ EU-Mỹ xấu đi nghiêm trọng dưới nhiệm kỳ 2 của Trump, tình hình sẽ khác”.

Ông Jan Švec cũng tin rằng cam kết của chính quyền Trump với NATO sẽ đóng vai trò quan trọng. Ông dự đoán nếu quan hệ với Mỹ xấu đi, Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào việc duy trì mối quan hệ ổn định với EU”.

Ông Francesco Sisci thì cho rằng nếu quan hệ giữa Trung Quốc và EU trở nên căng thẳng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng theo cấp số nhân. Theo bà Alicia Garcia-Herrero, việc Trump sẽ áp đặt thêm thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc để mắt đến thị trường châu Âu và chắc chắn sẽ khiến EU bổ sung thêm thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc, không giới hạn ở xe điện.

Sơn Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here